(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa 35 năm. "Huế bây chừ" - như cách nói của người địa phương - dù nhịp sống đã trở nên hối hả, nhưng về cơ bản vẫn giữ được vẻ thanh bình, với sông Hương lững lờ chảy và những tà áo dài thướt tha làm dùng dằng bước chân du khách.
Song với những người đã từng sống, chiến đấu trên mảnh đất này thì Huế còn in đậm ký ức của những tháng ngày chiến đấu, hy sinh gian khổ và cả niềm vui vô bờ ngày Cố đô sạch bóng quân thù…
Từ niềm tin vào ngày giải phóng
Ngôi nhà nhỏ của Đại tá Phan Sỹ Khứ nằm giữa khu vườn rực rỡ sắc hoa dưới chân đồi thông Thiên An thơ mộng. Khi tôi đến, người cựu Tham mưu trưởng của Trung đoàn 6, biệt danh là Đoàn Phú Xuân anh hùng của Quân khu Trị - Thiên, đang dở cuộc điện thoại. Đồng đội cũ khắp mọi miền đất nước đang ríu rít hẹn nhau hội ngộ.
Rót nước mời khách, thấy tôi chăm chú nhìn tấm ảnh thờ đề dòng chữ "Anh hùng Trịnh Tố Tâm", ông Khứ giải thích: "Chú Tâm nguyên là cấp dưới của tôi đó. Sau khi chú mất, tôi làm lễ truy điệu, lập bàn thờ để tưởng nhớ người đồng đội, người anh em thân thiết...". Thì ra nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Trịnh Tố Tâm, nguyên Bí thư Trung ương Đoàn, từng là chiến sỹ liên lạc của C14 công binh quân khu Trị - Thiên hồi ông Khứ là Đại đội trưởng. Còn khi ông Khứ lên làm Chủ nhiệm công binh Trung đoàn 4 thì ông Tâm trở thành Đại đội trưởng (lúc này C14 đã trực thuộc Trung đoàn 4), sau được phong Anh hùng LLVTND năm 1972. Giữa hai người không chỉ có tình đồng đội "vào sinh ra tử", mối quan hệ cấp trên - cấp dưới khăng khít, mà còn là anh em kết nghĩa…
Cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương (thành phố Huế). |
Ký ức của người cựu chiến binh như dòng nham thạch bấy lâu âm ỉ được dịp tuôn trào. Sinh năm 1940, quê xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình), năm 1960 ông Khứ trở thành lính Cụ Hồ, chiến đấu bên Lào đến năm 1962 đơn vị rút về nước huấn luyện, giữa năm 1963 thì lên đường vào Nam. Phần lớn những năm tháng kháng chiến chống Mỹ của ông Khứ gắn bó với chiến trường Trị - Thiên, đặc biệt là đã chứng kiến toàn bộ quá trình xây dựng và trưởng thành của Trung đoàn 4 và sau này là Trung đoàn 6 (sáp nhập Trung đoàn 4 và một số đơn vị khác). Ông bồi hồi nhớ về những ngày tháng 3 lịch sử cách đây tròn 35 năm: Cuối năm 1974, các đơn vị chủ lực tác chiến ở Trị - Thiên, trong đó có Trung đoàn 6, được lệnh hành quân ra Cùa (vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị) để tập huấn. Trung đoàn 6 được bổ sung quân số, trang bị vũ khí đầy đủ. Đặc biệt là sự xuất hiện của các đơn vị chủ lực của Bộ (Tổng tham mưu) như Sư đoàn 324, "sư" 325 với đủ các binh chủng… đã làm chỉ huy các đơn vị địa phương, ông Khứ khấp khởi hy vọng, tin tưởng vào một chiến thắng rất gần.
Nếu như Quân khu 1 được chính quyền Sài Gòn gọi là "lá chắn thép" của miền Nam Việt Nam thì Huế là một trong những khu vực phòng ngự mạnh nhất của quân khu này, với 4 vạn quân gồm những đơn vị thiện chiến như Sư đoàn bộ binh số 1, các lữ đoàn thủy quân lục chiến… dựa vào các tuyến phòng thủ kiên cố ở phía Bắc và phía Tây thành phố Huế. Và hệ thống phòng thủ kiên cố này cũng được coi là "lá chắn thép" của Huế.
Theo giới thiệu của Phòng chính sách (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế), chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Trần Lưu Chữ, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 6, trong một con hẻm nhỏ đường La Sơn Phu Tử, ven thành nội. Đến nơi mới vỡ ra là tại thời điểm tháng 3-1975 ông Chữ lại không có mặt để chứng kiến sự kiện lịch sử ấy. Tôi thắc mắc, rằng giữa lúc "nước sôi lửa bỏng" ấy không hiểu ông ra Hà Nội học cái gì? Ông cười rung cặp lông mày rậm: "Ngày ấy, chúng tôi được cử ra Bắc học "bài" giải phóng miền Nam". Thế nhưng, trong lúc họ còn đang trao đổi, nghiên cứu, tìm các phương án (để giải phóng miền Nam) thì miền Nam đã được giải phóng xong rồi! Đúng là "thần tốc, thần tốc, đại thần tốc!".
