Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Tham vọng định hình trật tự thế giới mới

Quỳnh Chi| 03/04/2011 06:51

LTS: Ngày 17-3-2011, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) đã thông qua nghị quyết cho phép thành lập vùng cấm bay tại Libya làm

Như vậy, sau Iraq, Serbia, lại một quốc gia có chủ quyền bị áp đặt vùng cấm bay bởi những thế lực bên ngoài. Cũng như hai lần trước, lần này, người dân tại các nước NATO lại xuống đường biểu tình phản đối cuộc chiến phi nghĩa. Câu hỏi đặt ra là tại sao các nước này cố tìm mọi cách để thiết lập vùng cấm bay?


Đầu những năm 1990, sau khi Liên bang Xô viết tan rã, sự đối đầu ý thức hệ giữa hai hệ thống chính trị thế giới phải nhường chỗ cho sự cạnh tranh địa - chính trị và kinh tế không kém phần khốc liệt. Đồng thời, sự gia tăng các xu hướng ly tâm trong các nước thuộc liên minh chống lại hòa bình và tiến bộ do Mỹ cầm đầu không thể không làm cho Nhà Trắng lo ngại. Các nhà hoạch định chiến lược ở Washington bắt đầu vạch ra chiến lược mới, mưu toan thâu tóm toàn bộ thế giới vào "kỷ nguyên hòa bình Mỹ", biến thế kỷ XXI là "Thế kỷ Mỹ".

Từ chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ I
Không phải ngẫu nhiên mà Iraq rơi vào tầm ngắm của Mỹ trong tham vọng áp đặt một "trật tự thế giới mới" đơn cực do Mỹ lãnh đạo. Washington đã nhận thức khá rõ về sức mạnh của dầu mỏ trong cuộc cạnh tranh ngôi vị bá chủ toàn cầu. Trong khi đó, các quốc gia Trung Đông lại tập trung tới 66% nguồn dầu mỏ đã được thăm dò phát hiện, có thể đáp ứng tới 1/4 tổng nhu cầu dầu mỏ của thế giới. Nếu thâu tóm được nguồn "vàng đen" khổng lồ này, Mỹ sẽ nắm được thế thượng phong trên bàn cờ giữa các nước lớn. Việc Baghdad tấn công Kuwait đã tạo cớ cho Washington "đặt chân" vào khu vực có vị trí địa - chính trị cực kỳ quan trọng đối với chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Cáo buộc "Iraq xâm lược Kuwait", Mỹ đã thành công trong việc đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua nghị quyết trừng phạt xứ sở Nghìn lẻ một đêm. Và sáng sớm ngày 17-1-1991, lực lượng liên quân đa quốc gia do Mỹ cầm đầu đã mở đầu chiến dịch "Bão táp sa mạc" bằng một cuộc không kích ồ ạt với hơn 1.000 lần xuất kích một ngày. Đa số các phi vụ tấn công xuất phát từ Saudi Arabia và sáu nhóm tàu sân bay của liên minh ở Vịnh Persic. Năm tiếng đồng hồ sau những cuộc tấn công đầu tiên, đài phát thanh quốc gia  Baghdad  phát đi một giọng nói, được xác định là của Saddam Hussein, tuyên bố rằng "Cuộc chiến vĩ đại, cuộc chiến của mọi cuộc chiến đã bắt đầu. Bình minh thắng lợi đã rất gần khi cuộc thử thách cuối cùng đã đến". Tuy nhiên, bằng những vũ khí hiện đại nhất tích lũy được trong thời kỳ Chiến tranh lạnh chưa được đem ra thi thố như tên lửa hành trình, máy bay tàng hình, bom thông minh được điều khiển bằng vệ tinh, Mỹ đã nhanh chóng tàn phá hạ tầng cơ sở quân sự. Dù khả năng phòng không của Iraq tốt hơn so với dự đoán, liên minh chỉ thiệt hại một máy bay trong ngày mở màn chiến tranh. Mục tiêu tiếp theo trong giai đoạn hai của chiến dịch không kích tập trung vào các sở chỉ huy chiến lược, các trung tâm truyền hình và phát thanh nhằm nhanh chóng vô hiệu hóa sức kháng cự của Iraq.

