Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Cũ, mới đều... hoang phế

Đức Trường| 28/02/2011 06:56

Hiện nay, hiện tượng biệt thự bỏ hoang tồn tại ở nhiều khu đô thị đã hoàn thành trên địa bàn Thủ đô. Trong lúc người dân phải xếp hàng dài dằng dặc chờ nộp đơn mua căn hộ cho người thu nhập thấp, thì việc nhiều biệt thự, khu chung cư để hoang phơi mưa phơi nắng là điều không thể chấp nhận, gây bức xúc trong dư luận. Qua loạt bài Nhà "bỏ hoang" giữa lòng Hà Nội, Báo Hànộimới sẽ cùng độc giả tìm hiểu về sự lãng phí biết bao nhiêu tỷ đồng, có những gì phía sau những biệt thự, chung cư đang bị cỏ dại che lấp?

LTS: Hiện nay, hiện tượng biệt thự bỏ hoang tồn tại ở nhiều khu đô thị đã hoàn thành trên địa bàn Thủ đô. Trong lúc người dân phải xếp hàng dài dằng dặc chờ nộp đơn mua căn hộ cho người thu nhập thấp, thì việc nhiều biệt thự, khu chung cư để hoang phơi mưa phơi nắng là điều không thể chấp nhận, gây bức xúc trong dư luận. Qua loạt bài Nhà "bỏ hoang" giữa lòng Hà Nội, Báo Hànộimới sẽ cùng độc giả tìm hiểu về sự lãng phí biết bao nhiêu tỷ đồng, có những gì phía sau những biệt thự, chung cư đang bị cỏ dại che lấp?

Bài 1: Cũ, mới đều... hoang phế

Nhắc đến biệt thự, người Hà Nội nghĩ ngay đến những biệt thự được xây dựng từ trước năm 1954 vốn đã tạo nên một giá trị khác biệt cho Thủ đô. Những năm gần đây, cùng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt và nhu cầu sử dụng của những người có thu nhập cao, nhiều biệt thự mới được dựng lên ở những khu đô thị mới cũng góp phần làm cho bộ mặt đô thị thêm khởi sắc. Tuy nhiên, trên thực tế, trong khi không ít biệt thự cổ giàu giá trị kiến trúc và lịch sử đang bị sử dụng lãng phí, nhiều biệt thự mới lại bị bỏ hoang cũng nằm phơi sương gió.

Biệt thự cũ sử dụng lãng phí

Một chiều cuối xuân, mây mù và mưa phùn giăng mắc khắp phố phường Hà Nội. Căn biệt thự số 5 Lê Phụng Hiểu như tối hơn khi chỉ có ánh đèn tuýp lờ mờ hắt ra từ khung cửa sổ cũ kỹ trên tầng 2. Cố gắng lắm người ta mới đọc được dòng chữ trắng "SỞ NGOẠI VỤ" trên tấm biển xanh bị bụi phủ mờ gắn ngay trước cánh cửa tầng 1 trông ra phía phố Tông Đản. Người dân xung quanh cho biết, tầng 1 của biệt thự này bị bỏ không như thế đã hơn 10 năm nay. Bà cụ hơn 90 tuổi ở trên tầng 2 vốn là người có công với cách mạng. Đã hơn một lần bà kiên quyết không cho người của Sở Ngoại vụ vào tầng 1. Bà không muốn đi đâu cả nhưng cũng không phải giữ để làm của riêng. Bà bảo khi nào bà chết bà sẽ trả lại Nhà nước. Khuôn viên biệt thự có cửa thông ra phố Lê Phụng Hiểu được dùng làm quán lẩu gầu bò.

