Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Đồng thuận chủ trương, phản đối cách làm

Hồng Hạnh| 16/11/2015 06:17

(HNM) - Đa số các ý kiến không đồng thuận, thậm chí phản ứng gay gắt, quyết liệt với chủ trương của Bộ GD-ĐT...

LTS: Những ngày gần đây, nhiều phương tiện truyền thông và đặc biệt là các trang mạng xã hội "sôi sùng sục" với dự kiến của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn, hoặc tích hợp môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc trong chương trình giáo dục phổ thông mới (dự kiến bắt đầu triển khai từ năm học 2018-2019). Đây cũng là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu lịch sử và nhiều chuyên gia giáo dục tại hội thảo do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 15-11. Đa số các ý kiến không đồng thuận, thậm chí phản ứng gay gắt, quyết liệt với chủ trương của Bộ GD-ĐT. Loạt bài "Vị trí môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới: Bắt buộc hay tự chọn?" sẽ góp phần phân tích, lý giải điều này.

Bài 1: Đồng thuận chủ trương, phản đối cách làm

Hơn 20 ý kiến của các nhà khoa học đầu ngành, những người trực tiếp giảng dạy môn Lịch sử và lãnh đạo Bộ GD-ĐT tại hội thảo "Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông" tổ chức sáng 15-11 đều khẳng định sự cần thiết phải cải cách để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở giáo dục phổ thông. GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết: Tôi đã từng làm chủ tọa của hàng trăm cuộc hội thảo, nhưng chưa có hội thảo nào lại có sự đồng thuận cao về một vấn đề như thế này! Thế nhưng, cải cách thế nào để đạt được mục tiêu đề ra lại là vấn đề gây tranh cãi. Điều này cho thấy, đây là một vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn, tác động đến nhiều đối tượng và nhiều mặt của đời sống, đòi hỏi cơ quan chủ quản cần nghiên cứu và quyết định một cách thận trọng.

Học sinh tìm hiểu về lịch sử quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


Sẽ được học lịch sử nhiều hơn?

Công bố ngày 5-8-2015, dự thảo Chương trình (CT) giáo dục phổ thông mới đã làm "nóng" dư luận với nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, môn Lịch sử thu hút sự quan tâm đặc biệt. Theo đó, ở cấp THPT, môn Lịch sử sẽ được tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc, đây là một trong 4 môn học bắt buộc. Ngoài ra, môn Lịch sử thuộc trong nhóm các môn học tự chọn của học sinh (HS) từ lớp 10 đến lớp 12 (học sinh có thể thay đổi môn học tự chọn).

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, mục tiêu của việc điều chỉnh là làm cho việc học lịch sử hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn với HS. Nghị quyết 29/NQ-TƯ xác định mục tiêu của giáo dục phổ thông là chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực, giảm áp lực cho HS, vì vậy, đổi mới môn Lịch sử là yêu cầu cấp thiết. Đây là chủ trương đúng đắn, nhận được sự đồng thuận cao trong các lần lấy ý kiến góp ý cho dự thảo.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Ban soạn thảo CT không coi nhẹ môn Lịch sử. Thực trạng môn học này (CT bất cập, nội dung sách giáo khoa nặng về số liệu, nhiều lý thuyết, phương pháp dạy học chưa phù hợp…) đòi hỏi phải đổi mới môn Lịch sử. Không phải là HS thích thì học, không thích thì thôi, cũng không phải môn học Lịch sử bị xóa sổ. Trái lại, tất cả HS đều phải học lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và một trong 2 môn Lịch sử hoặc môn khoa học xã hội. Ngoài ra, HS còn học lịch sử qua các môn học khác như ngữ văn, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề… Thời lượng bắt buộc dành cho giáo dục lịch sử trong chương trình mới nhiều hơn chương trình hiện hành. Nếu như hiện nay, HS học lịch sử 1,5 tiết/tuần, thì chương trình mới, HS phải học Công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần, cộng thêm môn khoa học xã hội 3 tiết/tuần hoặc lịch sử 3 tiết/tuần.

Dạy lịch sử bằng phương pháp nghe nhìn cho học sinh tiểu học.


Môn Lịch sử có bị đẩy lùi?

Đồng tình với chủ trương đổi mới nhằm tăng tính hấp dẫn, hiệu quả giáo dục môn Lịch sử, nhưng nhiều ý kiến tại hội thảo không đồng thuận với cách thức triển khai của Bộ GD-ĐT. PGS. TS Kiều Thế Hưng, Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, dạy và học lịch sử đang tồn tại nhiều bất cập, rất cần sự đổi mới toàn diện, mang tính cách mạng, nhưng nếu giải quyết những bất cập ấy bằng việc điều chỉnh như dự thảo là phản khoa học, trái với yêu cầu thực tiễn, đi ngược lại xu thế phát triển, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Và trong hoàn cảnh nào cũng cần dành cho lịch sử sự tôn trọng và cách tiếp cận khoa học, bởi lịch sử và giáo dục lịch sử là vấn đề của tri thức khoa học, của lý trí, của chính trị, của truyền thống và là vấn đề của trái tim.

