Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Có chúng tôi khi Tổ quốc cần

Tuệ Diễm| 29/03/2013 07:21

(HNM) -

Các cựu chiến binh gặp nhau bên Đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988.



Tại Lữ đoàn M125 (Quân chủng Hải quân, đóng tại phường Cát Lái, quận 2 TP Hồ Chí Minh) có một đài tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988. Hằng năm, dù bận đến mấy, nhưng các cựu binh vẫn cùng tìm về đây để thắp nhang tưởng nhớ đồng đội. Năm nay, bên đài tưởng niệm, nhớ về những ngày ở Trường Sa, cố ngăn giọt nước mắt, những cựu binh năm nào cùng giơ tay đồng thanh nguyện rằng: "Chúng tôi sẽ lên đường khi Tổ quốc cần". Mệnh lệnh từ trái tim của những người đã qua thời chinh chiến, khiến lòng người bừng lên niềm tin mãnh liệt về quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương.

Bản lĩnh bộ đội Trường Sa

Bên đài tưởng niệm, chúng tôi đã gặp được 3 cựu binh Trường Sa, mỗi người một nhiệm vụ, như duyên nợ gắn với nhau, cùng chứng kiến những giây phút bi hùng. Lặng hồi lâu trong làn khói hương nhẹ lan trong gió, ông Uông Xuân Thọ năm nay đã 52 tuổi, nguyên là máy trưởng tàu HQ 605 từng bị thương trong trận chiến kể lại với chúng tôi: "Khi tàu HQ 604 bị bắn, thuyền trưởng Lê Thanh Sơn kêu lên: "Thọ ơi, 604 bị bắn rồi, những anh em không có nhiệm vụ cần thiết xuống hầm hàng để tránh thương vong và sẵn sàng chờ lệnh". Tôi nổ máy tàu 605 để lao vào đảo thì bị nã pháo liên tục khiến tàu bị cháy. Hai chiến sĩ bị bỏng nặng và trúng đạn nên hy sinh… Chúng tôi được lệnh rời tàu, để tránh tàu nổ.

Lúc này, trên người ông Hà Hồng Vũ - nguyên là Trung sĩ hàng hải số 1 trên tàu HQ 605 còn độc chiếc quần đùi. Phát hiện có xuồng cứu hộ ở đằng xa ông bèn cởi quần, rồi kêu mọi người tụm lại nâng mình lên cao để vẫy xuồng. Xuồng nhìn thấy tín hiệu, lao đến nơi, con sóng đánh mạnh khiến chiếc quần trên tay của ông Vũ cũng văng mất. Lên đến đảo, không mảnh vải che thân nhưng anh em quên hết, ôm chặt lấy nhau. Từ vụ đó, các chiến sĩ đặt cho ông Vũ biệt danh "Robinson" của đảo Sinh Tồn.

Còn ông Lê Tiến Dũng (nguyên Tiểu đội phó ngành máy của tàu HQ 505) lúc đó được lệnh hạ xuồng đi trong luồng mưa pháo đạn để cứu vớt các chiến sĩ. "Lúc tiếp cận được với chiếc xuồng nhôm của tàu 604, không may xuồng 505 bị chết máy. Tôi cởi áo, đè vào cọc bình và dây đề để máy nổ lại, rồi kéo xuồng cứu sống được hơn 40 chiến sĩ bị thương đem về đảo. Nhưng chỉ được chuyến đầu. Chuyến sau đó, địch nã đạn không cho xuồng tiếp cận để vớt thi hài các chiến sĩ tàu HQ 604 đã hy sinh... Chúng tôi có lỗi với các anh!".

Gọi tên chúng tôi khi Tổ quốc cần


Sau khi rời quân ngũ, ông Thọ, ông Vũ và ông Dũng và nhiều cựu binh khác trụ lại TP Hồ Chí Minh. Người đi đánh cá, người lái tàu thuê, người làm công nhân... Bản lĩnh người lính dũng cảm trong chiến đấu càng phát huy mạnh mẽ trong thời bình. 25 năm trôi qua, với biết bao đổi thay, đến nay cuộc sống của các cựu binh đều khấm khá, dù phải trải qua không ít thử thách. Sau khi ra quân năm 1990, cựu binh Hà Hồng Vũ và Lê Tiến Dũng chung nhau mở quán phở, nhưng chỉ được một năm họ phải đóng cửa, rồi khai trương lại đến 4 lần, cho đến khi cạn vốn ông Vũ quyết định đi xuất khẩu lao động qua Hàn Quốc và theo tàu đi đánh cá tại vùng biển Iran. Còn ông Dũng thì làm công nhân thổi thủy tinh tại TP Hồ Chí Minh rồi lại xuống ga Sóng Thần (Bình Dương) làm công nhân. Hơn chục năm phấn đấu, từ một công nhân, ông Dũng được giao làm tổ trưởng trong Xí nghiệp Vận tải Đường sắt phía Nam. Với nỗ lực cao, năm 2008 ông Dũng được đề bạt làm Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH MTV Đường sắt phía Nam. Điều đáng trân trọng của người cựu binh Trường Sa là sự tận tâm trong công việc, và tinh thần tự học hỏi, không quản ngại khó khăn. Ông Dũng là một tấm gương được rất nhiều công nhân ngưỡng mộ.

