Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nước mắt nhà nông

Nhóm PV Phóng sự - Điều tra| 14/07/2014 05:29

LTS: Thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhiều thương lái Trung Quốc vào Việt Nam thu mua những mặt hàng nông sản, từ ốc bươu vàng, gỗ sưa, dứa, dừa non đến đuôi trâu, đỉa, rễ sim, kể cả gốc hoa ngâu, lá cây phong ba, rễ chè, ngọn dừa, rễ hồ tiêu, râu ngô non…

LTS: Thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhiều thương lái Trung Quốc vào Việt Nam thu mua những mặt hàng nông sản, từ ốc bươu vàng, gỗ sưa, dứa, dừa non đến đuôi trâu, đỉa, rễ sim, kể cả gốc hoa ngâu, lá cây phong ba, rễ chè, ngọn dừa, rễ hồ tiêu, râu ngô non… và các loại thảo dược quý hiếm; đồng thời tuồn nông sản kém chất lượng vào nhằm phá giá, thao túng, lũng đoạn thị trường... Người nông dân thấy có lợi thế là phá bỏ cây truyền thống, lao vào trồng cây, nuôi con giống lạ, trong khi đó cơ quan có trách nhiệm thờ ơ, bị động để mặc người dân hứng chịu hậu quả. Nhóm phóng viên Báo Hànộimới đã có mặt "từ Bắc chí Nam" ghi nhận những mối nguy hại, tác động xấu đến nông dân, nông nghiệp Việt Nam và bằng góc nhìn của mình đề xuất những giải pháp giúp người nông dân và các nhà quản lý xây dựng một nền nông nghiệp tự chủ, bền vững.

Bài 1: Nước mắt nhà nông

Từ vựa vải Lục Ngạn sang vùng gà Yên Thế, vào đến Đà Lạt nơi được coi là trung tâm rau quả sạch ở phía Nam và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, chúng tôi đã chứng kiến không ít nghịch cảnh như "được mùa mất giá", "hàng thật thua hàng giả" hay "hàng Việt thua trên sân nhà"...

Vải Lục Ngạn vào mùa chín rộ nhưng nông dân vẫn phải “ngậm đắng nuốt cay”. Ảnh: Vũ Minh Quân


Vải chín đỏ, mặt người trồng tái xanh

Cuối tháng 6, vải Lục Ngạn vào mùa chín rộ. Phố Kim, một điểm thu mua vải ở Lục Ngạn, Bắc Giang liên tục tắc đường bởi xe máy chở vải từ các vùng xung quanh về đổ hàng và xe ô tô các loại đến gom hàng chuyển đi. Đi bộ vượt qua đoạn đường tắc này, chúng tôi ghi nhận được nhiều câu chuyện dở khóc dở cười ở vựa vải lớn nhất miền Bắc này.

Anh Huy nhà ngay đầu phố Kim phàn nàn mấy bữa nay đưa vải về Hà Nội bán bị lỗ ít nhất một triệu đồng một xe dù nhà có xe tải nhỏ, đã là một lợi thế. Giá vải anh mua vào khoảng 8.000 đồng/kg đã là thấp so với nhiều người gom hàng khác vì anh là dân gốc ở đây. Khi chở xuống Hà Nội dù chỉ bán được 8.500 đồng/kg nhưng vẫn buộc phải bán vì vải không thể chở về được. "Chả nhẽ lại đổ xuống sông", anh Huy càu nhàu. Nản quá anh không tự đi đổ hàng nữa mà quay sang cho thuê ô tô. Anh tính nhẩm cứ cho thuê ô tô để có tiền thu về bù lỗ mấy ngày trước, còn lỗ lãi từng chuyến hàng sẽ do người thuê chịu.

Trọn buổi trưa phơi nắng cùng bà con nông dân trên quãng đường tập kết vải, chúng tôi phát hiện một mánh khóe của thương lái - đó là lợi dụng chuyện ùn tắc giao thông để hạ giá thu mua vải thiều. Nhiều nông dân kể với chúng tôi: Lúc sáng sớm các điểm cân trả 14.000 đồng/kg, nhưng chỉ là nói chơi chứ chưa chỗ nào chịu mua, tất thảy đều viện cớ là đợi có nhiều, cân một thể. Càng đứng đợi, đường càng tắc, người nọ cáu gắt với người kia: Sao đứng lâu thế! Khi đó giá vải cứ âm thầm… tụt dần, xuống còn 10.000 đồng/kg. Sợ phải chở về, nhiều người ngậm đắng nuốt cay bán cho xong. Như vậy mỗi tạ quả, túi thương lái có thêm 400.000 đồng. Lãnh đạo huyện có biết chuyện này không? Tất nhiên là biết, bởi khi trả lời báo chí, ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn đã nói: Việc lợi dụng giao thông ách tắc để ép giá, cân điêu, trừ lùi cân là gian lận thương mại, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm. Xảy ra tình trạng trên một phần do nhiều người dân dễ dàng thỏa hiệp, đồng ý để thương lái trừ cân, giảm giá mua...

Tôi đem "cái lý" của huyện hỏi mấy nông dân thôn Bãi Chè, xã Quý Sơn, lưng đẫm mồ hôi đang gò lưng đẩy xe vải nép vào mép đường chờ đến lượt cân vải, thì được trả lời như sau: Nói thì dễ, các bác huyện cứ thử giữ cái xe mấy tạ quả, đứng cho vững hàng giờ dưới trời nóng 40 độ C xem có được không, chưa kể phải chen nhau mà đứng, mà được mua… lấy đâu sức mà đẩy xe vải đến huyện đường tố cáo thương lái chèn ép, cân điêu?

