Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những nỗi lo tăng theo thời gian

Nguyễn Tùng| 01/12/2013 05:43

LTS: Đứng trước nguy cơ Hà Nội có thể hết chỗ chôn người quá cố vào năm 2015, UBND TP Hà Nội đã nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng quy hoạch nghĩa trang một cách bài bản nhằm đáp ứng đủ nhu cầu.

LTS: Tốc độ đô thị hóa cao trong mấy năm gần đây đã khiến dân số trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh. Dù không ai muốn nhưng điều đó đồng nghĩa với việc số người chết trong phạm vi địa giới hành chính cũng sẽ tăng. Thực tế này đã gây sức ép rất lớn lên các nghĩa trang tập trung của thành phố vốn không còn nhiều chỗ trống... Đứng trước nguy cơ Hà Nội có thể hết chỗ chôn người quá cố vào năm 2015, UBND TP Hà Nội đã nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng quy hoạch nghĩa trang một cách bài bản nhằm đáp ứng đủ nhu cầu. Tuy nhiên, khi triển khai dự án gặp khá nhiều vướng mắc, bất cập...

Bài 1: Những nỗi lo tăng theo thời gian

Theo thống kê, Hà Nội có tới 2.336 nghĩa trang cấp xã, thôn với tổng diện tích khoảng 2.626ha. Hầu hết nghĩa trang này đều hình thành tự phát, xây dựng không theo quy hoạch và không bảo đảm khoảng cách cách ly theo yêu cầu vệ sinh môi trường...

Đường vào Công viên Vĩnh Hằng. Ảnh: Thái Hiền


Lo tìm chỗ yên nghỉ

Trời chuyển rét, cụ ông Nguyễn Đ.V tuổi đã ngoài 80, nhà ở phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng) đổ bệnh nặng. Con cháu cuống cuồng đưa cụ vào Bệnh viện Hữu nghị để cấp cứu. Cả nhà từ con trai, con dâu, con gái, con rể đến các cháu thay nhau túc trực ở bệnh viện. Trong lúc cụ đang nằm trên giường bệnh, con trai cả Nguyễn Đ.B đã họp cả nhà để thống nhất phương án lo chỗ yên nghỉ khi cụ V "hai năm mươi". Mỗi người một ý. Người thì yêu cầu phải mai táng cụ theo đúng nghi lễ truyền thống, nghĩa là hung táng sau ba năm sẽ cải cát. Người thì nói là nên hỏa táng cho sạch sẽ, hiện đại. Nếu chôn cất theo truyền thống thì cả nhà phải hai lần tìm đất. Nếu hỏa táng thì cũng phải một lần lo đất.

Cụ V quê gốc ở làng Nhân Chính, trước thuộc huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Thanh Xuân. Quê của cụ giờ đã thành phường. Ruộng đồng giờ đây đã thành đường phố và các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Ngay cả Nghĩa trang Quán Dền trước nằm ở giữa đồng, nay đã lọt thỏm giữa các nhà cao tầng. Nghĩa trang Quán Dền giờ đa phần là những mộ cốt đã yên ổn từ lâu. Đất ở quê không còn. Cả nhà xoay sang tìm đất ở những huyện ven đô như Từ Liêm, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Chương Mỹ nhưng cũng rất khó khăn. Nơi còn đất thì không cho người ngoài vào chôn, nơi cho chôn thì phải có quan hệ quen biết hay họ hàng, nơi thì người ta hô giá rất cao...

Ông B suy tính hết nước hết cái. Nếu theo phương án hung táng thì bố của ông sẽ phải nằm nhờ nơi đất khách quê người ba năm. Sau đó vẫn phải lo chỗ an táng hài cốt lâu dài. Mà hiện giờ mộ của những người trong dòng họ đã khuất đều đã được di dời từ Quán Dền lên Nghĩa trang Yên Kỳ (Sơn Tây). Sau khi suy tính cẩn trọng và tham khảo thêm ý kiến của những người thân, ông B họp cả nhà lại và đưa ra quyết định khi nào cụ V "hai năm mươi", con cháu sẽ làm đám tang tại một nhà tang lễ gần nhà, sau đó sẽ đưa cụ đi hỏa táng rồi sẽ đưa tro cốt lên an táng tại Nghĩa trang Yên Kỳ để gần với mộ phần của tổ tiên. Ông cũng phân tích, giải thích cặn kẽ cho anh em trong gia đình và mọi người đều thống nhất. May cho ông B và gia đình vì vẫn lo được một phần mộ ở trên Nghĩa trang Yên Kỳ, dù quỹ đất của nghĩa trang này sắp hết.