Đến niềm tin bước tới tương lai
"Yêu anh em cũng muốn vô. Ngại Chuông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang". Xưa cứ nói đến phá Tam Giang của Huế là nhiều người phải lắc đầu ngán ngẩm bởi sự cách trở, xa ngái và quá nhiều sóng gió hiểm nguy. Những xã ven đầm phá gần như ốc đảo, sống cách biệt thế giới bên ngoài với nhiều cái không: "Không đường, không điện, không trường, trạm y tế"... Nay, 35 năm sau ngày giải phóng, được sự đầu tư của Nhà nước, với sự nỗ lực của địa phương, phá Tam Giang không còn là nỗi sợ hãi, cách trở nữa, mà đang trở thành nguồn lực lớn để phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy, hải sản. Mấy năm qua, Thừa Thiên Huế đã tập trung hết nguồn nhân lực, vật lực thi công cầu Thuận An vượt phá Tam Giang được làm bằng công nghệ đúc hẫng tiên tiến. Rồi tiếp theo là các cầu Trường Hà, Tư Hiền... được xây xong và tới nữa là cầu Ca Cút chuẩn bị thông xe vào dịp 26-3, ngày kỷ niệm 35 năm Thừa Thiên Huế giải phóng. Chúng tôi ước tính, tổng chi phí xây dựng các cầu bắc qua phá Tam Giang - Cầu Hai hiện nay ở Thừa Thiên - Huế cũng lên đến 1.500 tỷ đồng. Đã xa rồi nỗi ám ảnh cảnh sông nước dữ dằn của phá Tam Giang những ngày mưa bão, tiếng gọi đò vào những đêm đông nghe đến não ruột như trong truyện ngắn "Ơi đò Ca Cút" của nhà văn Trần Thanh Hà...
Cùng với đầu tư xây dựng các cầu vượt phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tập trung nguồn lực cho các dự án trọng điểm, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi quan trọng như hệ thống quốc lộ 1A, 49A, 14B, đường Hồ Chí Minh, đường tránh Huế; hệ thống giao thông đối ngoại như cầu cảng Chân Mây, hầm đường bộ Hải Vân, sân bay quốc tế Phú Bài; các công trình trọng điểm về thủy điện, các hồ đập thủy lợi Thảo Long, hồ Truồi, Tả Trạch… Cảng Chân Mây của Huế là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây, một trong ba điểm đến của tuyến cao tốc trên biển đang được đầu tư và phát triển thành cảng tổng hợp. Các khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, các khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Thu, các cụm điểm công nghiệp, du lịch đã và đang triển khai thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Nhiều khách sạn hiện đại 4 đến 5 sao được xây dựng như khách sạn Morin, Hương Giang, Century, Tân Hoàng Cung... Tất cả đã và đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị, nông thôn Thừa Thiên Huế, tạo thế và lực mới góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
* Ngày 18-3, phán đoán địch có thể rút bỏ Huế, Bộ tổng Tư lệnh chỉ thị cho Quân khu Trị - Thiên táo bạo đưa lực lượng thọc qua tuyến phòng thủ bên ngoài, cắt đứt đường số 1, áp sát và bao vây, cô lập Huế nhằm tiêu diệt Sư đoàn 1 bộ binh ngụy không cho chúng rút chạy về Đà Nẵng. * Ngày 19-3, toàn bộ tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Tuyến phòng thủ phía Bắc của Huế bị vỡ. 5h sáng 21-3, Sư đoàn 324 và 325 (Quân đoàn 2) đồng loạt nổ súng tấn công hệ thống phòng ngự của địch ở phía nam, cắt đứt quốc lộ số 1 Huế - Đà Nẵng, chính thức mở màn chiến dịch Huế - Đà Nẵng. * Ngày 23, quân ta đã làm chủ hoàn toàn phía bắc đèo Hải Vân. Sáng 25-3, các cánh quân của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên đã bao vây cả 4 hướng, thần tốc tiến thẳng vào trung tâm thành phố. Ở phía tây, Trung đoàn 6 và Trung đoàn 271 (Quân khu Trị - Thiên) đánh các cứ điểm trên đường 12, tối 25-3 vượt sông Hương. * 6h sáng 26-3, lá cờ Giải phóng dài 12m, rộng 8m đã được các chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 6 kéo lên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, báo hiệu Thừa Thiên Huế đã được giải phóng sau 21 năm chịu nhiều gian khổ, đau thương. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.