(HNM) - Lâu nay xe máy vừa được coi là phương tiện, vừa là tài sản không nhỏ của mỗi cá nhân, gia đình. Song, có một thực tế là tại các điểm trông giữ xe hiện đang tồn tại hàng nghìn, thậm chí hàng vạn chiếc xe vô chủ nằm "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua.
Đây hầu hết là những phương tiện bị lực lượng chức năng xử lý do vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ, xe tai nạn… nhưng đã bị chủ phương tiện "bỏ của chạy lấy người". Tình trạng xe vô chủ ngày càng tăng không chỉ tạo áp lực quá tải trầm trọng, gây thiệt hại cho các điểm trông giữ xe, mà còn lãng phí tài sản của người dân và Nhà nước.
Tiền tỷ nằm đắp chiếu
Cái nắng oi nồng trước cơn bão số 3 mang tên Nock - ten khiến đoạn đường hơn chục kilômét dẫn xuống điểm trông giữ xe Mỹ Đình 1 dường như xa hơn. Dẫn chúng tôi đi quan sát khu vực trông giữ xe vô thừa nhận, anh nhân viên liên tục than thở: "Không biết bao giờ những chiếc xe này mới được xử lý, để chúng tôi bớt khổ!". Từ khu vực cổng chính đi vào, qua dãy xe vi phạm vừa được thu giữ, hiện ra trước mắt chúng tôi là hai bãi cỏ lau mọc cao lút đầu người, lẫn trong đó hàng trăm chiếc xe máy vô chủ được xếp thành hàng khá ngay ngắn. Nhưng sau những năm dài nằm phơi mình giữa nắng mưa, không ai còn nhận ra hình dạng, màu sắc ban đầu của chúng. Phần lớn những chiếc xe đều khoác trên mình lớp gỉ sắt dầy cộp, rệu rã đến từng con ốc, như muốn đổ sụp xuống.
Những chiếc xe vô chủ tồn tại nhiều năm đã gây thiệt hại không nhỏ. |
Ngoài một số ít xe đạp và xích lô, chiếm đa số tại bãi chứa xe vô thừa nhận là các loại xe "cỏ" như Wave, Angel, Dream, Suzuki… Một lãnh đạo Xí nghiệp 3 - thuộc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết: Toàn công ty hiện có 6 xí nghiệp khai thác điểm đỗ, riêng Xí nghiệp 3 quản lý 25 điểm trông giữ xe, trong đó điểm trông giữ xe Mỹ Đình 1 có quy mô rộng nhất với diện tích lên tới 16.000m2, được dành một phần làm nơi tập kết phương tiện bị xử lý vi phạm hành chính của Đội CSGT số 3, Đội CSGT số 6 và lực lượng quản lý trật tự huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy… Hiện số xe trong diện vô thừa nhận tại bãi đã lên đến hơn 400 chiếc. Mặc dù xí nghiệp đã nhiều lần gửi văn bản đến cơ quan chức năng nhờ giúp đỡ, đề nghị sớm thanh lý số xe nêu trên, xong việc xử lý xe vô chủ diễn ra rất chậm chạp. Trong 3 năm qua, Sở Tài chính mới tổ chức duy nhất một đợt thanh lý vào đầu năm 2011, nhưng cũng chỉ giải tỏa được 117 chiếc xe vô chủ với giá vẻn vẹn hơn 400.000 đồng/xe, số còn lại chưa biết nằm lại bãi trông giữ đến bao giờ!?…
Theo khảo sát của phóng viên, không chỉ có các điểm trông giữ xe, nơi tập kết các phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ mới xảy ra tình trạng tồn đọng xe vô chủ. Trên thực tế, ở nhiều điểm trông giữ xe tại các bệnh viện cũng đang có hàng trăm xe máy các loại, từ xe tay ga đắt tiền đến những khung xe gỉ sét nằm lưu cữu nhiều năm nhưng chưa có người đến nhận. Trong số những người từng đến Bệnh viện Bạch Mai, ít ai để ý dưới gầm cầu thang của một khu nhà 3 tầng là hàng chục chiếc xe máy, chủ yếu là xe tay ga, được xếp chồng lên nhau. Do để lâu ngày, dấu vết thời gian hiện rõ qua lớp bụi dầy đặc và những vết gỉ sét trên thân xe. Theo lời kể của một nhân viên trông xe, ban đầu, những chiếc xe này được gửi vào bãi để xe trong bệnh viện, có ghi số, cấp vé hẳn hoi. Nhưng không hiểu vì lý do gì, sau đó người gửi xe không đến nhận lại. Thời điểm Bệnh viện Bạch Mai chuyển giao mô hình trông xe cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác, số xe máy vô chủ kia được lọc ra, dồn vào một góc dưới gầm cầu thang, chờ ngày có người đến nhận. Nhưng theo nhận định của những nhân viên trông xe, chắc chắn sẽ chẳng có ai đến nhận lại những chiếc xe nói trên. Bởi nếu có, thì sau nhiều năm nằm "chết dí" trong kho, phí trông xe cũng cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó.
