Bài 1: Trở thành quận, dân phải giàu, kinh tế phải mạnh
Quan trọng là xác định rõ một hướng đi; điều mà lãnh đạo thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Trở thành quận, nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh.
Khi làm việc với các huyện về lộ trình xây dựng thành quận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đặc biệt nhấn mạnh: “Quan trọng là xác định rõ một hướng đi; điều mà lãnh đạo thành phố quan tâm nhất là phải bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Trở thành quận, nhưng dân phải giàu, kinh tế phải mạnh”. Quan điểm chỉ đạo đó đã được Huyện ủy Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì quán triệt tới cán bộ, đảng viên, hệ thống chính trị và nhân dân để cùng thống nhất và hành động.
Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra những định hướng quan trọng để Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô, trái tim của cả nước.
Triển khai thực hiện Nghị quyết đặc biệt quan trọng này, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU (ngày 26-8-2022), đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn). Đặc biệt, thành phố đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 3 đến 5 huyện phát triển thành quận. Thành phố đã phân công nhiệm vụ và tiến độ cụ thể cho các sở, ngành, 5 huyện và các đơn vị có liên quan để chủ động triển khai bảo đảm đúng tiến độ.
Căn cứ lộ trình trên, các cấp ủy cụ thể hóa, ban hành Nghị quyết chuyên đề triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương. Theo đó, UBND các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận; hoàn thành các tiêu chí thành lập quận, phường; rà soát, đánh giá mức độ đạt các tiêu chí này nhằm hoàn thành mục tiêu đặt ra. Đối với các tiêu chí chưa đạt, thành phố cũng yêu cầu các địa phương xây dựng giải pháp, cân đối nguồn lực để thực hiện. Với những khó khăn, vướng mắc, các địa phương cần đề xuất Ban Chỉ đạo tháo gỡ hoặc tham mưu UBND thành phố giải quyết.
Quan điểm chỉ đạo của thành phố đã thể hiện rất rõ, xây dựng huyện thành quận phải bảo đảm “danh” xứng với “thực”. Tại buổi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm (tháng 3-2023), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định rõ, mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo thành phố khi thực hiện chủ trương phát triển huyện thành quận là bảo đảm sinh kế lâu dài cho người dân. Vì vậy, các huyện cần nêu cao tinh thần tự chủ, đổi mới tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm… Cấp ủy phải quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở. Đặc biệt là chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và cần duy trì được sự phát triển bền vững, trở thành quận văn hiến, văn minh, hiện đại.
Sau 1 năm nỗ lực thực hiện, tại kỳ họp thứ mười hai (tháng 7-2023), HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Đông Anh và 24 phường thuộc quận Đông Anh; tại kỳ họp thứ mười ba (tháng 9-2023), HĐND thành phố thông qua Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Gia Lâm và thành lập 16 phường trên cơ sở 22 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm; khẳng định mục tiêu xây dựng quận thành phường đã và đang được thành phố quyết tâm triển khai thực hiện đúng tiến độ.
Đánh giá về việc xây dựng đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận, các xã, thị trấn thành phường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, cấp ủy phải quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, sâu sát cơ sở; chủ động định hướng công việc, giao việc, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ cho đến khi có kết quả, có sản phẩm. Nhờ đó, huyện đã luôn bám sát các tiêu chí, rà soát và tập trung thực hiện, xây dựng các đề án thành phần giúp thực hiện hiệu quả các tiêu chí. Nổi bật, huyện đã ban hành bộ tiêu chí (được hợp nhất từ bộ tiêu chí xây dựng xã thành phường với bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu) để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm có được kết quả cao nhất.
