Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 13: Để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh

PGS,TS Cao Duy Hạ| 14/02/2012 06:15

(HNM) - Chúng ta tự hào rằng: Qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng, chân chính, đầy kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân; Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng giành được những thắng lợi to lớn, kì tích có tính lịch sử, đưa dân tộc ta tiến theo con đường CNXH.



Sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo hiện nay đang ở thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa hội nhập quốc tế, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, vừa xây dựng CNXH vừa bảo vệ Tổ quốc, nhằm mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước vừa có thuận lợi, thời cơ, vừa có khó khăn, thách thức.

Đảng ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới phải xử lý, nhiều việc hết sức phức tạp. Không ít vấn đề lý luận và thực tiễn chưa đủ sáng tỏ cho nên ý kiến thường rất khác nhau. Trong khi đó trình độ nhận thức, trí tuệ của chúng ta có mặt còn hạn chế. Bên cạnh mặt tích cực, thành tựu, công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng còn những tiêu cực, yếu kém đáng lo ngại, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và cả một số cán bộ cấp cao; tình trạng quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm; “làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”. Đó là chưa kể các thế lực thù địch đang tìm mọi cách tiến công phá hoại sự nghiệp xây dựng CNXH của nhân dân ta, chế độ ta bằng nhiều âm mưu hết sức thâm độc và nguy hiểm.

Trong tình hình đó đòi hỏi Đảng ta phải thật vững mạnh về chính trị, tư tưởng, thống nhất cao về ý chí, hành động, trong sạch về đạo đức lối sống, vững mạnh về tổ chức. Nếu không được nhân dân ủng hộ tin cậy thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo để đưa đất nước đi lên theo con đường XHCN. Vì vậy, Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) của Đảng đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết gồm ba vấn đề quan trọng và cấp bách sau đây:

Một là, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế.

Ba là, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Trong ba vấn đề trên, vấn đề thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Cần tập trung sự lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và dựa vào dân (lấy dân làm gốc) để triển khai thực hiện một cách tích cực và triệt để, nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh về xây dựng Đảng, trước hết là đẩy lùi tình trạng suy thoái hiện nay và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Để lãnh đạo thắng lợi sự nghiệp xây dựng CNXH ở nước ta, đòi hỏi Đảng phải mạnh và trong sáng về các mặt: Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, lối sống, uy tín… Muốn có được sức mạnh và uy tín Đảng phải tự rèn luyện, tự củng cố, tự đổi mới, chỉnh đốn; không ai có thể làm thay được. Từng tổ chức Đảng, mỗi cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, phải nhận thức sâu sắc đầy đủ yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác làm và làm ngay. Việc đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên hiện nay đòi hỏi sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Từng đồng chí UVTƯ Đảng, UV BCT, BBT, tự giác, gương mẫu làm trước; tự phê bình kiểm điểm, lấy bản chất và tính tiền phong của Đảng soi lại mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tệ hại.

Để đạt được yêu cầu tự kiểm điểm trên, công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng phải làm thật tốt các việc sau đây:

Một là: Các tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương phải tiến hành nghiêm túc và thường xuyên công tác tự phê bình và phê bình để sửa chữa sai lầm khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Tự phê bình và phê bình phải theo đúng điều lệ Đảng đã quy định, yêu cầu phải đạt được là: Nói và nhận hết những sai lầm khuyết điểm mình đã mắc phải trước tổ chức Đảng, trước quần chúng nhân dân và tai hại của nó; phải đề cao tính tự giác, mọi cán bộ đảng viên trước hết là các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý phải gương mẫu và nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần chỉ thị của ban bí thư trung ương Đảng tháng 3-1986, NQ/TƯ6 lần 2 (khóa VIII) và NQ/TƯ4 (khóa XI), nhằm tạo ra bước chuyển biến thật sự về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên. Bác Hồ đã dạy “Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ, thì ai cũng cần tự phê bình và phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn, ngày nào cũng phải ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm”.

Hai là: Tự phê bình và phê bình phải gắn kết với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá mình cho thật khách quan. Tập trung kiểm điểm trên các vấn đề trách nhiệm đối với công việc, đối với đơn vị; phẩm chất cá nhân của mình về các mặt: nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng… Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau, “trị bệnh cứu người”. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng.

Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn.

Ba là: Tự phê bình phải thật thà, nói đầy đủ cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm của mình, đối với khuyết điểm phải nói hết, nói đúng, không đổ lỗi cho khách quan. Sai lầm khuyết điểm ở mức nào phải nhận hình thức kỷ luật ở mức đó. Bác Hồ đã dạy: “Tự phê bình rồi để sửa chữa cho nên phải thật thà, phải triệt để mới có kết quả, nếu chỉ làm cho qua chuyện, hình thức thì vô ích. Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, cho nên thái độ của người phê bình phải nghiêm túc, đúng mực tuyệt đối không nên có ý mỉa mai, bới móc, không nên phê bình lấy lệ, càng không nên “trước mặt không nói, soi mói sau lưng”. Bác Hồ còn nhấn mạnh: “Phê bình cho đúng chẳng những không làm giảm thể diện và uy tín của người lãnh đạo và cán bộ đảng viên, trái lại còn làm cho sự lãnh đạo mạnh mẽ lên, thiết thực hơn, do đó mà uy tín và thể diện càng tăng thêm”.

Bốn là: Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên, nhất là những cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp các ngành phải tự giác gương mẫu thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình thường xuyên, nghiêm túc để phát huy ưu điểm, sửa chữa sai lầm khuyết điểm nhằm xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bác Hồ đã dạy: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có những khuyết điểm đó. Như thế là một đảng tiến bộ, mạnh mẽ, chắc chắn, chân chính”.

Sau khi tiến hành tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong toàn Đảng, những sai lầm khuyết điểm của từng người, từng đơn vị và từng tổ chức phải được sửa chữa ngay bằng những biện pháp tích cực, hữu hiệu để đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những tiêu cực khác; có như vậy việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 khóa XI mới thực sự có ý nghĩa cách mạng; lòng tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng sẽ được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cách mạng đặt ra trong giai đoạn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 13: Để Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.