Gà đồi Yên Thế "chết" vì gà thải loại

Từ Chũ, chúng tôi theo quốc lộ 31 đến thị trấn Đồi Ngô rẽ phải vào quốc lộ 37 để đi Yên Thế. Mới Tết Nguyên đán trước, thương hiệu gà đồi Yên Thế dội xuống cả Hà Nội. Có hẳn một buổi ký kết giữa Bắc Giang với Hà Nội để cung cấp gà đồi Yên Thế về các siêu thị ở Thủ đô. Nhưng thực tế có vẻ như mọi chuyện không được "xuôi chèo".

Trời nắng gắt. Đường vào thôn Cổng Châu, xã Đồng Hưu vắng vẻ, quanh co sau những triền đồi thấp được phủ xanh bởi những vải, những mít, những chè… Tới nhà ông Trần Văn Minh, một cựu chiến binh và cũng là một người có tiếng chăn nuôi gà ở vùng này đúng lúc cả nhà ông đang thu hoạch vải. Khác với bên Lục Ngạn, vải bên Yên Thế chưa bao giờ được giá. Ông Minh cũng như những người dân Yên Thế thường nuôi gà ở dưới vườn vải. Phân gà dùng để bón vải luôn. Chi phí chính là tiền phun thuốc trừ sâu có một lần mỗi năm và thuê người hái vải khi vải chín. Vậy nên, tiền vải thu về được bao nhiêu cũng là có lãi. Năm nay bán vải tại vườn chỉ được 5.000 đồng/kg, ông Minh vẫn vui.

Năm ngoái, riêng nhà ông Minh lỗ tới 240 triệu đồng. "Chết mà có kêu được với ai đâu anh", vợ ông Minh phàn nàn. Giá đầu vào từ gà giống, cám, ngô đến thuốc tiêm phòng cái gì cũng cao. Trong khi đó, giá gà bán ra thị trường lại quá thấp. Ông Minh cho biết thêm: Đầu tư mọi thứ để có được con gà 2kg là gần 100.000 đồng, nghĩa là giá thành cỡ gần 50.000 đồng/kg gà, trong khi giá bán ra thị trường có lúc chỉ được 32.000 đồng/kg. Những lúc như thế người nuôi gà chỉ muốn "Đi ra cây số 4". Hỏi ra mới biết cây số 4 ở thành phố Bắc Giang là địa chỉ của Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.

Vợ ông Minh kể: "Những lúc ế, gà không bán được, gọi điện cho đám "mặt đất", chúng cũng không thèm bắt máy". Người Đồng Hưu gọi người làm "cò mồi" là "mặt đất". "Xót ruột lắm", ông Minh than vãn, "nhưng đến kỳ xuất chuồng thì phải bán, không bán càng chết nặng". Ấy là chưa kể đến những đợt dịch cúm gia cầm, người tiêu dùng không dám ăn gà khiến giá rớt thảm hại. Người nuôi gà ở đây chỉ mong giá gà đồi Yên Thế bán ra được từ 60.000 đồng trở lên.

Ông Trần Văn Minh nói, muốn để gà đồi Yên Thế sống thì phải thắt chặt việc nhập gà thải từ Trung Quốc về Việt Nam: "Gà thải loại bên đó, người ta phải tốn tiền để tiêu hủy nay Việt Nam mình cho nhập vào thì tội gì họ không bán?". Những người nuôi gà chuyên nghiệp chỉ cần nhìn gà là biết đâu là gà thải loại, đâu là gà nuôi. Vì thế, nhiều người bán gà thải loại đã thịt gà rồi bán theo suất về các chợ nhỏ lẻ. Nhiều người tiêu dùng thấy giá rẻ nên mua về, vô tình mang bệnh tật vào người mà không biết. Ông Minh cho biết thêm: "Người ăn chỉ cần cắn vào xương là biết liền, nếu xương mủn ra thì đó là gà thải loại vì loại gà này bị đánh thuốc nhiều".

Thời gian gần đây, cứ mỗi độ Tết về, Hà Nội và Bắc Giang đều có ký kết văn bản tiêu thụ gà đồi Yên Thế và Hà Nội là thị trường tiêu thụ gà Yên Thế nhiều nhất (từ 50% đến 70% tổng lượng gà). Thế nhưng dịp Tết, chỉ một lượng nhỏ gà Yên Thế chen chân vào các siêu thị của Hà Nội, còn lại phải dạt đi các tỉnh. Quá sốt ruột vì gà "leo đồi" xịn mà không "chọi" được với gà thải loại của Trung Quốc, có lần lãnh đạo huyện Yên Thế xin được cùng đi kiểm tra các chợ đầu mối của Hà Nội. Tại một chợ, ở khu vực bán gà, cán bộ huyện nom thấy ngay mấy lồng gà thải loại nằm chềnh ềnh sau lưng đoàn kiểm tra, định "tố giác", nhưng nghe cán bộ của Hà Nội nhất quyết là nhờ kiểm tra đầu vào tốt, chợ này không có gà thải loại, đành "ngậm bồ hòn…" để nuôi mối quan hệ.

Không chỉ "chết" vì gà thải loại nhập lậu, đàn gà Yên Thế ngày một tong teo bởi các cơ chế chính sách còn nhiều bất cập. Cứ tình trạng này kéo dài, gà Yên Thế không "chết"… thẳng cẳng mới lạ - một vị lãnh đạo huyện Yên Thế buồn rầu chia sẻ với chúng tôi.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nước mắt nhà nông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.