Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 18: Tạo động lực mới từ nền tảng văn hóa

Hà Hiền| 15/10/2015 06:18

(HNM) - Xây dựng lối ứng xử văn minh từ các mối quan hệ trong gia đình, đến cơ quan, đơn vị, trường học... và ra ngoài xã hội là đòi hỏi tất yếu, cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.


Học sinh Thủ đô đã được tiếp cận với bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh; cán bộ, công chức, cộng đồng dân cư đã và đang điều chỉnh hành vi, thái độ ứng xử của mình trong các mối quan hệ theo những quy định mang tính chuẩn mực.

Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục. Ảnh: Viết Thành


Tư duy ứng xử...

Ngay sau khi Thành ủy ban hành Chương trình 04 về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", ngành GD-ĐT Hà Nội đã biên soạn bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh cho học sinh Hà Nội" và đưa vào giảng dạy đại trà từ bậc tiểu học đến THPT. Từ chương trình khung, các nhà trường đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong cách thức giảng dạy nhằm tạo sức hút đối với học sinh, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội.

Trường Nguyễn Siêu (Cầu Giấy) dành nhiều thời gian cho học sinh thực hành hơn là những bài học lý thuyết. Trong giờ thực hành, học sinh có thể thảo luận nhóm, diễn thuyết về một vấn đề văn hóa ứng xử nổi cộm nào đó hoặc sáng tạo cùng các mẫu thiết kế trang phục, giúp các em tự nhận biết phải ăn, mặc, giao tiếp, ứng xử sao cho phù hợp với lứa tuổi học sinh. Huyện Phú Xuyên tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi chuyên đề "Tích hợp giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội trong môn ngữ văn THCS" nhằm "huy động" sáng kiến của các thầy, cô giáo để giảng dạy bộ tài liệu này hiệu quả nhất.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, sau 5 năm giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong trường học, tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm tốt tăng lên, số vụ học sinh đánh nhau, bỏ học giảm, môn đạo đức và giáo dục công dân được các em chú trọng hơn. "Đáng quý nhất là các em có sự chuyển biến tích cực trong hành vi giao tiếp, ứng xử, trong hoạt động vui chơi, trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhiều bậc phụ huynh thấy con em mình ngoan ngoãn, lễ phép hơn đã không giấu nổi niềm vui..." -  cô Đinh Thị Bích Thủy, giáo viên dạy môn đạo đức, Trường Tiểu học Tiên Dương, huyện Đông Anh cho biết.

Chu trình giáo dục con người thường được ví như việc xây dựng một ngôi nhà, nền móng có vững chắc thì ngôi nhà mới vững chãi. Vì thế, việc Hà Nội giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh ngay từ bậc tiểu học sẽ giúp các em có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về lối sống, đạo đức, tác phong của người Hà Nội, từ đó hình thành ý thức trách nhiệm xây dựng Thủ đô từ những hành động, những việc làm nhỏ nhất.

Học sinh Thủ đô thanh lịch, văn minh.Ảnh: Viết Thành


... và "hương ước" Hà Nội

Cùng với ngành GD-ĐT, các ngành, địa phương đã đưa nội dung xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vào đời sống thông qua các mô hình văn hóa, các phong trào thi đua… Đặc biệt, Dự thảo "Tiêu chí khung hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội", nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đang được Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phối hợp với Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến, bản "hương ước" chung của người dân Thủ đô sẽ hoàn thiện và triển khai thực hiện từ năm 2016.

Trên tinh thần đó, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính phải tuân thủ pháp luật, chấp hành nghiêm nội quy, quy định của đơn vị; thẳng thắn, trung thực trong ứng xử, làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; giao tiếp có tri thức, đúng mực, trang phục gọn gàng; chủ động, năng động, sáng tạo trong công việc. Người lãnh đạo phải gương mẫu, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, biết lắng nghe cấp dưới, thực hành tiết kiệm, tận tâm với công việc, xây dựng tập thể đoàn kết. Trong khu dân cư, người với người chân thành, cởi mở, cảm thông, chia sẻ cùng nhau, gắn kết với nhau, tương thân, tương ái. Ngoài ra, khung hệ thống quy tắc ứng xử còn hướng tới bác sĩ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong bệnh viện; chủ doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp; người quản lý, người cung cấp dịch vụ và người dân ở nơi công cộng.

Thiết thực hơn với đời sống, quận Long Biên thường xuyên tổ chức ra quân xử lý vi phạm về nếp sống văn minh đô thị, bóc xóa quảng cáo rao vặt sai quy định. Quận Hoàn Kiếm xây dựng Chương trình 07 về "Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh". Trên tinh thần đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận phát động phong trào "Lời nói hay, việc làm hay, phong cách đẹp", "Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi", tổ chức "Tuần lễ áo dài xuống phố, áo dài đến chợ" vào các ngày lễ lớn, thiết thực xây dựng môi trường văn hóa kinh doanh. Quận Tây Hồ xây dựng mô hình "phường văn hóa" với những quy định về nếp sống văn hóa, văn minh. Sau 5 năm, phường Quảng An và Nhật Tân của quận Tây Hồ đã đạt tất cả các tiêu chí, trở thành những "phường văn hóa" đầu tiên của Thủ đô…

Hà Nội đã và đang đặt ra những tiêu chí khung để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Những tiêu chí này vừa kế thừa, vừa phát huy tinh hoa truyền thống của con người và văn hóa Hà Nội; vừa có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn của thời kỳ hội nhập, phát triển của đất nước. Với việc xây dựng văn hóa ứng xử, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Hà Nội chắt lọc, gìn giữ tinh hoa văn hóa, đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 18: Tạo động lực mới từ nền tảng văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.