(HNM) - Những sai phạm liên quan đến khám, chữa bệnh tại các PK tư nhân đã tốn quá nhiều giấy mực của các cơ quan truyền thông. Song, bất chấp dư luận, các chiêu trò dụ dỗ, hù dọa, “vẽ bệnh”, thực hiện nhiều kỹ thuật ngoài phạm vi chuyên môn được cấp phép, vẫn diễn ra trắng trợn,
Các cơ quan chức năng sẽ siết chặt quản lý hoạt động của phòng khám tư nhân. Ảnh: Khánh Huy |
Bài 1: “Vẽ bệnh” tại phòng khám
Những sai phạm liên quan đến khám, chữa bệnh tại các PK tư nhân đã tốn quá nhiều giấy mực của các cơ quan truyền thông. Song, bất chấp dư luận, các chiêu trò dụ dỗ, hù dọa, “vẽ bệnh”, thực hiện nhiều kỹ thuật ngoài phạm vi chuyên môn được cấp phép, vẫn diễn ra trắng trợn, "móc túi" người bệnh...
“Nhầm hơn sót”...
Trong vai người bệnh có triệu chứng bị đau dạ dày, sáng 16-3, phóng viên Báo Hànộimới đến PK đa khoa Á Châu (987 đường Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai). Sau khi nộp tiền, nhận sổ khám bệnh, một nhân viên PK Á Châu bảo chúng tôi ngồi chờ vì một nam bác sĩ đảm trách khám hiện đi vắng. Khoảng 10 phút sau, nhân viên PK đưa tôi lên tầng 3, chỉ dẫn vào căn phòng có treo biển “khám nội” và giải thích: "Nam bác sĩ kia bận nên bác sĩ Mai Anh khám thay".
Bên trong, chỉ có một chiếc giường và một bàn làm việc, không có bất kỳ trang thiết bị y tế nào. Sau khi thăm hỏi các triệu chứng, vị bác sĩ chỉ dùng duy nhất chiếc ống nghe y tế để kiểm tra và chưa đầy 2 phút đã đưa ra kết luận "Bị đau dạ dày, phải điều trị ngay". Sau khi nghe kể thêm triệu chứng, bác sĩ Mai Anh chỉ định tôi phải đi khám phụ khoa, đồng thời kê đơn thuốc Nexium (28 viên) điều trị đau dạ dày. Trước khi tôi ra về, vị bác sĩ không quên dặn: "Uống thuốc trong 1 tháng, nếu không đỡ phải đến đây nội soi dạ dày"... Vậy là, từ một người sức khỏe hoàn toàn bình thường, phóng viên đã bị... hai loại bệnh!
Trao đổi về đơn thuốc trên, một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, thuốc Nexium dùng để điều trị loét dạ dày và trào ngược dạ dày, giảm đau rất tốt. Thế nhưng, để kê được thuốc này phải tiến hành nội soi dạ dày, có bằng chứng cụ thể về cận lâm sàng. Trường hợp bị viêm dạ dày dùng thuốc đơn giản, rẻ tiền hơn; còn loét dạ dày, bác sĩ phải kiểm tra xem có mấy ổ loét, xác định vị trí vết loét và mức độ tổn thương rồi mới kê thuốc. “Ở những PK không đủ điều kiện kiểm tra hết các tổn thương dạ dày, nên họ thường điều trị theo kiểu “nhầm hơn sót” - bác sĩ này cho biết thêm.
Theo phản ánh của không ít bệnh nhân, quy trình điều trị của PK thường không rõ ràng, lừa dối bệnh nhân bằng thủ đoạn hù dọa, “vẽ” thêm bệnh để "moi" tiền. Mới đây, gia đình em Lê Tr. N. (sinh năm 1998, sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng. Theo nội dung trong đơn, ngày 5-11-2016, N. đến PK đa khoa 168 Hà Nội khám bệnh và được một nam bác sĩ người Trung Quốc kết luận bị viêm loét bao quy đầu và chỉ định phẫu thuật.
