Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 16: Chất lượng sống ngày càng được nâng cao

Thu Hiền| 13/10/2015 06:20

(HNM) - 5 năm gần đây, cùng với nguồn ngân sách không nhỏ đầu tư cho phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, thể dục - thể thao…, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đóng góp sức người, sức của tu bổ, tôn tạo các di tích


Thành công từ xã hội hóa

Nhịp sống, nếp sinh hoạt của người Hà Nội hiện nay khác trước rất nhiều. Những sáng sớm, hàng vạn người ở mọi lứa tuổi say sưa luyện tập thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe tại các khuôn viên, các nhà văn hóa, khu thể thao. Các chương trình văn hóa nghệ thuật, những bộ phim hấp dẫn rộn rã rạp hát, rạp chiếu phim. Bệnh nhân có thể khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, được hưởng nhiều dịch vụ chất lượng cao tại các cơ sở y tế. Học sinh ở những địa bàn đông dân cư có thể chọn học trường ngoài công lập uy tín, chất lượng. Trong giai đoạn 2010-2015, với nhiều chủ trương, chính sách có tính khả thi cao, Hà Nội đã huy động được một nguồn lực xã hội "khổng lồ" cho phát triển y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục-thể thao...

Trong những năm qua, dịch vụ y tế ở Hà Nội đã liên tục được cải thiện.Ảnh: Thái Hiền



Theo thống kê, mỗi năm nguồn lực ngoài ngân sách dành để xây dựng cơ sở vật chất trường học ở Hà Nội lên tới hàng trăm tỷ đồng. Hàng chục trường học khang trang, hiện đại đã đi vào hoạt động. Nhiều trường công lập được bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. 100% quận, huyện, thị xã, hầu hết các xã, phường, thị trấn tự nguyện xây dựng quỹ khuyến học, khuyến khích con em nỗ lực học hành, trở thành những công dân có ích của xã hội. Ví dụ điển hình là các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện Thanh Trì đã đóng góp 6 tỷ đồng vào quỹ khuyến học, khuyến tài của huyện mang tên nhà giáo Chu Văn An. Số tiền lãi thu được lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm, huyện dành tặng học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện thể thao, học sinh nghèo vượt khó… Vì mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, Ung bướu, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội… đều xây dựng và triển khai đề án xã hội hóa.

Mặc dù vẫn còn một số bất cập, song không thể phủ nhận các mô hình xã hội hóa của Hà Nội đã và đang mang lại lợi ích cho nhà đầu tư, cho người dân Thủ đô và góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Việc huy động nguồn lực xã hội cho lĩnh vực thể dục, thể thao được đánh giá là một trong những giải pháp quan trọng, thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng phát triển. Hiện có khoảng 30% dân số và hơn 23% số hộ gia đình ở Hà Nội luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.

Có thể khẳng định: Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô ngày càng nâng lên.

Lan tỏa những giá trị nhân văn

Từ cơ chế thông thoáng và khả thi, Hà Nội đã thành công trong việc huy động các nguồn lực xã hội vào công cuộc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa... Những giá trị nhân văn của Hà Nội xưa và nay luôn được giữ gìn và lan tỏa. Ông Nguyễn Huy Bái, Trưởng ban Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng, xã Mê Linh, huyện Mê Linh khẳng định: Các hạng mục công trình và không gian văn hóa Khu di tích quốc gia, đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng giữ được nét trang nghiêm, tôn kính như hiện nay, phần lớn là nhờ cộng đồng địa phương tham gia giữ gìn, bảo vệ... Số tiền ủng hộ việc tu bổ, tôn tạo lên đến hàng chục tỷ đồng. Khu tưởng niệm Hoàng hậu Lê Ngọc Hân bề thế ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa vào năm 2011. Từ năm 2011 đến nay, các tổ chức, cá nhân đã đóng góp gần 2.000 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp hàng trăm lượt di tích lịch sử, văn hóa ở các quận, huyện, thị xã.

Đáng trân trọng là các nghệ nhân nắm giữ kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ của đất Thăng Long đang ngày đêm miệt mài gìn giữ, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Bởi vậy, Hà Nội vẫn giữ được dòng tranh dân gian Hàng Trống, vẫn là một trong những cái nôi của di sản ca trù, hát chầu văn, vẫn được biết đến là thành phố của nghệ thuật ẩm thực mang phong vị riêng, không lẫn với bất kỳ địa phương nào khác… Nói như GS. Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, thì "Nghệ nhân và cộng đồng là đối tượng gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tốt nhất. Họ là những người thầy của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Thật đáng mừng là, thông qua Chương trình 04, Hà Nội đã xây dựng nhiều đề án nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể. Với hướng đi này, giới khoa học tin tưởng khối di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội sẽ được lưu truyền". Chưa kể hàng ngày, hàng giờ chúng ta vẫn gặp đâu đó lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện, hội viên hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" để cho Hà Nội xanh, sạch, đẹp hơn, văn minh hơn.

Thế nên không có gì khó hiểu khi Hà Nội tiếp tục là đất bốn phương hội tụ, hấp dẫn hàng triệu lượt khách quốc tế mỗi năm. Để rồi có những người như TS. Michael Waibel (người Đức) yêu Hà Nội bằng một thứ tình yêu không thể diễn tả bằng lời. Và ông đã sử dụng nghệ thuật nhiếp ảnh để "mô tả" Hà Nội trong chặng đường đổi mới và phát triển. Cuốn sách ảnh "Hà Nội - Capital City" của TS. Michael Waibel có phụ đề bằng 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Đức) vừa đoạt giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" đến với nhiều người cũng đồng nghĩa với việc mọi "ngóc ngách" về văn hóa, con người Hà Nội sẽ đến gần hơn với cộng đồng quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 16: Chất lượng sống ngày càng được nâng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.