Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 15: Nơi ấy còn in dấu các anh...

Triệu Dương| 05/10/2011 06:52

(HNM) - Đến hôm nay, Trung tá Lưu Công Hào vẫn nhớ như in ngày quay trở về mảnh đất nghĩa tình, cố công tìm cho được người nữ du kích đã cứu mình khi tàu bị chìm.

Chị Nguyễn Hồng Phượng ngày nào giờ đã lên tuổi bà, mừng mừng tủi tủi khi hai anh em gặp lại nhau. Bữa ấy, hai người đưa nhau ra bãi biển - nơi con tàu 43 đã hóa thân vào biển khơi - để thắp cho đồng đội nén nhang thơm. Trong lúc Trung tá Lưu Công Hào trải miếng dù, bày biện chút hoa quả mang theo thì chị Phượng lặng lẽ đi tìm hái từng chùm hoa muống biển tím ngắt kết thành vòng hoa cho các anh. Khói hương tỏa bay trong tiếng sóng biển rì rầm, nước mắt hai người cứ lăn dài. Những kỷ niệm xưa lại ào về...

Trung tá Lưu Công Hào kể câu chuyện cảm động về người chị nuôi bác sĩ Đặng Thùy Trâm.


Tàu 43 kiêu hùng

Ngay trang đầu tiên của quyển 1 cuốn nhật ký, nhằm ngày 10-4-1968 bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã viết: "Vậy là chiều nay các anh lên đường để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: "Tất cả ba lô lên đường". Những chiếc ba lô vụng về may bằng những tấm bao Mỹ đã gọn gàng trên vai, mọi người còn nấn ná đứng lại trước mình bắt tay chào mình một lần cuối. Bỗng dưng một nỗi nhớ thương kỳ lạ đối với miền Bắc lại trào lên trong mình như mặt sông những ngày mưa lũ và... mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu".

Các anh được nhắc đến trong cuốn nhật ký huyền thoại này chính là 14 chiến sỹ tàu 43 huyền thoại đã được quân và dân huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi cưu mang, đùm bọc khi con tàu kiêu dũng hóa thân vào nghìn trùng sóng vỗ biển Đông. Lịch sử đoàn tàu không số còn đó những trang vàng, khoảng 14 giờ ngày 29-2-1968 một máy bay địch lượn mấy vòng phía trên tàu 43 đang rẽ sóng trên biển Đông rồi bay đi. Thủy thủ đoàn vẫn chắc mẩm địch chưa phát hiện ra bí mật của con tàu. Đêm đến, tàu 43 theo lịch trình tiếp cận cách bờ biển Quảng Ngãi 12 hải lý thì bất ngờ gặp 6 con tàu địch. Lúc này đối phương đã hình thành thế bao vây con tàu của ta. Dưới biển, chúng nổ súng bắn tới tấp, trên không trực thăng quần thảo bắn rốc-két xuống tàu. Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng nhanh chóng triển khai đội hình tập trung hỏa lực vừa bắn trả vừa cơ động nhanh vào bờ. Các loại súng ĐKZ, súng phòng không 12,7 ly, AK 47 của ta đồng loạt khai hỏa làm một máy bay lên thẳng trúng đạn rơi xuống biển. Một chiếc khác bị thương lao vào bờ. Một tàu chiến địch tiến gần tàu ta bị trúng đạn ĐKZ bốc cháy. Bị chống trả ngoan cường, đội hình quân địch phải chùn bước.

Lợi dụng thời cơ, thuyền trưởng Thắng cho tàu chạy hết tốc lực hướng ra biển. Vẫn bị tàu chiến và máy bay địch chặn lại, không thể mở vòng vây, tàu 43 vừa tránh cơn mưa đạn của quân thù, vừa ngoan cường chiến đấu và tăng tốc chạy vào bờ. Qua nhiều giờ quần nhau với máy bay và tàu địch, chiến sĩ Vũ Văn Ruệ quê Thái Bình vừa lập gia đình và y tá Võ Nho Tòng hy sinh, nhiều anh em bị thương nặng, con tàu thủng lỗ chỗ. Phương án phá hủy con tàu được thông qua, thuyền trưởng Thắng nhanh chóng ra mệnh lệnh, chính trị viên Trần Quốc Tuấn đưa thương binh, liệt sĩ vào bờ, hai thuyền phó Thơm và Đức cùng thuyền trưởng hủy tài liệu. Anh Thơm nhận nhiệm vụ điểm hỏa ở khoang lái, máy trưởng Tài giật nụ xòe giây cháy chậm. Một khối lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ lớn, con tàu 43 tan ra từng mảnh hóa thân vào lòng biển khơi. Cả tàu còn 14 người thì 12 là thương binh nhanh chóng được du kích và bà con xã Phổ Thiện cấp cứu, bảo vệ, đưa vào hầm bí mật che giấu, tránh được sự truy lùng rất gắt gao của địch.

