(HNM) - Nhiều người dân đã thông tin đến báo phản ánh những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác quản lý vỉa hè...
LTS: Sau khi Báo Hànộimới thông tin về việc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội báo cáo thành phố đề án "Cải tạo, chỉnh trang hè phố đến năm 2020" vào ngày 29-8 vừa qua, nhiều người dân đã thông tin đến báo phản ánh những bất cập, tồn tại liên quan đến công tác quản lý vỉa hè, trong đó có việc cấp phép đào hè, đường tràn lan nhưng thiếu giám sát chặt chẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân... Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng này và giải pháp khắc phục là gì? Báo Hànộimới đi tìm câu trả lời với loạt bài: Tìm lời giải cho bài toán quản lý vỉa hè Hà Nội.
Bài 1: Nóng chuyện đào xới vỉa hè
"Bài ca" muôn thuở
Theo phản ánh của một số người dân trên tuyến phố Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã hai tháng nay, mọi sinh hoạt và kinh doanh của người dân trên tuyến phố này bị đảo lộn bởi tình trạng bụi bay mù mịt. Chuyện là, khoảng hai tháng trước, đoạn đường từ ngã ba Lò Đúc - Yéc xanh, kéo dài đến ngã ba Lò Đúc - Trần Khát Chân và đoạn Trần Khát Chân - Kim Ngưu bỗng dưng "được" các đơn vị thi công đào bới, cắt xén ngang dọc để lắp đặt hệ thống cống thoát nước. Tuyến đường Lò Đúc vốn luôn trong tình trạng đông đúc như tên gọi của nó, nay bị biến thành "đại công trường" khiến cảnh tắc nghẽn giao thông diễn ra liên tục ngay cả trong giờ thấp điểm. Những tưởng sau khi công trình ngầm hoàn thiện, mặt đường được hoàn trả, cảnh khổ của người dân sinh sống và qua lại tuyến đường này sẽ kết thúc. Nhưng trái lại, nỗi khổ ấy vẫn kéo dài và có xu hướng ngày càng tăng lên. Nguyên nhân là khi hoàn công, không hiểu do vô tình hay cố ý, các đơn vị thi công chỉ san lấp sơ sài khiến mặt đường của cả tuyến phố Lò Đúc trở nên gồ ghề, chi chít ổ gà, sống trâu, chẳng khác đường làng là mấy. Tệ hại hơn, có nhiều đoạn như đoạn trước số nhà 240 Lò Đúc, đơn vị thi công chỉ dùng tấm sắt lớn lót dưới lòng đường để che đậy hạng mục thi công bên dưới, sau đó phủ một lớp đá răm lên trên, hệt như một cái "bẫy" đối với người tham gia giao thông.
Dân khổ vì vỉa hè phố Nguyễn Biểu bị đào xới. |
Chị Nguyễn Thanh Thúy - chủ một hàng ăn kinh doanh lâu năm trên phố Lò Đúc than thở: "Chưa bao giờ việc buôn bán của chúng tôi ế ẩm như hiện nay. Chỉ cần một trận mưa nhỏ, cả tuyến phố ngập trong bùn, đất, nước đọng thành vũng ngay dưới lòng đường. Khi nắng lên thì cát, bụi bay mù mịt. Cứ vài tiếng một lần, tôi phải cho nhân viên mang nước té xuống lòng đường để hạn chế bụi, nhưng chẳng ăn thua. Gần đây, đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra chỉ vì mặt đường quá gồ ghề, lồi lõm, bụi bay mù mịt hạn chế tầm nhìn của lái xe. Chẳng biết vì sao đơn vị thi công có thể làm ăn tắc trách, cẩu thả đến vậy mà không bị cơ quan nào xử lý hay bắt họ khắc phục hậu quả do họ gây ra?...".
Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ngay trên phố Châu Long (quận Ba Đình). Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian vừa qua, lòng đường phố Châu Long được đào xới trên diện tích khá rộng để thi công một số hạng mục công trình ngầm. Sau khi thi công, phần đường bị đào không được trả lại nguyên trạng mà chỉ được san lấp qua loa, chỗ dày, chỗ mỏng, loang lổ như tấm áo vá. Đoạn kém chất lượng nhất phải kể đến vị trí trước cửa nhà số 6 phố Châu Long. Do thi công ẩu nên sau khi trải thảm, phần đường này đã bị lún sâu, thấp hơn cốt đường cũ rất rõ. Nền đường lún xuống trong khi cách đó không xa, một nắp đậy hố ga lại nhô lên, cao hơn cốt nền 5-10cm khiến người điều khiển phương tiện trở tay không kịp trước cảnh "nhô lên ngụp xuống".
Lòng đường đã vậy, số phận nhiều tuyến vỉa hè khu vực nội thành Hà Nội cũng không sáng sủa hơn. Dạo một vòng qua khắp các phố phường Thủ đô mới thấy, có một thực tế đáng buồn là rất khó để tìm ra một tuyến phố có vỉa hè cùng chung... màu gạch lát. Tại hầu hết các phố, mỗi đoạn hè có một màu gạch khác nhau. Phần vì do nhiều tuyến phố, dự án lát vỉa hè được chia thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn đơn vị thi công lại sử dụng một loại gạch. Phần vì do nhiều cơ quan, nhà hàng... tự ý cậy phần gạch lát hè lên để thay thế bằng loại gạch khác theo ý muốn. Và không ít trường hợp vì lý do đơn vị thi công quá cẩu thả khiến hè vừa lát xong đã bị kênh, vỡ... khiến người dân phải tự bỏ tiền ra lát lại.