Còn ông Vũ, trở về từ Hàn Quốc, có đồng vốn nên ông mạnh dạn mở xưởng sản xuất thú nhồi bông, rồi chuyển sang làm chủ thầu xây dựng. Hơn 10 năm kiên trì dù không ít lần thất bại, ông Vũ đã gây dựng được công ty xây dựng và đầu tư tại quận Bình Thạnh.

Cũng bởi mải mê làm kinh tế nên ông Vũ và ông Dũng đều lập gia đình rất muộn. Những đứa con đầu của họ hiện đang học THPT, đứa nhỏ thì mới bước vào THCS. Không có cơ hội được học hành nhiều nên mọi tình yêu thương, kỳ vọng hai cựu binh đặt trọn vẹn vào các con, nhất là trong chuyện học. Họ cố gắng bươn chải để lo toan cho con đủ ăn, đủ mặc rồi đến một mái nhà rộng rãi, thoải mái, các con được học trường tốt tại TP Hồ Chí Minh. Phần thưởng bù đắp cho chuỗi ngày vất vả làm lụng của các ông bố là con cái của họ đều chăm ngoan, học rất giỏi.

Trong trận hải chiến, cựu binh Uông Xuân Thọ bị thương phải nằm điều trị tại Cam Ranh thời gian khá dài được hưởng chế độ thương binh 4/4 rồi giải ngũ. Mãi đến 4 năm sau, sức khỏe dần hồi phục nên ông Thọ mới được tuyển làm máy trưởng phụ trách tàu hàng viễn dương của một công ty vận tải Nhật Bản. Sau nhiều năm bôn ba, ông Vũ bây giờ đã là Phó phòng Hành chính của Công ty Vận tải Âu Lạc (quận 3) chuyên vận chuyển xăng dầu trong nước và quốc tế. Ông thổ lộ: "Tôi sinh ra trong gia đình có nhiều người là bộ đội hải quân. Bố tôi là Đại tá Uông Xuân Tôn, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Đặc công nước của Lữ đoàn 126, sau đó là Hiệu trưởng Trường Văn hóa Hải quân. Em trai là Đại tá hải quân Uông Xuân Sơn đang làm việc tại Tân Cảng Sài Gòn. Khi Tổ quốc cần thì chẳng có lý do gì để cản tôi tiếp tục làm nhiệm vụ 25 năm trước từng cáng đáng!".

Tiếp nối truyền thống gia đình, cô con gái của cựu binh Uông Xuân Thọ có ý định nộp đơn thi vào trường quân sự. Không ngăn cản, không sợ con gái gặp khó khăn trên đường binh nghiêp, nhưng ông Thọ góp ý: "Con hãy học ngành ngoại giao, đây cũng là một con đường, một nhiệm vụ quan trọng đối với đất nước và là cách ngăn ngừa chiến tranh".

Theo nguyện vọng của bố, con gái của máy trưởng tàu HQ 604 năm xưa đang du học thạc sĩ ngành ngoại giao tại Anh với suất học bổng toàn phần.

Cựu binh Lê Tiến Dũng, sinh ra trong gia đình truyền thống nhà binh. Bố và 4 anh trai đều theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường làm nhiệm vụ. Trong đó, một người anh trai đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bao nhiêu năm qua, nỗi đau mất đi người anh và nỗi ám ảnh chứng kiến đồng đội hy sinh trong trận chiến năm 1988 là một ký ức buồn lắng đọng trong tâm trí ông. Hơn ai hết, ông hiểu được giá trị của hòa bình phải đổi bằng máu xương của chính người thân trong gia đình, và của các đồng đội. "Bảo vệ hòa bình, chủ quyền biển đảo nếu phải giải quyết bằng vũ lực, chúng tôi sẽ cầm súng, nếu né sợ thì có lỗi với anh trai tôi, đồng đội tôi đã hy sinh để bảo vệ đất nước" ông Dũng tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Có chúng tôi khi Tổ quốc cần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.