LTS: Thu gom, xử lý chất thải nói chung và chất thải sinh hoạt nói riêng ở Hà Nội vẫn là vấn đề nóng bỏng, chưa có lối thoát bền vững. Viễn cảnh hết nơi đổ rác đã cận kề khiến dư luận lo ngại, các nhà hoạch định chính sách đau đầu. PV Hànộimới đã về những khu xử lý chất thải của Hà Nội chứng kiến cảnh quả tải, ùn ứ rác trong khi việc phân loại, xử lý rác vẫn bế tắc…
Cảnh báo Hà Nội hết chỗ đổ rác vào năm 2012 được đưa ra trong bối cảnh các bãi xử lý chôn lấp quy mô lớn ở Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (Sơn Tây)... có nguy cơ đóng cửa vì quỹ đất những khu này cạn kiệt dù đã phải tận dụng nhiều biện pháp như nâng cốt, nhập các ô chôn lấp, đào hố khẩn cấp... Trong khi đó, các dự án mới để tiếp nhận, xử lý rác đến thời điểm này vẫn bế tắc mà khối lượng rác phát sinh đang tăng theo cấp số nhân từng ngày.
Máy ủi san gạt rác tại ô chôn lấp số 6 và số 7 bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Linh Tâm |
Năm 2012, hết chỗ chứa rác
Ngày 16-4, nhóm PV Hànộimới có mặt tại bãi rác lớn nhất miền Bắc - bãi Nam Sơn (Sóc Sơn). Từ ngoài cổng, các chuyến xe ô tô chở rác lần lượt được nhân viên kỹ thuật của Xí nghiệp Quản lý chất thải Nam Sơn kiểm tra kỹ lưỡng trước khi vào bãi. Theo chỉ dẫn của Giám đốc Xí nghiệp Hoàng Văn Đắc, chúng tôi qua các ô chôn lấp số 1, số 2, số 4 và số 5, khu vực đã đóng bãi cách đây khá lâu. Tính từ cốt 15, bãi rác cao so với mặt đất khoảng 20m (bình quân đóng bãi ở cốt 36). Bên cạnh những "núi" rác cao lừng lững là khu xử lý nước rích trên diện tích 3ha, công suất 700 m3/ngày đêm. Tại ô số 4 và ô 5, việc thu hồi khí gas cũng đã được tiến hành. Tiến sâu vào bên trong, tới ô số 6 và số 7 (2 ô đã nhập làm một để tận dụng thêm phần diện tích đường giao thông ngăn cách), rác đã đổ đến cốt trung bình 30. Ở đây, rác đổ xuống được san gạt, đầm, phun chế phẩm Enchoice, thuốc diệt côn trùng, rắc vôi bột... Khi đã đổ đến cốt quy định, rác được phủ đất dày 15cm đến 20cm. Cứ như vậy, các bộ phận trong khu chứa rác hoạt động 24/24h, với công suất trung bình (ở thời điểm này) lên đến 4.000 tấn/ngày đêm, tương đương 800 lượt xe. "Với công suất tiếp nhận, xử lý như hiện nay thì chỉ hết năm 2012 là phải đóng bãi" - Giám đốc Hoàng Văn Đắc khẳng định. Theo quan sát của PV, hai ô số 6 và số 7 sắp phải đóng bãi. Chỉ còn ô số 8 đã ở cốt 18 và ô số 9 chưa sử dụng với diện tích 5,4ha.
Khu xử lý chất thải Nam Sơn bắt đầu hoạt động từ năm 1999 trên diện tích 83,5ha với 9 ô chôn lấp rác và các khu xử lý nước rác, khu xử lý chất thải công nghiệp... tiếp nhận toàn bộ rác của khu vực nội thành và một số huyện ngoại thành Hà Nội. Theo thiết kế ban đầu, năng lực tiếp nhận chất thải của khu này dự kiến trong khoảng 20 năm (từ năm 1999), nhưng với khối lượng rác hiện nay thì điểm thu nhận sẽ phải đóng cửa sớm hơn đến 7 năm. Giám đốc Xí nghiệp Nam Sơn Hoàng Văn Đắc thừa nhận, khi thiết kế chúng ta chưa tính toán được tốc độ đô thị hóa nhanh, phát sinh lượng rác thải quá lớn.
Xử lý khẩn cấp, tạm thời
Có một tình trạng chung ở các khu xử lý chất thải của Hà Nội hiện nay là đã và đang quá tải. Để giải quyết sự cố này, cơ quan chức năng "nghĩ" ra phương án nhanh nhất là nâng cốt hoặc đào thêm ô chôn lấp khẩn cấp, trong khi các dự án mở rộng hoặc triển khai giai đoạn 2, 3... lại chưa thấy dấu hiệu khởi động. Nếu vẫn cứ xử lý theo kiểu "bóc ngắn, cắn dài" như hiện nay thì việc giải quyết vấn đề quá tải chất thải của Hà Nội sẽ không có hồi kết.
Từ năm 2009 đến nay, Hà Nội đang phải chạy đua với rác do quá tải. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.