Câu chuyện của gia đình nhà ông B chỉ là một trong số hàng ngàn câu chuyện mỗi ngày của các gia đình đang sinh sống ở Hà Nội. Đối với những gia đình có quê ở gần, khi người thân khuất núi, họ sẽ chọn phương án đưa về quê chôn cất theo lối cũ. Đối với những gia đình quê ở xa lại nhất quyết phải chôn cất người đã mất theo cách truyền thống thì con cháu phải đi thuê hoặc mua đất ở các địa phương lân cận. Đối với những gia đình sống hiện đại hơn, họ sẽ chọn phương án hỏa táng rồi đưa tro cốt của người đã khuất về quê hoặc đưa lên các nghĩa trang tập trung của thành phố như Yên Kỳ, Văn Điển, Thanh Tước, Vĩnh Hằng. Nhiều nhà đã nảy sinh mâu thuẫn chỉ vì không thống nhất được cách lo tang ma cho người đã mất.

Sắp hết chỗ

Một thực tế mà các gia đình đang sinh sống ở Hà Nội phải đối mặt mỗi khi trong nhà có người thân qua đời là quỹ đất của các nghĩa trang tập trung của thành phố sắp hết. Còn nhớ, năm 2010, khi Nghĩa trang Văn Điển dừng tiếp nhận hung táng, người dân thì cuống quýt chạy đôn, chạy đáo. Còn các cơ quan chức năng của thành phố đã phải khẩn trương vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ mở rộng Nghĩa trang Vĩnh Hằng, dù nghĩa trang này hoàn thành kịp thời khi Nghĩa trang Văn Điển đóng cửa. Nhưng mối lo thiếu chỗ chôn người quá cố vẫn còn nguyên.

Một cán bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cơ quan chủ trì việc này cho biết, quỹ đất nghĩa trang phục vụ chôn cất người quá cố ngày càng hạn hẹp và chưa được bổ sung trong khi số lượng nhập mộ ngày càng tăng, khiến tình hình thêm nan giải. Hiện nay, quỹ đất tại Nghĩa trang Thanh Tước đã hết. Từ ngày dừng hung táng, Nghĩa trang Văn Điển còn hơn 2.500 ngôi mộ sẽ được bốc vào cuối năm nay. Nghĩa trang Yên Kỳ chỉ còn 3.000 chỗ trống. Tại Nghĩa trang Vĩnh Hằng mới mở rộng, tổng số mộ đã nhập là hơn 770 ngôi, tổng số ô trống đã xây bể mộ là hơn 1.154, khu mai táng 3 năm chỉ còn một khu, khu mai táng vĩnh viễn còn 5 khu, khu cải táng còn 7 khu. Với nhu cầu ngày càng gia tăng, Nghĩa trang Vĩnh Hằng cũng không thể phục vụ lâu dài.

Hiện nay, tổng diện tích đất nghĩa trang trên toàn thành phố là 2.744ha (chiếm 0,82% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố). Trong đó, diện tích của các nghĩa trang tập trung thành phố là 104ha. Trên địa bàn Hà Nội chỉ có 3 nghĩa trang cấp huyện là Nghĩa trang nhân dân thị xã Sơn Tây, Nghĩa trang Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Nghĩa trang Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) với tổng diện tích chỉ là 13ha. Ba nghĩa trang này được quận, huyện, thị xã quản lý và quỹ đất để hung táng và cát táng cũng gần hết.

Theo thống kê, trên toàn thành phố có tới 2.336 nghĩa trang cấp xã, thôn với tổng diện tích khoảng 2.626ha. Vấn đề đáng lo ngại là hầu hết nghĩa trang này đều hình thành tự phát, xây dựng không theo quy hoạch và không bảo đảm khoảng cách cách ly theo yêu cầu vệ sinh môi trường. Việc quản lý các nghĩa trang cấp thôn, xã hầu hết do những người không có chuyên môn đảm trách, việc chăm sóc và bảo đảm vệ sinh không được làm thường xuyên, không đúng quy cách, vẫn song hành cả hình thức hung táng và cát táng. Không sớm thì muộn, các nghĩa trang này cũng sẽ hết chỗ và người dân sống xung quanh sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước.

Trong khi quỹ đất dành cho hung táng và cát táng đang cạn kiệt thì Hà Nội chỉ có duy nhất một cơ sở hỏa táng tại Văn Điển. Theo Ban Phục vụ lễ tang thành phố (thuộc Sở LĐ-TB&XH), tổng số ca hỏa táng tại Văn Điển bình quân gần 900 ca/tháng, trong đó Hà Nội khoảng 790 ca/tháng và số ca từ ngoại tỉnh đưa về khoảng 110 ca/tháng. Năm 2012, có 8.648 ca hỏa táng. Mặc dù chưa hết năm 2013 nhưng số ca hỏa táng đã vượt con số của năm ngoái.

Số nghĩa trang sắp hết quỹ đất sẽ đóng cửa, dừng tiếp nhận mai táng như nghĩa trang Thanh Tước và Văn Điển sẽ ngày càng nhiều. Hiện trạng thiếu chỗ chôn cho người chết đang trở thành mối lo hiện hữu ngày càng bức xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những nỗi lo tăng theo thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.