Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: “Thảm đỏ” chưa đủ sức hấp dẫn

Phong Thu| 16/12/2013 06:05

LTS: Nguyên nhân vì sao các thủ khoa chưa mặn mà với chính sách trọng dụng nhân tài của thành phố Hà Nội?

LTS: Mười năm qua, dù đã trải "thảm đỏ" "chiêu hiền đãi sĩ", TP Hà Nội chỉ thu hút được 103 thủ khoa xuất sắc về làm việc tại các cơ quan, đơn vị của thành phố (chiếm gần 10% trong tổng số 1.203 em được tuyên dương). Nguyên nhân vì sao các thủ khoa chưa mặn mà với chính sách trọng dụng nhân tài của thành phố Hà Nội? Và cần có sự đổi mới như thế nào để "thảm đỏ" có sức hấp dẫn, thu hút nhân tài cống hiến xây dựng, phát triển Thủ đô?

Bài 1: “Thảm đỏ” chưa đủ sức hấp dẫn

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tích cực xây dựng, thực hiện nhiều chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài. Nguồn nhân lực thu hút được từ các chính sách này đã một phần được phát huy và có những đóng góp hiệu quả trong công việc. Tuy nhiên, còn không ít vướng mắc về cơ chế, chính sách nên "thảm đỏ" đã trải mà nhiều nhân tài vẫn hờ hững.

Hằng năm, Hà Nội tổ chức trọng thể lễ tuyên dương các thủ khoa. Ảnh: Nhật Nam


Được tạo điều kiện…

Thông tin từ Sở Nội vụ cho biết, giai đoạn 2003-2012, Hà Nội đã tuyển dụng, tiếp nhận được 213 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có 100 thủ khoa xuất sắc, 27 người có trình độ tiến sỹ và thạc sỹ… Những người này đã được thành phố Hà Nội tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển. Trong tổng số 213 người được tuyển dụng đặc cách đó đã có 31 công chức, viên chức được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài đã được phê duyệt, thành phố cử cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong quy hoạch, có thành tích đi công tác, đào tạo sau đại học trong nước được hỗ trợ kinh phí trong thời gian đào tạo (gồm học phí, tiền hỗ trợ hằng tháng đi học bằng 1,5 mức lương tối thiểu, hỗ trợ bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sỹ bằng 30 lần mức lương tối thiểu và luận án tốt nghiệp tiến sỹ bằng 80 lần mức lương tối thiểu). Nhìn chung, qua đánh giá của các cơ quan, đơn vị, CBCCVC được thu hút, tiếp nhận đặc cách không qua thi, được thành phố cử đi đào tạo sau đại học, sau khi hoàn thành khóa học đều có trình độ chuyên môn vững vàng, phát huy được vai trò tham mưu, đề xuất đối với ngành, lĩnh vực được phân công.

Ông Vũ Tuấn Anh, Phó phòng Quản lý quy hoạch chung và quy hoạch (Sở Quy hoạch và Kiến trúc) cho biết: "Tôi học tiến sĩ ở Nga rồi về làm việc tại Sở năm 2010. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, tôi đã được xem xét để được ký tiếp rồi được vào biên chế năm 2011, được bổ nhiệm làm phó phòng. Với tôi, đây là môi trường làm việc phù hợp với nguyện vọng, cá nhân tôi luôn được cơ quan tạo điều kiện để mình phát huy năng lực chuyên môn".

Nhưng chưa đủ sức hút

Tuy nhiên, không phải nhân tài nào cũng gặp thuận lợi, hài lòng với môi trường làm việc của mình tại các cơ quan hành chính nhà nước. Thực tế đã có nhiều trường hợp vào cơ quan nhà nước làm việc một thời gian rồi lại xin chuyển công tác. Để thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin (CNTT) của thành phố, quận Long Biên rất cần những cán bộ, chuyên gia giỏi về lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không mặn mà cho dù thành phố đã có chế độ hỗ trợ đặc thù cho người làm chuyên môn về CNTT. Theo Quyết định số 111/2009/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định chế độ phụ cấp đặc thù áp dụng đối với CBCCVC làm công tác chuyên môn về CNTT, viễn thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố, người có trình độ ĐH hoặc trên ĐH được hưởng mức phụ cấp tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa ra Quyết định số 47/2013/QĐ-UBND hỗ trợ người có trình độ đại học hoặc trên đại học về CNTT, viễn thông là 2 triệu đồng/người/tháng; người có trình độ CĐ hoặc trung cấp là 1,5 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, ngay cả khi đã được hưởng chế độ phụ cấp thì tổng thu nhập của người làm CNTT khoảng 4-5 triệu đồng/ tháng, trong khi đó nếu làm nghề tự do hoặc làm tại các doanh nghiệp, thu nhập 8-10 triệu đồng. Ở các vị trí khác không có phụ cấp chuyên môn thì thu nhập còn thấp hơn. Đặc biệt, sau mức lương khởi điểm (2,34), nhân tài cũng phải tuần tự ba năm tăng một bậc lương như những CBCCVC khác.

Hơn nữa, điều nhân tài cần không chỉ là thu nhập ổn định còn là môi trường làm việc phù hợp để họ phát huy được năng lực chuyên môn. Trong khi đó, ở các cơ quan hành chính nhà nước còn phổ biến tâm lý, người mới là "lính mới", cần phải phấn đấu nhiều, chưa thể ngay lập tức đảm trách các khâu quan trọng, vị trí chức vụ… Đó cũng là nguyên nhân khiến các cơ quan hành chính nhà nước không hấp dẫn tài năng trẻ.

Rõ ràng, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi đối với nhân tài, song chưa tận dụng trí tuệ, nhiệt huyết của người tài cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Đáng chú ý, số người trình độ cao về làm việc tại các cơ quan của thành phố hầu hết mới tập trung ở khối văn hóa, thể thao, còn các lĩnh vực CNTT, khoa học - công nghệ, quy hoạch - kiến trúc, giao thông đô thị... hầu như không thu hút được nhân tài (từ năm 2007 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông mới thu hút được 3 nhân tài về công tác tại phòng chuyên môn; Sở Quy hoạch và Kiến trúc mới nhận được 1 người).

Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: Phát triển Thủ đô là trọng điểm trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; yêu cầu xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho Thủ đô; giao Thủ đô thực hiện một số chức năng, quyền hạn riêng về thu hút, sử dụng các nguồn lực nói chung, trong đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Vì vậy, hơn bất cứ lúc nào, cần thiết phải rà soát việc thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thời gian qua, tận dụng những lợi thế đặc thù của Thủ đô để có những quyết sách phù hợp hơn trong giai đoạn tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: “Thảm đỏ” chưa đủ sức hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.