Hơn một tuần sau, du kích địa phương vừa chiến đấu vừa nghi binh đã đưa thành công 14 chiến sĩ tàu không số 43 vượt quốc lộ 1A lên vùng căn cứ Ba Tơ. Qua ba lần bị phục kích, cùng hơn một ngày rưỡi xuyên rừng, họ đã đặt chân đến trạm xá dân y huyện Đức Phổ, ở giữa khu rừng thưa, cây cối loang lổ, khô héo vì địch rải chất độc hóa học. Đây chính là bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm - một người con gái đất Hà thành. Thấy anh em bị thương nặng và kiệt sức, bác sĩ Trâm quyết định các thủy thủ phải chữa trị ở bệnh xá một tháng. Trong điều kiện chiến tranh, thuốc men, dụng cụ cấp cứu thiếu thốn, ăn uống chủ yếu bằng củ sắn. Thương anh em, mấy ngày sau, người của trạm xá phải đi ba bốn ngày đường xuống đồng bằng nhờ cơ sở mua gạo và thuốc mang về cứu chữa cho thương binh. Có người đã vì đồng đội mà ra đi mãi mãi khi lọt vào trận địa mai phục của kẻ thù.

Thắm tình quân dân

Trong 14 chiến sĩ tàu 43 được chăm sóc tận tình bằng tình yêu thương đùm bọc của nhân dân huyện Đức Phổ và các nhân viên bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm có lẽ Trung tá Lưu Công Hào là người nhận được nhiều tình cảm nhất. Không kìm nổi những giọt nước mắt, Trung tá Hào kể: "Sức trai mới 21 tuổi đời của tôi lúc đó bơi từ tàu vào bờ hơn 1km thì không thấm tháp gì. Nhưng vì vừa bơi vừa chiến đấu với quân địch đông gấp bội nên sức anh em cứ kiệt dần. May thay khi lên bờ được du kích và nhân dân Đức Phổ giúp đỡ chúng tôi mới thoát được. Mấy ngày ở dưới hầm cùng người nữ du kích đã dìu mình qua làn đạn, tôi càng cảm phục hơn khi biết chưa đến 20 tuổi chị đã là huyện ủy viên huyện Đức Phổ".

Bút tích của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm với người em nuôi.


Nhớ về người chị nuôi đã ngã xuống - bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Trung tá Lưu Công Hào càng không cầm được nước mắt kể lại: "Hồi đó tôi 21 tuổi trẻ nhất trong 14 anh em tàu 43 sống sót, còn chị Trâm đã 25. Dĩ nhiên là em út nên chị thương tôi nhất, thường kê tay cho tôi gối khi nghỉ ngơi trong trạm xá. Thương chị không có ghế ngồi khi làm việc, mấy anh em bảo nhau lên rừng chặt cây về làm cho chị chiếc ghế". Biết Trung tá Hào chưa lập gia đình, bác sĩ Đặng Thùy Trâm còn ngỏ lời giới thiệu cô em gái Đặng Phương Trâm lúc đó đang là sinh viên năm thứ ba lớp rau quả khóa 10 Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội. Giữ trong mình mảnh giấy "làm mối" ghi tên cô sinh viên xinh đẹp Trường Nông nghiệp cùng lời nhắn của bác sĩ Đặng Thùy Trâm "Em! Hãy đến nhà chị chơi vào một ngày chủ nhật", hơn 40 năm sau Trung tá Lưu Công Hào mới tìm đến địa chỉ nhà mẹ Doãn Ngọc Trâm (mẹ đẻ bác sĩ Đặng Thùy Trâm). Đọc xong mảnh giấy có bút tích người chị gái, chị Đặng Phương Trâm cứ trách Trung tá Hào "chắc tại anh chê em nên giờ mới tìm đến chứ gì" làm người cựu binh tàu không số cứ đỏ rần mặt. Xin phép mẹ Doãn Ngọc Trâm được thắp nén nhang thơm cho người chị nuôi cho tròn đạo nghĩa kể từ giây phút đó, Trung tá Lưu Công Hào trở thành thành viên của gia đình bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Gia đình truyền thống Hà Nội đó lại có thêm một thành viên mới, chị Đặng Phương Trâm em gái bác sĩ Đặng Thùy Trâm mừng mừng tủi tủi sau bao năm tháng lại có thêm người anh trai là thủy thủ tàu không số.