Nhiều ý kiến đồng tình với lập luận của GS.TS Trần Thị Vinh (Viện Sử học) khi cho rằng: Việc tích hợp môn Lịch sử như một phân môn trong môn học mới - Công dân với Tổ quốc là sự lắp ghép thiếu cơ sở khoa học, không khả thi, chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo dục Việt Nam và thế giới. Về cơ sở thực tiễn cho vị trí của môn Lịch sử, PGS.TS Ngô Minh Oanh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) đã cùng nhóm nghiên cứu khảo sát trên 20 quốc gia (cả Châu Âu và Châu Á), kết quả có cùng điểm chung là lịch sử đều được coi là môn học bắt buộc. Lịch sử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục ở những nước phát triển như Mỹ, Canada... Am hiểu lịch sử dân tộc là tiêu chuẩn hàng đầu đối với mọi công dân ở đây.

GS, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã điểm lại một chặng đường dài của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục để dẫn chứng cho sự lo ngại về vị thế của môn học này. Theo GS Vũ Dương Ninh, số phận long đong của môn Lịch sử bắt đầu từ chỗ không được coi là môn thi chính thức trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà chỉ là một trong hai môn thi luân phiên. Môn Lịch sử còn được quy định là môn thi thay thế, nghĩa là nơi nào HS không thi ngoại ngữ thì có thể thi lịch sử. Thế là số đông HS ở những nơi phát triển đều thi ngoại ngữ, còn HS vùng sâu, vùng xa và những HS không được học ngoại ngữ hoặc học kém ngoại ngữ mới thi môn Lịch sử. Vài năm gần đây, khi lịch sử trở thành môn tự chọn, thì đại đa số HS thi khối A, B đều không chọn Lịch sử, có hội đồng thi chỉ có vài HS thi môn Lịch sử… Như vậy, môn Lịch sử tuy vẫn còn, nhưng đã bị đẩy lùi từng bước và mất đi vị thế của một môn học riêng biệt, ngang bằng các môn học khác trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam.

Trước những lo lắng, trăn trở về môn Lịch sử, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Với tinh thần cầu thị, Bộ GD-ĐT sẵn sàng trao đổi, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp hợp lý để điều chỉnh, hoàn thiện CT giáo dục phổ thông đạt chất lượng tốt nhất.

PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ
Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:

Năm 1941, Bác Hồ đã viết cuốn "Sử nước ta"; năm 1942, Bác lại viết bài "Nên học sử ta" nhằm động viên các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc và tinh thần đoàn kết để đánh thắng ngoại xâm. Bác Hồ cũng chỉ rõ: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Rõ ràng, lịch sử là bộ môn nền tảng trong khoa học xã hội, có tác dụng trọng yếu đối với việc nâng cao phẩm chất nhân văn của HS. Lịch sử cũng giúp người học tìm về với cội nguồn văn hóa, tiếp thu những bài học đạo lý, giúp con người hình thành ý thức bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp và ý thức trách nhiệm đối với quê hương. Tôi đề xuất hai phương án: Lịch sử thế giới là môn tự chọn, Lịch sử Việt Nam là môn bắt buộc.

Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:

Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và của chính Việt Nam khẳng định, môn Lịch sử phải có vị thế xứng đáng trong nền giáo dục phổ thông. Lịch sử ở đây có ý nghĩa là một môn khoa học với tính toàn diện và hệ thống, phải là một trong những môn học cơ bản hay cốt lõi theo cách diễn đạt trong chương trình đổi mới của Bộ GD-ĐT. Chia nhỏ và đem một ít kiến thức lịch sử nhập vào các môn, dù cho có tăng số giờ dạy thì vẫn là xóa bỏ tính hệ thống và cơ sở khoa học cùng vai trò giáo dục sâu sắc, toàn diện của môn Lịch sử.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam:

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trước những thử thách mất còn, chúng ta đã giáo dục các thế hệ người Việt Nam nhận rõ và phát huy giá trị lịch sử, làm nên những kỳ tích có một không hai trong lịch sử. Sang thời kỳ xây dựng đất nước, trước nhiều khó khăn lớn, chúng ta đã bình tĩnh, tỉnh táo trở lại những bài học lịch sử để tìm chọn con đường đổi mới, ứng xử đúng đắn, góp phần "vượt cạn" thành công. Với ý nghĩa đó, Lịch sử phải là môn học độc lập và bắt buộc, ít nhất trong các chương trình giáo dục THCS và THPT. Việc tích hợp môn Lịch sử vào một môn học khác là một cuộc "cưỡng duyên" kỳ lạ...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Đồng thuận chủ trương, phản đối cách làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.