Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 11: Khơi nguồn “chất xám”, tạo động lực phát triển

Nguyễn Mai - Thanh Thủy| 22/04/2017 07:30

(HNM) - Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh cho sản phẩm là đòi hỏi quan trọng, bắt buộc, đặc biệt với những quốc gia đang phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ và áp lực từ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng tăng.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hà Nội nhằm tạo động lực cho sự phát triển của Thủ đô. Ảnh: Nhật Nam


Hiệu quả phong trào học nghề

Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định: Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế tri thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của kinh tế Thủ đô. Coi trọng sử dụng công nghệ hiện đại, tăng nhanh tỷ lệ nội địa hóa, có nhiều sản phẩm với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao... Tiếp tục chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Khuyến khích, phát triển các loại hình dịch vụ có trình độ và chất lượng cao; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động xuất - nhập khẩu, du lịch. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao; nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp mũi nhọn. Phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả theo hướng đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, sinh thái, sạch, công nghệ cao; đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu 2/3 số xã đạt tiêu chí vào năm 2020. Phấn đấu mức tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt khoảng 11,5-12%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 7.100-7.500 USD/năm...

Để đạt được mục tiêu trên, công tác đào tạo nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được Thủ đô coi trọng, tập trung nhiều giải pháp như: Chú trọng dự báo nhu cầu thị trường lao động, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm theo nhu cầu xã hội; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động với cơ sở đào tạo, tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu thực tế… Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, mỗi năm Hà Nội có trên 15 vạn lao động được đào tạo nghề; 14 vạn lao động được giải quyết việc làm. Năm 2016, tỷ lệ lao động thất nghiệp ở Hà Nội giảm xuống còn 4,22%.

Triển khai Chương trình đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-CP của Chính phủ, riêng trong năm 2016, toàn thành phố đã tổ chức được khoảng 1.000 lớp đào tạo cho gần 27.000 người, với các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nhờ đẩy mạnh đào tạo nghề, nhiều LĐNT ở Hà Nội đã có việc làm ổn định, thu nhập cao. Đặc biệt, giải pháp gắn đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp trực tiếp dạy nghề và tuyển dụng lao động hoặc hỗ trợ bao tiêu sản phẩm… đã tạo nên “làn gió mới” cho công tác đào tạo nghề ở nông thôn, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp.

Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi tham gia học nghề đạt cao (88,7%), trong đó, số lao động được doanh nghiệp tuyển dụng là 2.625 người. Ngoài ra, hơn 18.000 người sau khi học nghề đã tự tạo được việc làm, 476 người khác tự thành lập tổ hợp sản xuất, bao tiêu sản phẩm…

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị nêu rõ: Cần phát triển mạnh khoa học - công nghệ gắn với phát triển kinh tế tri thức; chủ động phối hợp với các học viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn, đồng thời coi trọng hợp tác quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học - công nghệ, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Đáp ứng yêu cầu này, Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách như: Nghị quyết số 04/2013/NQ của HĐND thành phố về chính sách ưu đãi với các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển khoa học và công nghệ... Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014-2020... Và gần đây nhất là Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn, có sức cạnh tranh, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Cũng hiếm tỉnh, thành phố nào có chính sách ưu đãi thu hút nhân tài, đặc biệt là các thủ khoa như Hà Nội. Rất nhiều thủ khoa các ngành, các trường đã được thành phố tiếp nhận qua cơ chế đặc thù nhằm phát huy tối đa năng lực "chất xám" đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Nhưng, vẫn chưa hài lòng với những gì đạt được trong chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là theo Nghị quyết 11/NQ-TƯ của Bộ Chính trị, Hà Nội đã, đang và sẽ có những giải pháp nhằm phát huy năng lực mỗi công dân đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Cụ thể là, phát huy tối đa các nguồn lực để xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao của cả nước. Tiếp tục hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học - cao đẳng, bảo đảm cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung. Thành phố cũng sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chính sách thu hút nhân lực và sử dụng nhân tài vì sự phát triển quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 11: Khơi nguồn “chất xám”, tạo động lực phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.