Giai đoạn thứ ba và là lớn nhất của chiến dịch không quân nhắm tới các mục tiêu quân sự trên khắp Iraq và Kuwait, bao gồm những cơ sở nghiên cứu vũ khí và lực lượng hải quân. Khoảng một phần ba không lực liên quân được dành riêng để tấn công các bệ phóng tên lửa Scud, nằm trên các xe tải rất khó tìm kiếm để tiêu diệt. Ngoài ra, họ cũng nhắm vào các mục tiêu có thể sử dụng được cho cả mục đích dân sự và quân sự như nhà máy điện, lò phản ứng hạt nhân, thiết bị thông tin liên lạc, nhà máy lọc và phân phối xăng dầu...  Hậu quả là tới cuối cuộc chiến, việc sản xuất điện ở Iraq chỉ còn đạt mức 4% so với trước chiến tranh.

Trước sức tấn công dồn dập, Iraq chỉ có thể kháng cự một cách yếu ớt. Trong một động thái nhằm làm thay đổi cục diện cuộc chiến, Baghdad đã bắn tên lửa vào các căn cứ quân sự của liên quân tại Saudi Arabia và Israel. Tuy nhiên, các tên lửa Scud gây ra rất ít thiệt hại, dù nó đã một lần bắn trúng doanh trại của Mỹ tại Dhahran (Saudi Arabia) làm 28 binh sĩ thiệt mạng. Những tên lửa Scud nhắm vào Israel không có hiệu quả bởi khi tăng tầm bắn, tên lửa Scud bị giảm rất nhiều về độ chính xác và khả năng sát thương.

Ngày 23-2-1991, Mỹ và liên quân mở chiến dịch trên bộ và chỉ trong 4 ngày đã cơ bản đập tan sự kháng cự của quân đội Iraq. Ngày 27-2-1991, Tổng thống Mỹ George H.W.Bush (Bush cha) tuyên bố chấm dứt chiến sự, còn Iraq chấp nhận nghị quyết của HĐBA LHQ. Mỹ chỉ dừng lại ở đó mà không tiếp tục tấn công tiêu diệt Tổng thống Saddam Hussein.

Trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, các hoạt động chiến sự được truyền hình trực tiếp để thế giới biết được thế nào là sức mạnh vượt trội của Mỹ. Các tướng, tá Mỹ tuyên bố, chiến tranh Vùng Vịnh mở đầu kỷ nguyên chiến tranh công nghệ cao, hoặc "chiến tranh không tiếp xúc", trong đó Mỹ có thể tiến công bất cứ đối thủ nào, ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào mà không bị đánh trả. Trong cuộc chiến được xem là dấu mốc mở đầu kỷ nguyên "trật tự thế giới mới", trong đó tập trung vào sức mạnh quân sự vượt trội, Mỹ đã tiêu tốn hết 61,1 tỷ USD.

Đến chiến tranh Vùng Vịnh lần II
Nếu cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 chỉ nhằm "diễu võ dương oai" và thể hiện sức mạnh quân sự không ai có thể cạnh tranh được thì cuộc chiến tranh Iraq năm 2003, hay là cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ II, là nhằm tiêu diệt hoàn toàn nhà nước và chế độ chính trị ở quốc gia này, mở đầu quá trình "dân chủ hóa" hay "Mỹ hóa" toàn bộ khu vực Trung Đông Lớn, biến khu vực này trở thành "sân nhà" của Mỹ.

Một cái cớ khác đã được Washington đưa ra để hợp lý hóa cuộc chiến, đó là cáo buộc phía Iraq theo đuổi các chương trình vũ khí hủy diệt, vũ khí sinh - hóa học. Tuy nhiên, khác với chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, lần này Mỹ đã gạt bỏ
vai trò của HĐBA LHQ, đơn phương tấn công Iraq từ ngày 20-3-2003.

