(HNM) - Quán triệt chủ trương, nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai công tác đối ngoại một cách toàn diện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, qua đó nâng cao vị thế Thủ đô trên trường quốc tế.
Đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế
Với vai trò Thủ đô, trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, Hà Nội có nhiều ưu thế để triển khai các hoạt động hợp tác, giao lưu quốc tế, đồng thời đã và đang là một trong những địa phương đi đầu trong công tác đối ngoại. Với chủ trương đẩy mạnh hội nhập quốc tế được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, hoạt động đối ngoại Thủ đô đã có những đột phá nổi bật, phát huy thế mạnh, phát triển toàn diện và hiệu quả. Qua đó, quan hệ hữu nghị hợp tác song phương cũng như đa phương của Hà Nội với các thủ đô, thành phố của các nước, các đối tác liên tục được duy trì và củng cố.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong Tuần lễ văn hóa Hà Nội tại thành phố Toulouse (Pháp). |
Đến nay, Hà Nội có quan hệ hữu nghị và hợp tác với gần 100 thủ đô, thành phố lớn trên thế giới, trong đó, ký thỏa thuận hợp tác với 61 thành phố, thủ đô các nước, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín. Hà Nội cũng tham dự tích cực tại các diễn đàn đa phương như Mạng lưới các thành phố lớn Châu Á thế kỷ XXI (ANMC21); Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước ASEAN, Hội nghị Thị trưởng Thủ đô các nước Á - Âu (ASEM); Hiệp hội Các thị trưởng của các thành phố nói tiếng Pháp; Hiệp hội Các thành phố có lịch sử lâu đời.
Hà Nội cũng tích cực duy trì quan hệ tốt với các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính tiền tệ có trụ sở tại địa bàn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)... Tại các diễn đàn đa phương, lãnh đạo thành phố đã tích cực, chủ động tham gia trên nhiều lĩnh vực, khẳng định vai trò quan trọng, tích cực, có trách nhiệm của Hà Nội trong các tổ chức quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Thủ đô.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác
Luôn coi hội nhập kinh tế quốc tế là lĩnh vực trọng tâm, các lĩnh vực hội nhập quốc tế khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội đã ban hành “Kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế TP Hà Nội giai đoạn 2013-2015”. Đây là một kế hoạch hành động tổng thể, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều nội dung nhằm mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế quốc tế với các đối tác. Trên cơ sở những nhiệm vụ Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đề ra, Hà Nội chủ trương đưa quan hệ với các thành phố, thủ đô các nước ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường đầu tư. Bên cạnh đó, công tác quảng bá tiềm năng du lịch, văn hóa và những sản phẩm đặc trưng của Hà Nội với bạn hàng và khách quốc tế cũng được chú trọng.
Có thể nói, mặc dù có nhiều khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, Hà Nội vẫn tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế để phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững, tăng cường nội lực, uy tín quốc tế. Đóng góp của hoạt động đối ngoại vào sự phát triển chung của Thủ đô là rất đáng ghi nhận, thông qua những con số về dự án đầu tư nước ngoài, dự án hợp tác, số lượng du khách quốc tế…
Nếu như năm 2012, khách du lịch đến Hà Nội đạt 14,4 triệu lượt, thì đến năm 2016, con số này đã lên tới 21,8 triệu lượt (trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế). Năm 2012, vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Hà Nội là 1,111 tỷ USD, thì đến năm 2016, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI; đã thu hút được 445 dự án FDI mới với số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD, tăng 46,4% về số dự án và 164% về vốn đăng ký so với năm 2015. Trong quý I-2017, FDI đã đạt 580 triệu USD, trong đó có một số dự án ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với định hướng phát triển chiến lược của thành phố.
Tại hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác, Đầu tư và Phát triển" vào tháng 6-2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, TP Hà Nội đang đổi mới các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung vào chất lượng thay vì số lượng, kêu gọi các dự án có quy mô lớn, giá trị cao. Có thể khẳng định, với những nỗ lực không ngừng, Hà Nội đã và đang được bạn bè quốc tế đánh giá cao, là điểm đến du lịch hấp dẫn và là môi trường đầu tư an toàn và thành công.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn tiếp theo, Hà Nội xác định rõ trách nhiệm trong việc tiếp tục củng cố những quan hệ đã thiết lập, tích cực mở rộng hợp tác với các thủ đô, thành phố tiềm năng. Thành phố sẽ chú trọng các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch như những kênh hiệu quả để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu hút đầu tư nước ngoài và tài trợ quốc tế.
Thủ đô Hà Nội đã xây dựng Chương trình hành động triển khai công tác đối ngoại của thành phố giai đoạn 2016-2020 với 12 nội dung bám sát chủ trương, đường lối, phương châm đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Trong đó, ngoại giao kinh tế, thúc đẩy các dự án hợp tác song phương là ưu tiên quan trọng. Đối ngoại văn hóa, ngoại giao nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều nội dung phong phú nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế của Thủ đô trên trường quốc tế.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.