Một phần của biệt thự số 5 phố Lê Phụng Hiểu hiện là quán lẩu gầu bò. Ảnh: Huyền Linh

Trong khi đó, trước cổng biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo, một người thanh niên đứng trên chiếc thang đang quét những chiếc lá đã mủn trên mái hiên quán phở xuống vỉa hè. Kề bên quán phở, cùng một số nhà, quán cà phê bày đầy bàn ghế nhưng không một người khách. Biệt thự này có hơn một chục hộ đang chen chúc ở tầng 1 nhưng tầng 2 lại đóng cửa để không. Các hộ dân ở tầng 1 đã cơi nới, xây dựng thêm nhiều công trình làm biệt thự bị biến dạng. Nếu nhìn từ ngoài vào không ai còn nhận ra đây là một biệt thự.

Tình trạng sử dụng biệt thự cổ lãng phí, không hợp lý, đan xen sở hữu… làm giảm giá trị kiến trúc và giá trị sử dụng như 2 trường hợp trên không phải là hiếm ở khu vực 4 quận nội thành cũ. Theo thống kê, tổng số biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Hà Nội là 970 căn, trong đó 60% do các công ty kinh doanh nhà trực tiếp quản lý, 30% đan xen sở hữu giữa nhà nước và tư nhân, 10% trụ sở cơ quan nhà nước đan xen với các hộ dân thuê để ở. Gần như tất cả biệt thự này được xây dựng từ trước năm 1954 mang những nét kiến trúc Pháp và đều tọa lạc ở những vị trí đẹp, trên các tuyến phố chính tập trung ở ba khu vực chính: phía đông hồ Trúc Bạch, khu Ba Đình và phía nam khu phố cổ. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, số lượng biệt thự do Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đang quản lý ước khoảng 200 ngôi.

Mặc dù biệt thự là một tài sản có giá trị lớn cả về kinh tế, xã hội lẫn cảnh quan, kiến trúc nhưng lại được sử dụng nhiều mục đích như trụ sở cơ quan, để ở, cửa hàng kinh doanh, thậm chí còn để hoang. Theo một kết quả khảo sát, số biệt thự có 1 đến 2 hộ ở chỉ chiếm khoảng 5% số biệt thự dùng để ở, từ 5 đến 10 hộ có tới hơn một nửa, từ 10 đến 15 hộ chiếm khoảng 40%, cá biệt có biệt thự có tới gần 50 hộ ở. Cùng với gánh nặng thời gian, tình trạng có quá nhiều hộ ở trong một khuôn viên biệt thự và luôn tìm cách cơi nới còn làm cho kết cấu biệt thự hư hỏng, một số không còn giữ được kiến trúc ban đầu. Hai biệt thự được nhắc tới ở trên nằm trong số 80% số biệt thự đã cải tạo, sửa chữa bị biến dạng trong quá trình sử dụng. Số biệt thự còn nguyên trạng chỉ còn 15% và số đã phá đi xây lại là 5%.

Biệt thự mới để hoang phí

Trong khi sự lãng phí trong sử dụng những biệt thự cổ trong nội thành còn chưa được giải quyết thỏa đáng thì không ít biệt thự trong những khu đô thị mới ở các quận nội thành như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông… lại để hoang trong nhiều năm.

Những ngôi biệt thự bỏ hoang nhiều năm tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên). Ảnh: Linh Tâm

Để chứng kiến tận mắt những biệt thự để hoang, ta chỉ cần đi một vòng trên đường Vành đai 3 là đủ. Bắt đầu từ ngã tư đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài về trung tâm qua các khu đô thị Mê Linh, Cienco5, Quang Minh về đến Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Mỹ Đình II, Nam Trung Yên, Trung Yên, Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm, Pháp Vân - Tứ Hiệp, rồi xa hơn là Từ Sơn (Bắc Ninh), trong bất kỳ khu đô thị nào ít hoặc nhiều cũng thấy cảnh biệt thự để hoang.