Ngoài số tiền hơn 1 triệu đồng khám ban đầu, N. còn bị PK “móc túi” 15 triệu đồng cho quá trình phẫu thuật trong khoảng 5 phút. Bác sĩ của PK cũng hẹn N. phải điều trị trong 7 ngày. Ngay ngày hôm sau, N. quay lại thay băng, tiêm thuốc, PK lại đưa hóa đơn yêu cầu thanh toán thêm 8 triệu đồng. Nghi ngờ PK làm việc khuất tất, N. đã đến BV Bạch Mai và được 1 bác sĩ tên Hân khám, kết luận chỉ bị viêm bao quy đầu bình thường. Bác sĩ kê đơn thuốc chưa đến 1 triệu đồng và chỉ sau 3 ngày điều trị, N. đã khỏi bệnh.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã tiếp nhận đơn của chị Đ.T.H. (34 tuổi, ở Lào Cai) khiếu nại về một PK trên phố Thái Hà. Theo đó, vào tháng 12-2016, chị H. đã đến PK này điều trị phụ khoa. Theo chị H., PK đã tiêm thuốc ngủ, làm chị ngủ từ 10h sáng đến 15h chiều, không biết có làm thủ thuật gì hay không, sau đó thu 16 triệu đồng. Nghi ngờ, chị H. đã đến BV Đại học Y Hà Nội khám lại. Kết quả, chị không hề bị viêm nhiễm nặng cần điều trị với giá “cắt cổ” như PK đưa ra.
“Móc túi” người bệnh
Phóng viên Báo Hànộimới được bác sĩ Phòng khám Á Châu khám dạ dày. |
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, qua kiểm tra PK tư nhân thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện các vi phạm thường gặp là quảng cáo quá nội dung hành nghề cho phép, hành nghề quá phạm vi chuyên môn, vi phạm quy chế chuyên môn. Đơn cử như việc sử dụng thuốc ngủ được chỉ định trong một số trường hợp khi cần an thần, chống co giật. Thế nhưng, có PK dùng thuốc ngủ ngay cả trong tình huống thông thường, không có chỉ định.
Thực tế, có những trường hợp chỉ cần sử dụng thuốc và thủ thuật thông thường, nhưng PK lại “vẽ” ra các dịch vụ đắt tiền, hiện đại để thu tiền, thậm chí đưa ra liệu trình điều trị dài ngày, chi phí bất hợp lý, “móc túi” người bệnh. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện các vi phạm tại một số PK có thuốc, vật tư y tế không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng. “Với trường hợp của thai phụ Trần Thị Thu Tr. (29 tuổi ở Quảng Ninh), khi khám và điều trị phụ khoa chỉ cần kê đơn về tự đặt thuốc là khỏi, song để thu tiền của bệnh nhân, PK 168 Hà Nội đã “vẽ” ra dịch vụ khí dung. Rồi, thủ thuật đơn giản là rạch bao quy đầu cũng bị không ít PK “vẽ” ra để thu tiền…” - bà Trần Thị Nhị Hà cho biết.
Hiện Sở Y tế Hà Nội đã bắt đầu đợt tổng kiểm tra các PK, trong đó chú trọng việc tuân thủ các quy định về chuyên môn, phạm vi hành nghề. Tuy nhiên, dù có phát hiện hàng loạt sai phạm, thậm chí sai phạm tái diễn nhiều lần tại một PK, song do vướng quy định, nên cơ quan chức năng khó có thể ra quyết định đóng cửa hoạt động vĩnh viễn. Và vòng luẩn quẩn cứ kiểm tra, cứ sai, cứ phạt và cho tồn tại vẫn tiếp diễn...
Theo báo cáo của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, năm 2016, qua thanh tra 140 cơ sở, đã tiến hành xử lý 96 cơ sở với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng, trong đó đình chỉ hoạt động 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề của 4 bác sĩ. Riêng quý I-2017, trong số 30 cơ sở thanh tra, xử lý vi phạm hành chính 6 cơ sở với số tiền 273 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 3 cơ sở và tước chứng chỉ hành nghề của 1 bác sĩ. |
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.