Vì sao xe vô chủ?
Vậy nguồn gốc những chiếc xe vô chủ đang chất đống tại những điểm trông giữ xe trên địa bàn thành phố từ đâu ra? Đặt câu hỏi ấy với một số cán bộ trong ngành công an, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được câu trả lời thỏa đáng. Là người có nhiều năm gắn bó với công việc xử lý vi phạm hành chính, Trung tá Nguyễn Văn Quỹ, Tổ trưởng Tổ xử lý hành chính vi phạm Đội CSGT số 1 lý giải, xe được xem là vô chủ thường rơi vào một trong các trường hợp: xe nhập lậu không có nguồn gốc giấy tờ; xe quá cũ nát hoặc xe đã qua nhiều đời chủ sử dụng và bị mất đăng ký. Với xe nhập lậu không có nguồn gốc giấy tờ và xe bị mất đăng ký nhưng đã qua nhiều chủ sử dụng, thông thường sau khi bị tạm giữ phương tiện, chủ xe sẽ "một đi không trở lại" do biết việc xin cấp mới hoặc làm lại đăng ký quá khó khăn. Riêng trường hợp xe quá cũ nát hoặc chủ phương tiện vi phạm những lỗi nặng mà tiền nộp phạt xấp xỉ, thậm chí cao hơn cả giá trị chiếc xe, chủ phương tiện cũng phó mặc cho lực lượng xử lý.
Một cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội khẳng định, phần lớn số xe máy vô chủ đang nằm tại các bệnh viện, gầm cầu… là xe tang vật trong các vụ trộm cắp, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… Thủ đoạn của các đối tượng trên là mang xe máy chiếm đoạt được, gửi vào các bãi trông giữ xe công cộng để dễ dàng che mắt cơ quan điều tra. Thông thường, chỉ sau vài ngày các nhân viên trông giữ đã có thể xác định chính xác chiếc xe nào "có vấn đề" hay không, thông qua việc bàn giao, sắp xếp lại khu vực để xe. Tại các bãi giữ xe của Bệnh viện Bạch Mai, Thanh Nhàn, hay khu vực gầm cầu Long Biên… đều có bãi dành riêng cho xe vô chủ. Tuy nhiên, thông tin mà chủ các bãi trông giữ xe phản ảnh đến cơ quan chức năng không nhiều, nhất là những điểm trông giữ do tư nhân quản lý. Tâm lý này xuất phát từ việc "ngại" trình báo thủ tục với cơ quan công an. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác là nhiều điểm trông giữ lợi dụng tình trạng xe lâu ngày không có người đến nhận, đã tiến hành đánh tráo phụ tùng có giá trị. Tuy nhiên, có trường hợp điểm trông giữ đã trình báo hẳn hoi, nhưng hồi âm từ phía cơ quan chức năng hết sức chậm chạp.
"Nghịch lý ở chỗ, trong khi diện tích các điểm trông giữ xe đang thiếu trầm trọng nhưng vẫn phải dành diện tích để chứa cả nghìn chiếc xe vô chủ từ năm này qua năm khác. "Theo quy định, giá trông giữ một chiếc xe bị xử lý vi phạm hành chính là 3.000 đồng/ngày đêm, nhưng với điều kiện chủ xe phải đến nhận lại phương tiện và thanh toán tiền lưu kho bãi. Với những xe "vô chủ", đương nhiên chúng tôi phải trông giữ miễn phí vì không được cơ quan nào thanh toán. Vậy mà, trong số hơn 400 chiếc xe vô chủ nằm tại đây, nhiều chiếc có "thâm niên" từ những năm 2006-2007... Chỉ tính riêng phí trông giữ, tính ra chúng tôi đã thiệt hại hàng tỷ đồng, chưa kể số tiền phải chi trả từ việc bố trí thêm nhân lực do số xe tồn đọng ngày càng nhiều. Nhìn cả trăm chiếc xe nằm giữa trời mưa nắng, xót xa lắm chứ. Giá như sau khi xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng tiến hành thanh lý nhanh hơn, biết đâu người dân sẽ tận dụng được những phương tiện này, còn Nhà nước cũng thu được khoản tiền đáng kể" - vị lãnh đạo Xí nghiệp 3 không giấu được bức xúc.
Khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân còn hạn chế, thì lượng phương tiện vi phạm bị các lực lượng chức năng tạm giữ, chờ xử lý có dấu hiệu tăng nhanh. Số lượng lớn xe vô chủ tồn đọng trong thời gian dài đã gây sức ép lớn cho giao thông tĩnh của Thủ đô, vốn đã luôn trong tình trạng quá tải. Để giải tỏa lượng xe vô chủ tại các điểm trông giữ, biện pháp khả thi nhất là đẩy nhanh tiến độ thanh lý xe. Tuy nhiên, đây lại là công việc không mấy dễ dàng, bởi theo quy định hiện hành, thủ tục thanh lý phương tiện vô chủ còn quá rườm rà, nhiêu khê.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.