(HNM) - Dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao cơ quan chức năng của thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh trong xử lý
LTS: Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép, hình thành các bãi chứa nguyên vật liệu xây dựng không phép vẫn không ngừng diễn ra trên các tuyến sông thuộc địa bàn Hà Nội, gây thất thoát tài nguyên, sạt lở đê điều, ruộng vườn, đất đai và ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở các địa phương. Có hay không sự tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật kể trên?
Bài 1: Hạt cát nặng bao nhiêu?
Dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao cơ quan chức năng của thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh trong xử lý "cát tặc" nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Phải chăng ở đây có sự bảo kê?
Tình trạng khai thác cát trái phép và sử dụng các bãi chứa vật liệu xây dựng sai phép tiếp tục diễn biến phức tạp. Ảnh: Thúy Nga |
Lợi nhuận quá lớn
Khoảng một tháng sau khi cơ quan chức năng khởi tố 8 "cát tặc" rút ruột sông Hồng thuộc địa bàn huyện Thường Tín, nạn hút cát trái phép ở đây cơ bản được dẹp bỏ. Thế nhưng ở những nơi khác, "cát tặc" vẫn lộng hành với thủ đoạn ngày càng kín đáo và tinh vi hơn. Tại bờ bãi sông Hồng thuộc các xã Võng La, Hải Bối (Đông Anh), cát không rõ nguồn gốc tập kết lên bãi chứa cao như núi, nằm trọn trong hành lang thoát lũ và bảo vệ đê điều. Riêng bãi chứa của Công ty TNHH một thành viên Diệp Trang có khoảng 300.000m3 cát đen, Công ty TNHH Tuấn Vinh và Công ty TNHH Thành Luân khoảng 3.100m3... Tại một số tuyến đê trên địa bàn các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên..., phóng viên Báo Hànộimới bắt gặp nhiều xe tải nối đuôi nhau chở cát không rõ nguồn gốc đi lại trên đê. Tại các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Phú Xuyên, Sóc Sơn..., mặt đê nhiều nơi đã bị biến dạng do hằng ngày phải "cõng" hàng trăm lượt xe chở cát quá tải trọng cho phép. Một "đầu nậu" cát ở huyện Ba Vì tính toán, khai thác được 1.000 - 2.000m3 cát đen/ngày đem lên bờ tiêu thụ, chủ tàu thu khoảng 30 - 60 triệu đồng một khoản lợi nhuận quá lớn, trong khi đó Nhà nước lại không thu được đồng nào.
Theo các cơ quan chức năng của thành phố, hoạt động khai thác và kinh doanh cát trái phép đến nay vẫn diễn ra vô cùng phức tạp. Mới đây, Công an huyện Đan Phượng tạm giữ tàu hút cát của ông Phạm Văn Toàn có hành vi khai thác trái phép cát tại khu vực lòng sông Hồng, đoạn chảy qua địa phận xã Hồng Hà (Đan Phượng). Cũng trong tháng 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - CA thành phố Hà Nội phối hợp với CA huyện Thường Tín đã kiểm tra, xử lý hành vi khai thác cát trái phép từ bãi nổi ven sông Hồng, thuộc xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín...
Bắt rồi lại thả?
Trong chuyến thị sát một số dự án giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã nhận định rằng: "Đã có tình trạng giang hồ cát cứ, "xã hội đen", thế giới ngầm thâu tóm nguồn cung vật liệu xây dựng, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, làm cho các nhà thầu thi công gặp khó khăn, giá tăng cao, tiến độ chậm, chất lượng không bảo đảm”.
Thực tế, trên thị trường Hà Nội thời gian qua có sự mất cân bằng giữa cung và cầu khiến giá vật liệu tăng vọt. Vì lợi ích nên bất chấp sự truy quét gắt gao của cơ quan chức năng, "cát tặc" vẫn liều lĩnh khai thác cát trên các tuyến sông, nhất là địa bàn giáp ranh và sẵn sàng chống trả quyết liệt cơ quan chức năng. Ông Phan Văn Bưởi, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Sóc Sơn cho biết, "cát tặc" thường được các nhóm "xã hội đen" đứng ra bảo kê nên người dân có biết cũng không dám tố giác. Mấy năm trước, Chủ tịch xã Việt Long (Sóc Sơn) khi làm nhiệm vụ chống "cát tặc" đã bị "xã hội đen" đánh trọng thương, còn Trưởng công an xã Trung Giã bị đánh gãy chân...
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) - CA thành phố Hà Nội, các tàu thuyền hoạt động khai thác cát đều không số, không tên và từ địa phương khác dạt về Hà Nội. Chủ phương tiện ít khi xuất hiện, trên tàu thuyền thường là lao động làm thuê, thậm chí có cả đối tượng nghiện hút, không hiểu biết về pháp luật. Tại huyện Thường Tín, khi lực lượng chức năng tiếp cận xử lý khai thác cát trái phép thì vợ một chủ tàu ôm con dọa nhảy xuống sông tự tử. Còn chuyện "cát tặc" viện lý do lấy giấy tờ rồi nhảy xuống sông bỏ trốn xảy ra như cơm bữa. Trước đây, trên sông Đáy, "cát tặc" còn lao thẳng tàu thuyền vào phương tiện của cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý.
Cũng theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương, một trong những giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông là tổng kiểm tra tất cả phương tiện vận tải đường thủy, trong đó chú trọng vào tàu thuyền vận chuyển cát đen. Song do lực lượng mỏng, trang thiết bị thiếu, bến bãi chứa phương tiện vi phạm không có... nên việc xử lý của cơ quan chức năng chỉ dừng ở phạt hành chính hoặc bắt rồi lại thả. Thực tế, mức phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lần vi phạm đối với các chủ tàu khai thác cát trái phép như hiện nay chưa đủ sức răn đe. Vậy nên, cứ sau mỗi lần ra quân truy quét của cơ quan chức năng, vi phạm vẫn tái diễn. Nhiều khu vực khai thác giáp ranh giữa các địa phương, chính quyền đôi bên đều biết nhưng "cha chung không ai khóc" nên các dòng sông bị rút ruột tới mức cạn kiệt.
Trong 6 năm (2008 - 2013), CA thành phố Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 329 vụ việc vi phạm về khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông trái phép. Đã xử phạt hành chính 318 vụ, thu nộp ngân sách 4,221 tỷ đồng. Thực hiện kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và buôn bán hàng cấm trên đường thủy thuộc địa bàn thành phố, từ tháng 8-2013 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (PC68) - CA thành phố Hà Nội đã bắt giữ 38 vụ, khởi tố 8 đối tượng tổ chức khai thác cát trái phép... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.