(HNM) - Mặc hai con tàu địch từ hai hướng ập tới ra rả kêu gọi đầu hàng bằng đủ thứ ngôn ngữ và dùng mọi biện pháp đe dọa, tàu V645 vẫn hiên ngang tiến lên phía trước. Sau nhiều giờ giở hết mọi ngón đòn hù dọa không ăn thua, địch đã huy động hỏa lực mạnh bắn thẳng vào V645. Không nao núng, vừa cơ động vừa chiến đấu, ta bắn trả quyết liệt khiến đám tàu và máy bay địch đến chi viện hoảng loạn tháo chạy.
Trận đánh nghi binh giữa biển
"Năm 1969, tôi học xong trường hàng hải, được tuyển thẳng vào hải quân làm nhiệm vụ trên tàu không số đúng vào giai đoạn ác liệt nhất, khi địch thua đau sau chiến thắng Mậu Thân 1968 - Kỹ sư Thẩm Hồng Năng mở đầu câu chuyện về những chuyến đi biển trên con tàu không số. Trên thực tế, năm 1971 mặc dù ta rất tích cực tìm cách tổ chức vận chuyển chi viện vào chiến trường, các chuyến đi đầy gian nan, phức tạp, căng thẳng đối phó với địch nhưng tất cả đều không tới được bến giao hàng. Ba tháng cuối năm 1971, ta tổ chức liên tục 11 chuyến đi với các loại tàu đã cải dạng có trọng tải 50 tấn, 100 tấn và 200 tấn, nhưng cả 11 chuyến đều bị địch ngăn chặn từ xa, phải quay lại. Sang năm 1972, từ tháng 1 đến đầu tháng 4, các tàu thực hiện 12 chuyến, nhưng cũng chỉ có một chuyến của tàu V656 chở hơn 60 tấn hàng đến đích. Còn 11 chuyến khác không thành công, có 10 chuyến phải quay lại, một chuyến phải hủy tàu (tàu V645). Kỹ sư Thẩm Hồng Năng là một nhân chứng sống trên chiếc tàu lịch sử V645 đó. Câu chuyện chiếc tàu và người chính trị viên Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Hiệu vẫn sống mãi.
Kỹ sư Thẩm Hồng Năng bên tấm bản đồ hành trình những con tàu không số. |
Khi đó, để nghi binh, ta sử dụng cùng lúc ba tàu V653, V657 và V645 với một kiểu dáng, màu sơn, được ngụy trang như tàu buôn và đều mang tên "Vĩnh Trung" đi theo ba hướng khác nhau. Sau hai lần ra khơi đều phải quay lại, lần thứ ba, tàu V645 do Thuyền trưởng Lê Hà và Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu chỉ huy, xuất phát ngày 12-4-1972 trực chỉ phương Nam. Được hai tàu bạn nghi binh từ hai hướng đông tây quần đảo Trường Sa, tàu V645 đi qua giữa quần đảo Trường Sa xuống phía nam, khéo léo vượt qua các tuyến tuần tra cảnh giới của máy bay và tàu chiến địch. Sáng 17-4, một máy bay trinh sát địch bay qua tuyến hành trình của tàu. Ông Thẩm Hồng Năng nhớ lại, chiếc máy bay của Hải quân Mỹ quần thảo liên tục, có lúc chúng còn thử sức chịu đựng của anh em bằng cách vờ bổ nhào cắt bom. Nhưng chiến sỹ ta vẫn bình tĩnh ngồi trên boong ăn chuối và thịt gà. Những lúc máy bay lượn sát boong tàu, trông rõ cả viên phi công, anh em ta còn giơ cả đùi gà lên mời. Không phát hiện được gì, sau gần một ngày lộn đi, lộn lại theo dõi, chiếc máy bay phải bỏ đi. Trong trận đấu trí nghi binh không kém phần căng thẳng với địch, ta đã tỏ rõ bản lĩnh người chiến thắng. Sáng hôm sau, lại có thêm hai lần máy bay trinh sát địch xuất hiện theo dõi tàu nhưng cũng bỏ đi vì chẳng thu thập được gì, chiến sỹ ta vẫn gan dạ đấu trí với địch bằng phương pháp ngụy trang khéo léo như tàu buôn nước ngoài đang trên đường làm ăn. Kỹ sư Thẩm Hồng Năng lúc đó là làm hoa tiêu dẫn dắt con tàu nên ông quản lý hải đồ, bản đồ hàng hải, trong trường hợp bị lộ, những tài liệu này phải hủy ngay để tránh rơi vào tay giặc.
Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ…
Liên tiếp mấy ngày sau đó, không thấy tàu chiến, máy bay địch xuất hiện, 15h ngày 23-4, tàu V645 chạy về hướng vịnh Thái Lan. Rạng sáng 24-4, khi chuyển hướng vào bờ, tàu ta bất ngờ gặp tàu HQ04 của Hải quân ngụy mang tên Trần Khánh Dư và một khu trục hạm của Mỹ từ Vịnh Thái Lan sầm sập lao tới. Ngay loạt đạn đầu địch bắn thẳng vào tàu V645, tàu ta đổ cột cờ, mất la bàn chuẩn và hai đồng chí hy sinh. Loạt đạn tiếp theo, địch thâm hiểm bắn vào buồng máy làm một chiến sỹ nữa hy sinh. Tàu ta không nao núng, vừa cơ động vừa chiến đấu, bắn trả quyết liệt vào đội hình tàu chiến và máy bay địch được huy động đến ngày càng đông. Bị bắn rát quá, đám máy bay địch đến chi viện hoảng loạn tháo chạy.
10h sáng 24-4, mũi tàu V645 trúng bom, buồng lái trúng đạn, thêm hai đồng chí hy sinh, kỹ sư Thẩm Hồng Năng bị thương, ngất đi. Trong khói lửa mịt mù, Thuyền trưởng Lê Hà cùng cán bộ tàu chỉ huy bộ đội vừa chiến đấu, vừa chống cháy, chống chìm, băng bó vết thương cho thương binh và ra lệnh cho mọi người rời tàu. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu xung phong ở lại điểm hỏa hủy tàu. Ông Năng kể, khi tỉnh dậy, thấy lái tàu đã trúng đạn quay vòng tròn, Nguyễn Văn Hiệu ở ngay ông, ân cần hỏi: "Năng tỉnh rồi à, em hủy tài liệu rồi rút nhé". Khi đồng đội đã bơi xa được ước chừng 200m, thấy tôi bị thương nhưng chưa chịu rời tàu, anh Hiệu giục, nhưng tôi không nghe, nhân lúc tôi không để ý anh xô tôi xuống biển và ném theo một chiếc phao cứu sinh.
Sợ tàu nổ ở gần chỗ đồng đội đang dìu nhau bơi vào bờ sẽ rất nguy hiểm nên Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu đợi lúc tàu xa anh em nhất mới điểm hỏa. Khi đó là gần 11h ngày 24-4-1972, một tiếng nổ rung chuyển trời đất, con tàu biến mất vào lòng biển sâu. Sở Chỉ huy Đoàn 125 nhận được bức điện cuối cùng từ tàu V645 gửi về: "Nhờ các đồng chí báo cáo lên Đảng ủy, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của Đảng giao cho. Xin gửi lời chào vĩnh biệt. Hiệu!". Sau trận đó, 6 cán bộ chiến sỹ đã anh dũng hy sinh, số còn lại bị địch bắt đưa thẳng ra Nhà lao Phú Quốc và được trao trả năm 1973 theo Hiệp định Paris.