Không chỉ vậy, tiêu chí “5 có, 3 không” (5 “có”: Có quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị theo tỷ lệ 1/500 đối với các xã nằm trong khu vực đã có quy hoạch phân khu đô thị, các xã nằm ngoài khu vực quy hoạch phát triển đô thị thì phải hoàn thành quy hoạch trung tâm xã tỷ lệ 1/500; có nhà văn hóa, có công viên mi ni, các điểm sinh hoạt cộng đồng; có sân bóng đá cho thanh, thiếu niên; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh và 3 “không”: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo) được đưa vào trong Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy Đông Anh và từng bước hiện thực hóa. Cuộc sống thực sự đã “đi vào” nghị quyết. Và con số 99,26% cử tri được lấy ý kiến về Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận, các xã, thị trấn thành phường (tổ chức tháng 6-2023) đã đồng ý, khẳng định sự đồng thuận rất cao của nhân dân Đông Anh với chủ trương này. Bởi rõ ràng, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị, chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây đang tốt lên từng ngày.
Đến nay, đối với tiêu chí thành lập quận, huyện đã đạt 29/31 tiêu chí; tiếp tục hoàn thiện đối với 2 tiêu chí là trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia và tuyến phố văn minh đô thị. Đối với tiêu chí thành lập phường, huyện đã đạt 2/3 tiêu chí; còn 1 tiêu chí cân đối thu chi ngân sách, UBND thành phố đang xin ý kiến các cơ quan trung ương.
Là một trong hai địa phương được thành phố kỳ vọng sẽ cán đích thành công, cùng với Đông Anh, huyện Gia Lâm cũng đã và đang dốc sức hoàn thành các mục tiêu còn lại. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền phấn khởi cho biết, đến nay, huyện đã đạt 4/4 tiêu chuẩn, nhóm tiêu chuẩn và 31/31 tiêu chuẩn của nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội thành lập quận. Huyện cũng đã hoàn thiện, trình thành phố dự thảo Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị và dự thảo Đề án thành lập quận, các phường thuộc quận Gia Lâm.
Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền, những thành tựu trong công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đã và đang trở thành lợi thế để các xã cũng như huyện nhanh chóng hoàn thiện tiêu chí phát triển thành phường, quận. Đến cuối năm 2022, Gia Lâm đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2023, huyện sẽ tiếp tục phấn đấu 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Gia Lâm cũng là địa phương có số xã đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu nhiều nhất thành phố.
Tại Đan Phượng, một trong những địa phương tiêu biểu về xây dựng nông thôn mới và cũng đang trong thời gian hoàn thiện mục tiêu phát triển thành quận, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng đã có những bước đổi thay rõ nét. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, từ năm 2021, huyện đã có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đối với tiêu chí cấp huyện, hiện chỉ còn 1 tiêu chí chưa đạt là y tế - văn hóa - giáo dục, do chưa đáp ứng đủ yêu cầu về tỷ lệ trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được là những cơ sở quan trọng để huyện phát triển thành quận theo đúng kế hoạch.
Trong khi đó, tại huyện Thanh Trì, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường cũng thông tin, hiện Thanh Trì chỉ còn 4 tiêu chí theo tiêu chuẩn thành lập quận chưa đạt, gồm: Cân đối thu chi ngân sách; Đất xây dựng các công trình dịch vụ - công cộng đô thị bình quân đầu người; Trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; Tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị…
Huyện Hoài Đức cũng đã đạt 26/31 tiêu chí thành lập quận (tăng 6 tiêu chí so với khi ban hành đề án). Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường, huyện còn 1 tiêu chí cơ bản đạt (xử lý nước thải đô thị đạt 19,03%, yêu cầu là 20%); 5 tiêu chí chưa đạt, gồm: Cân đối thu chi ngân sách, trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; công trình thương mại, dịch vụ cấp đô thị; công trình xanh. Đối chiếu với mức tối thiểu về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn, đến nay, 20/20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã đạt mức tối thiểu (10/13 tiêu chí)…
Từ những chủ trương lớn của thành phố, các huyện được lựa chọn phát triển thành quận đã và đang triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để nỗ lực cán đích hoàn thành nhiệm vụ phát triển thành quận của Thủ đô.