Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Đầu tư chắp vá, phân tán

Nhóm phóng viên NN-NT| 01/07/2014 06:11

(HNM) - Thành phố Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên quy hoạch, xây dựng phát triển cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp (CCN) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế, giải quyết bức xúc về mặt bằng sản xuất, ô nhiễm môi trường, tạo việc làm, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới...


Loay hoay vì thiếu mặt bằng

Là xã điểm xây dựng NTM, sau hơn 4 năm triển khai xây dựng, xã Thụy Hương (Chương Mỹ) đã hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Nhưng có điều kiện thâm nhập thực tế mới thấy được tình hình phát triển kinh tế ở đây thiếu bền vững và còn nhiều gian nan phía trước. "Ngoài đường làng ngõ xóm, giao thông nội đồng được bê tông hóa, thu nhập của người dân được nâng cao... thì điều mà chúng tôi băn khoăn nhất là chưa xây dựng được CCN để người dân ly nông không ly hương" - ông Mạc Đình Được, Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Hương chia sẻ. Cũng theo ông Được, trong xây dựng NTM, Thụy Hương được thành phố cho phép lập dự án đầu tư xây dựng CCN với diện tích hơn 9,7ha để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm xen kẽ trong khu dân cư ra khu sản xuất tập trung. Tuy nhiên, cái vướng hiện nay là xã chưa kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CCN, dẫn đến dự án vẫn "nằm trên giấy".

Một góc Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền



Tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất không chỉ diễn ra ở các xã đang trong quá trình xây dựng NTM mà trở thành vấn đề bức thiết ở hầu hết các làng nghề khu vực ngoại thành Hà Nội. Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Trưởng ban Quản lý làng nghề xã Liên Hà (Đan Phượng), các hộ sản xuất ở Liên Hà rất chịu khó đầu tư máy móc, thiết bị, có những xưởng lớn đầu tư vài tỷ đồng, xưởng nhỏ cũng đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nở rộ về quy mô sản xuất nhưng người dân làng nghề Liên Hà vẫn khốn khổ vì mặt bằng chật hẹp. Năm 2011, xã Liên Hà quy hoạch xây dựng CCN sản xuất tập trung rộng 9,6ha nhưng mới đáp ứng cho 266 hộ làm nghề, trung bình mỗi hộ được thuê 200-400m2. Còn lại hàng trăm hộ sản xuất khác nằm trong khu dân cư vẫn chưa được bố trí mặt bằng. "Nguyện vọng của các hộ là sớm được chính quyền các cấp quan tâm quy hoạch mở rộng CCN để được thuê đất mở xưởng sản xuất ổn định" - ông Nguyễn Văn Khải đề nghị. Ngoài ra, nhiều làng nghề truyền thống ở các huyện Phúc Thọ, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Quốc Oai, Phú Xuyên, Thanh Oai... cũng rất bức bách về mặt bằng để mở rộng sản xuất.

Theo thống kê của Sở Công thương, đến nay, thành phố đã thu hút 3.776 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với gần 64.000 lao động vào các CCN trên địa bàn, trong đó 1.965 dự án hoạt động ổn định, 1.838 dự án đang chờ xây dựng hạ tầng và 243 dự án đăng ký mới nhưng dự án đầu tư xây dựng CCN lại mới đang ở trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

"Rối như gà mắc tóc"

Xác định xây dựng các CCN là giải pháp quan trọng để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, UBND TP Hà Nội đã giao cho Sở Công thương lập quy hoạch lại các khu công nghiệp, CCN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với 195 CCN, tổng diện tích 3.604ha. Quy hoạch này đã được Hội đồng thẩm định thành phố thông qua, đang chờ xin ý kiến phê duyệt của Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Ông Cấn Hoàng Tung, Trưởng ban Quản lý đầu tư, phát triển các CCN, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - Sở Công thương cho biết, trước thời điểm 1-8-2008, trên địa bàn TP Hà Nội và Hà Tây (cũ) đã hình thành và triển khai xây dựng 102 CCN, trong đó Hà Nội (cũ) 18 CCN, Hà Tây (cũ) 84 CCN. Từ tháng 8-2008 đến nay, TP Hà Nội thành lập mới 5 CCN và mở rộng một CCN, nâng tổng số lên 107 CCN trên địa bàn 21 quận, huyện, thị xã với tổng diện tích quy hoạch gần 3.193ha. Cụ thể, có 34 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng, cấp huyện làm chủ đầu tư 40 CCN, cấp xã 26 CCN, 7 CCN có ban quản lý dự án chuyên trách làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý sau đầu tư.

Qua rà soát của Sở Công thương, đến nay chỉ có 42 CCN đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, có tổng diện tích 759ha, cơ bản đã cho thuê hết mặt bằng; 41 CCN, diện tích gần 1.042ha đang xây dựng hạ tầng; 24 cụm, diện tích gần 1.400ha đang triển khai chuẩn bị đầu tư. Ông Cấn Hoàng Tung thừa nhận, từ khâu quy hoạch đến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN đều "rối như gà mắc tóc" và tồn tại nhiều bất cập. Về quy hoạch, có 59 CCN dành quỹ đất cho xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, trong đó chỉ có 7 cụm xây dựng được hệ thống thu gom nước thải và đi vào hoạt động ổn định; 9 CCN đang xây dựng hệ thống nước thải và khu xử lý; 43 CCN có quy hoạch đất nhưng chưa có kinh phí đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải; 48 CCN không dành đất cho xây dựng hệ thống nước thải... Bên cạnh đó, tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN chậm do khó khăn về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính phức tạp. Nhiều CCN quy hoạch, xây dựng không đồng bộ, đặc biệt là thiếu các hạng mục xử lý môi trường. Công tác quản lý hoạt động của các CCN còn nhiều hạn chế, nhất là đối với các CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. Tình trạng các dự án đầu tư không triển khai hoặc thực hiện không đúng nội dung được cấp phép, sử dụng đất không đúng mục đích xảy ra rất phổ biến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Đầu tư chắp vá, phân tán

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.