Trường học cách mạng trong nhà tù đế quốc
Sau khi tàu chìm, 16 chiến sỹ còn sống bơi túm lại một chỗ. Không một tấc sắt trong tay nhưng khí tiết người cộng sản vẫn làm địch khiếp sợ. Chúng chỉ dám cho ca-nô bơi vòng tròn mãi mà không dám áp sát. Địch kêu gọi đầu hàng, cả 16 chiến sỹ không ai làm theo. Hết cách, bọn chúng phải cử thêm lính đặc nhiệm đến, mặc dù được trang bị tận răng nhưng địch phải chờ đến lúc anh em ta kiệt sức mới dám áp sát, đưa từng người một lên tàu. Tỉnh lại trên tàu địch, kỹ sư Thẩm Hồng Năng còn chưa kịp tỏ thái độ phản kháng nào đã thấy cậu y tá ngụy trẻ măng đột nhiên ghé tai ông nói nhỏ: "Em là Lê Tế Thế, quê ở Châu Đốc. Em bị bắt đi lính quân dịch nhưng chỉ làm y tế, chưa bao giờ cầm súng bắn vào dân ta. Còn thằng nghe lệnh trên bắn vào tàu các anh tên là Thành. Sau này hòa bình rồi, nhờ anh nói giúp tấm lòng em với cách mạng". Qua câu chuyện người y tá ngụy, ông Năng hiểu thêm rằng, chứng kiến khí tiết ngoan cường của các chiến sỹ tàu V645, đám đông quân ngụy vô cùng cảm phục, không đứa nào dám nhằm thẳng súng vào anh em.
Năm 1972, cuộc chiến đấu của quân và dân ta đang trên đà thắng lợi trên mọi mặt trận. Trong B10 khu A nhà lao Phú Quốc của địch, 150 anh em bộ đội miền Bắc bị tách ra giam riêng vẫn tổ chức được chi bộ Đảng và vẫn sinh hoạt đều. Hai ngày sau khi bị đưa vào Phú Quốc, kỹ sư Thẩm Hồng năng kết nối được với tổ chức và được phân công dạy văn hóa cho anh em tù nhân. Ông Năng kể: Đại úy Chép, quê ở Tiên Lãng, Thái Bình được bầu làm Bí thư Đảng bộ khu A đã cảm hóa được bọn cai ngục để chúng tình nguyện giúp đỡ đưa tài liệu vào cho ta, thậm chí còn giấu báo cho anh em xem và tình nguyện đứng gác khi anh em ta đọc. Chi bộ giao cho một cuốn sách triết học khiến kỹ sư Thẩm Hồng Năng cảm động. Cả đêm trước khi lên lớp, ông cứ mân mê cuốn sách được làm từ bao bì cũ, từng trang giấy là từng lớp vỏ bao bì được tách ra rồi ép cho phẳng phiu, được viết bằng nét chữ rất đẹp mà ngòi bút được chế từ mẩu dây thép gai mài nhọn, mực làm từ chất nhầy của con mực biển. Cuốn sách đã theo kỹ sư Thẩm Hồng Năng gần 9 tháng trong nhà tù đế quốc, là tài liệu giúp người chiến sĩ cách mạng không ngừng nâng cao phẩm chất và khí tiết, đồng thời cũng giúp cảm hóa nhiều tên cai ngục ác ôn. Một lần đang dạy học, thấy cuốn sách đẹp quá, toán lính gác đã xin mượn đọc và không chịu trả lại. Ông Năng đòi thì chúng gãi đầu, gãi tai bảo rằng quyển sách hay, hấp dẫn quá nên được truyền tay nhau đọc khắp nhà tù, không biết hiện ai đang giữ. 9 tháng trong nhà tù đế quốc, cùng với đồng đội, kỹ sư Thẩm Hồng Năng đã biến nơi đây thành trường học cách mạng thực thụ. Những người chiến sỹ làm cả đàn violon bằng ván giường và dây thép giữ cột điện để biểu diễn vào dịp sinh nhật Bác (19-5), Quốc khánh (2-9)... khiến bọn địch vô cùng khâm phục.
Năm 1982, Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, kỹ sư Thẩm Hồng Năng tình cờ thăm lại con tàu địch HQ04 - Trần Khánh Dư đã bắn loạt đạn đầu vào tàu V645 trong cuộc hải chiến không cân sức. Con tàu đó là chiến lợi phẩm ta thu được sau Đại thắng mùa xuân 1975, giờ phất phới tung bay lá cờ Tổ quốc. Lại như một người thầy, ông đã say mê kể cho lớp hậu thế nghe câu chuyện về con đường huyền thoại trên biển Đông...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.