Vỉa hè dọc phố Nguyễn Biểu là một ví dụ điển hình cho tình trạng trên. Trong khi phía vỉa hè bên dãy số chẵn đang ngổn ngang vật liệu chờ đơn vị thi công làm nốt những công đoạn cuối cùng trước khi ốp lát, thì vỉa hè bên dãy số chẵn lại như một bức tranh với đủ gam màu tối - sáng lẫn lộn. Ngay trước cửa Chi nhánh Ngân hàng VietinBank tại số 5 - phố Nguyễn Biểu, một mảng vỉa hè bị cậy toàn bộ, bên cạnh đó là một đường ống dùng hạ ngầm đường dây điện án ngữ ngay lối ra vào. Theo lời một nhân viên bảo vệ, đoạn vỉa hè trên được đơn vị thi công cậy lên cả chục ngày nay nhưng việc thi công và hoàn trả vỉa hè bị đình trệ do trời liên tục mưa. Vỉa hè bị cày xới khiến nhân viên bảo vệ khổ sở vì lo chỗ để xe cho cả khách và nhân viên, việc giao dịch của ngân hàng vì thế cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Cách đó không xa, đoạn vỉa hè trước cửa khách sạn Royal Gate tại 11 phố Nguyễn Biểu được lát bằng loại đá xanh chống trơn khá đẹp, trong khi ngay bên cạnh, vỉa hè trước cửa Ngân hàng Quân đội lại có màu đỏ pha xanh. Anh Nguyễn Huy Nhân - một người dân sống tại đây cho biết, vỉa hè phố Nguyễn Biểu được lát từ nhiều năm trước, nay đã trong tình trạng bị xuống cấp. Để tiện cho việc sinh hoạt và kinh doanh, nhiều hộ dân chọn cách bóc lớp gạch lát hè và láng lại bằng xi măng, trong khi một số cơ quan, đơn vị lại lát hè tùy theo sở thích và túi tiền, thẩm mỹ của mình, vì thế mà vỉa hè như một tấm áo vá. Không "may mắn" như phố Nguyễn Biểu, đã gần tháng nay, toàn bộ vỉa hè dọc phố Nguyễn Công Trứ, đoạn sát Nhà máy Rượu Hà Nội đã bị cày xới rồi... bỏ mặc khiến người dân lo lắng, không biết bao giờ đơn vị thi công mới quay lại để ốp lát vỉa hè?
Vỉa hè thường xuyên bị đào bới để thi công các công trình ngầm. Ảnh: Đàm Duy |
Cơ quan chức năng nói gì?
Nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông cũng như giữ gìn cảnh quan đô thị, từ tháng 10-2012, UBND TP Hà Nội đã có văn bản giao Sở Giao thông - Vận tải chịu trách nhiệm toàn diện trong việc cấp phép đào hè, đường và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân xây dựng công trình liên quan đến hệ thống hạ tầng giao thông. Đơn vị này cũng chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, phối hợp với các quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra việc bảo đảm ATGT khi thi công các dự án trên địa bàn, giám sát chặt chẽ việc thi công theo giấy phép và việc hoàn trả mặt đường, hè đường bảo đảm chất lượng, chỉ đạo Thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra, kiên quyết đình chỉ thi công đối với các đơn vị thi công không đúng giấy phép, không tuân thủ quy định…
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Nguyên Huy - Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị - Sở GTVT cho biết, năm 2012, Sở đã cấp phép đào hè, đường cho 717 trường hợp, trong đó gồm cả cấp phép sự cố, chủ yếu tập trung vào thời điểm các tháng mùa khô cuối năm. Đây hầu hết là các công trình phục vụ dân sinh như cấp điện, nước, chiếu sáng, viễn thông… Việc cấp phép đào hè đường luôn được kiểm soát chặt chẽ, tuân thủ đúng các quy định như chủ đầu tư phải có đơn xin phép, hồ sơ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt kèm các văn bản pháp lý liên quan, nộp hồ sơ tại Sở từ 5 đến 7 ngày theo quy định…
Quá trình thi công chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục của Thanh tra Sở, lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc bảo đảm chất lượng công trình cũng như bảo đảm an toàn giao thông trong quá trình thi công, hoàn trả mặt đường đúng hiện trạng ban đầu. Riêng việc cấp phép xử lý sự cố như vỡ đường ống cấp nước sinh hoạt, sập cống thoát nước, nổ dây điện, đứt cáp viễn thông… được cấp phép đào hè đường để khắc phục ngay trong ngày, có ngày lên đến 3-4 vụ.
Năm 2013 chưa có thống kê chính thức nhưng đến thời điểm này số giấy phép đào đường được cấp cũng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
Theo thông tin từ Thanh tra Sở GTVT, trong năm 2012 có đến 128 trường hợp đào hè, đường vi phạm bị xử lý, phạt tiền 730.900.000 đồng. Lỗi chủ yếu của chủ đầu tư và các nhà thầu là chưa bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, không trang bị đầy đủ hệ thống biển báo hiệu, rào chắn, thi công không đúng giấy phép được cấp, không có người gác thường xuyên để hướng dẫn giao thông và địa điểm tập kết vật liệu xây dựng, không hoàn trả mặt đường bảo đảm chất lượng… Từ đầu năm 2013 đến nay, lực lượng này đã xử lý 39 trường hợp, phạt tiền 184.250.000 đồng các trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu có vi phạm trong quá trình đào vỉa hè, lòng đường để thi công các công trình ngầm.
Đã sắp bắt đầu bước sang những tháng mùa khô cuối năm, đây là đợt "cao điểm" của những dự án đào hè, đường; vì thế bên cạnh việc cấp phép các lực lượng chức năng cần đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát quá trình thi công để bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.