Ðã có thời khu biệt thự Quang Minh với cơ sở hạ tầng hiện đại, cổng chính hướng ra đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài, một phía tiếp giáp với sông Cà Lồ được đánh giá là nơi sinh sống lý tưởng của những người dân phố muốn tìm một không gian tĩnh lặng hơn. Thế nhưng từ khi được bàn giao tới tay khách hàng vào cuối năm 2006, chỉ một vài căn trong số 400 căn biệt thự ở đây có người ở. Phần còn lại vẫn cửa đóng then cài. Đây đó còn nguyên những căn hộ mới xây thô cỏ dại mọc tới đầu gối.

Xuôi về đường Phạm Văn Đồng, Khu biệt thự Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) dù nằm ngay gần các siêu thị lớn, trường học, bệnh viện, Công viên Hòa Bình song cũng có tới mấy chục biệt thự để hoang từ khi xây xong. Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh có trên 20.000m2 đất nhà biệt thự, được xây dựng từ năm 2003, chủ đầu tư là Công ty Kinh doanh dịch vụ nhà ở Hà Nội (thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội).

Sang Khu đô thị Mỹ Đình I, Mỹ Đình II (huyện Từ Liêm), hàng chục lô đất nền và biệt thự ở những vị trí đẹp bị bỏ hoang mấy năm làm xấu cả một khu đất vốn được định giá cao nhất phía Tây nam Hà Nội. Sau hơn 6 năm, giá đất ở đây vào khoảng 150 triệu đồng/m2, tăng hơn chục lần so với giá gốc. Khu Mễ Trì cũng trong tình trạng tương tự.

Đến khu Trung Hòa - Nhân Chính (Cầu Giấy), hàng chục ngôi biệt thự đang được hoàn thiện dở dang, màu sơn loang lổ để không từ mấy năm mà chẳng mấy khi có người ra vào, ngoại trừ những kẻ "dạt vòm". Vượt qua cầu Dậu, tới Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai), được chứng nhận là khu đô thị kiểu mẫu duy nhất của Hà Nội cũng có nhiều biệt thự để hoang phế từ năm 2004. Thậm chí có căn biệt thự đã biến thành điểm đổ rác không chính thức. Thậm chí, tình trạng còn bi đát hơn khi sang tới Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp.

Sự hoang phí càng bộc lộ rõ hơn ở những khu đô thị ven Hà Nội. Tiếp tục vượt cầu Thanh Trì, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 15km về phía Bắc, Khu đô thị mới Nam Từ Sơn với tấm biển "Một không gian châu Âu trong lòng Hà Nội - Bắc Ninh" cũng tồn tại hàng trăm biệt thự để hoang rêu phủ xanh, cỏ mọc um tùm từ hơn 10 năm nay. Trên thực tế, khu đô thị này chỉ xây xong phần thô và kiến trúc cảnh quan phụ trợ. Hệ thống hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, chợ, khu vui chơi… đều chưa có. Cả khu biệt thự chỉ có vài hộ đang sống.

Sang khu Việt Hưng (Long Biên) hay đi vào Văn Quán, Văn Phú (Hà Đông) cũng gặp tình trạng tương tự. Tuy số lượng biệt thự bỏ hoang mỗi khu mỗi khác, nhưng chúng có một điểm chung là hầu hết biệt thự đều đã có chủ và có giá rất cao. Một người môi giới đất tại khu Việt Hưng chào giá, một căn biệt thự rộng 200m2 đã xây thô, hoàn thiện mặt ngoài và lát mái có giá khoảng 14 tỷ đồng, tương đương 70 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá ở Linh Đàm cỡ 150 triệu đồng/m2, ở Mỹ Đình II cỡ 170 triệu đồng/m2, ở Văn Phú (trên trục chính) 150 triệu đồng/m2… Nếu tính sơ bộ, mỗi căn biệt thự giá lên tới hàng triệu USD.

Câu hỏi đặt ra là ai là chủ những biệt thự này và tại sao họ lại để hoang một tài sản lớn như vậy trong ngần ấy năm?
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Cũ, mới đều... hoang phế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.