Về thế, Iraq hầu như bị cô lập. Đó là một thực tế không thể chối cãi khi hai quốc gia sát sườn Saudi Arabia, Israel... là đồng minh của Mỹ cùng với trên 40 nước khác công khai hoặc "bán công khai" ủng hộ Washington... Tiếng nói của LHQ hay Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc... đều không có trọng lượng với Washington. Các cuộc biểu tình khắp nơi trên thế giới cũng không mang lại cho Iraq một lối thoát. Trong bối cảnh sức mạnh quân đội và kinh tế bị hủy hoại nghiêm trọng từ cuộc chiến Vùng Vịnh lần I, trong cuộc chiến lần này, quân đội Iraq nhanh chóng bại trận. Thành phố Baghdad bị chiếm đóng vào ngày 9-4-2003. Ngày 1-5-2003, Tổng thống Hoa Kỳ George W.Bush (Bush con) tuyên bố là các chiến dịch quan trọng đã kết thúc, chấm dứt giai đoạn cầm quyền của đảng Ba'ath tại Iraq. Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị bắt giữ ngày 13-12-2003 và bị hành quyết ngày 30-12-2006.

Tuy nhiên, "cuộc chiến" của nước Mỹ tại Iraq đã không kết thúc một cách dễ dàng. Đội quân mạnh nhất và được trang bị hiện đại nhất thế giới đã hoàn toàn bất lực và sa lầy trước tình trạng bạo loạn ở quốc gia mà họ từng triển khai chiến dịch xâm lược với cái tên rất mỹ miều "Chiến dịch đất nước Iraq tự do". Cuối cùng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải ra quyết định rút quân lần đầu tiên vào cuối năm 2010 và sẽ rút hết toàn bộ lực lượng quân sự vào cuối năm 2011. Theo các nhà phân tích Mỹ, cái giá mà Mỹ phải trả cho cuộc chiến tranh và sự chiếm đóng Iraq hiện nay lớn gần gấp đôi so với cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, chưa kể đến những hậu quả kinh tế phức tạp.

Hậu quả của hai cuộc chiến
Sau khi chiến tranh Vùng Vịnh lần I kết thúc, các cuộc xung đột sắc tộc tại Iraq tiếp tục leo thang, một vùng cấm bay bắt đầu từ vĩ tuyến 36 Bắc và vĩ tuyến 32 Nam chủ yếu do Mỹ và Anh kiểm soát. Một lượng bom lớn đã được sử dụng trong hai chiến dịch kéo dài để duy trì vùng cấm bay gồm chiến dịch "Tấn công sa mạc" năm 1996 và chiến dịch "Con cáo sa mạc" năm 1998. Ban đầu, vùng cấm bay được thiết lập với mục đích bảo vệ người Shi'ite ở miền Nam và người Kurd ở miền Bắc. Tuy nhiên, đến đầu năm 2003, để chuẩn bị cho cuộc tấn công của Mỹ, vùng cấm bay đã được mở rộng trên khắp lãnh thổ Iraq.

Hai thập kỷ, hai cuộc chiến đã biến Iraq thành mảnh đất của máu và nước mắt. Đau thương không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai khi có tới hơn 1 triệu người chết và bị thương. Tám năm sau khi kết thúc cuộc chiến, hòa bình vẫn là giấc mơ quá xa vời ở một quốc gia từng một thời hùng mạnh với nguồn "vàng đen" dồi dào. Không có sự ổn định chính trị để phát triển kinh tế, để nâng cao đời sống tinh thần, mà ngược lại phải đối mặt với chết chóc, bệnh tật, đói nghèo, ly hương, không nhà cửa, chia rẽ sắc tộc, tôn giáo… và  hận thù đã thành một hố  sâu thăm thẳm, người dân Iraq không biết đến bao giờ mới có được một ngày bình yên.

Trong khi đó, tổn thất của Mỹ và các nước đồng minh cũng không nhỏ. Theo thống kê chính thức của Bộ Quốc phòng Mỹ, qua hai cuộc chiến, khoảng 5 nghìn binh sĩ nước này đã thiệt mạng cùng hàng ngàn binh sĩ bị thương. Nhiều người dân Mỹ bất bình khi người thân của họ phải đổ máu ở một đất nước xa xôi và phía sau cuộc chiến là nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần với "Hội chứng Vùng Vịnh" đeo đẳng cuộc đời của những cựu binh Mỹ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Tham vọng định hình trật tự thế giới mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.