"Đức Phổ lúc bấy giờ là một trong những huyện ác liệt nhất ở chiến trường Khu 5. Sư đoàn không vận số 1 Mỹ quần nát ở đó, rồi Lữ 196 Mỹ, Sư dù 101 Mỹ, có thời gian cả Sư 25 “Anh Cả Đỏ” Mỹ cũng ra đó. Rồi Rồng Xanh, Bạch Mã Nam Triều Tiên… B52 dầm nát một vùng bán sơn địa ngang dọc chỉ vài chục cây số... Thế mà trên vùng đất ghê gớm ấy, suốt hàng chục năm trời vẫn trụ bám một bệnh xá huyện nhỏ nhoi, gan lì, bất khuất. Chỉ huy bệnh xá ấy là một cô gái, một cô bác sĩ trẻ người Hà Nội... Chị tên là Trâm" - nhà văn Nguyên Ngọc đã viết như vậy trong cuốn sách Có một con đường mòn trên biển Đông. Còn trong Bảo tàng Quân chủng hải quân còn trưng bày bức thư chị Trâm gửi người em nuôi Trung tá Lưu Công Hào. Bức thư đề ngày 28-3-1968 với những lời lẽ giản dị mộc mạc không thể nói hết được chan chứa yêu thương: "Hào! Em thương quý. Gặp em chị như thấy lại cả quê hương trong đôi mắt nhìn thắm thiết, trong giọng nói quen thân, trong tiếng cười nói ấm áp của em. Muốn nói cho em nghe tất cả từ nỗi nhớ niềm thương của một người con xa quê, đến sự sung sướng tự hào vì được gặp em trong cuộc chiến đấu vĩ đại này...".

Sau một tháng điều trị tại Bệnh xá của bác sỹ Đặng Thùy Trâm trong lòng huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, vết thương đã bình phục, 14 anh em tàu 43 được lệnh gấp rút vượt Trường Sơn ra Bắc. Trước ngày lên đường, bác sĩ Trâm và các bác sĩ, y tá đã thức nhiều đêm khâu những mảnh dù của Mỹ thành ba lô, túi xách, ruột tượng và chuẩn bị áo quần, gạo, muối, thuốc men cho mọi người đi đường. Ngày chia tay, chị Trâm nắn nót ghi vào cuốn sổ nhỏ của Lưu Công Hào địa chỉ của người em gái Đặng Phương Trâm, địa chỉ gia đình để anh lính trẻ khi về đến Hà Nội sẽ ghé thăm... Sau ba tháng vượt Trường Sơn, những người lính tàu không số đã về đến hậu phương an toàn và họ lại lên đường theo tiếng gọi của biển cả, của Tổ quốc thân yêu. Cuộc chiến đấu của những người lính tàu không số phải tuyệt đối giữ bí mật, nên mãi mấy chục năm sau chàng trai Lưu Công Hào mới tìm gặp được cô gái Đặng Phương Trâm khi tuổi đã xế chiều. Tuy không thành duyên, nhưng câu chuyện tình âm thầm thời chiến tranh của chàng thủy thủ tàu không số đã hòa vào bản hùng ca chung của những mối tình thiêng liêng, những tình cảm sâu nặng của biết bao gia đình, bạn bè, đồng đội... một thời khói lửa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 15: Nơi ấy còn in dấu các anh...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.