LTS: Ở nhiều nơi, công tác tổ chức lại hợp tác xã (HTX) theo luật vẫn còn
Bài 1: Chuyển đổi nhưng chưa thay đổi
Luật HTX 2012 ra đời với kỳ vọng "thay áo mới" để HTX thật sự trở thành "ngôi nhà ấm" của hàng triệu nông dân, đem đến cơ hội sản xuất, tiêu thụ nông sản, các dịch vụ công ích ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, hoạt động của HTX vẫn đang vấp phải hàng loạt khó khăn, bất cập.
Dây chuyền sản xuất bao bì tại HTX Công nghiệp Song Long. Ảnh: Huy Hùng |
Chậm đổi mới phương thức hoạt động…
Hiện nay, cả nước có hơn 7,3 triệu thành viên HTX, trong đó có 6,7 triệu hộ gia đình, cá nhân là thành viên HTX nông nghiệp (khoảng 45% trên tổng số hộ). Giá trị sản xuất, kinh doanh khoảng 1 tỷ đồng/HTX/năm. Lợi nhuận bình quân đạt khoảng 200 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. Đa số HTX nông nghiệp đang thực hiện các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở nông thôn, là thành phần không thể thiếu trong khu vực tam nông, với vai trò bà đỡ cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp…
Xác định rõ vai trò quan trọng của HTX trong đời sống xã hội, Nhà nước đã có nhiều chính sách cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT), đặc biệt là đổi mới các HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX đang đặt ra không ít vấn đề. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay, 80% số HTX hoạt động trung bình và yếu; 9,7% HTX hoạt động kém hoặc ngừng hoạt động. Trong khi đó, số HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012 để có thể hoạt động tốt hơn không nhiều. Đến hết năm 2015 mới có khoảng 29,4% HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX, trong đó HTX kiểu cũ đã đăng ký lại hoạt động chỉ chiếm 18,9%. Phần lớn HTX nông nghiệp chưa thay đổi phương thức hoạt động, tư duy còn nặng về hành chính, bao cấp. Đa số HTX nông nghiệp mới tập trung cho dịch vụ đầu vào của sản xuất nông nghiệp như: Cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thủy lợi nội đồng…, nhiều dịch vụ quan trọng khác như: Bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa được quan tâm. Hiện nay số HTX thực hiện việc bao tiêu nông sản cho nông dân mới đạt khoảng 10%. Chưa kể có một số HTX được hình thành không đúng bản chất HTX theo luật quy định, chủ yếu là để hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ: Đã có không ít HTX tổ chức lại hoạt động nhưng vẫn lúng túng trong việc tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho xã viên. Bản thân xã viên cũng chưa nhận thức được trách nhiệm đóng góp vốn, trí tuệ, công sức để vực dậy HTX phát triển nên chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện nay, nhiều HTX nông nghiệp đang gặp khó khăn trong định hướng hoạt động và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh; đồng thời thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên nên hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp còn hạn chế, lợi ích mang lại cho thành viên chưa cao nên người nông dân chưa nhiệt tình tham gia, chưa coi HTX là "nhà của mình". Người nông dân đa số vẫn phải "tự làm, tự bán", dẫn đến rủi ro cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ nhiệm HTX RAT Tiền Lệ, xã Tiền Yên (Hoài Đức) cho rằng: Khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay không phải ở các khâu dịch vụ đầu vào mà chính là lo đầu ra của sản phẩm cho xã viên. HTX mới chỉ bao tiêu được 30% sản phẩm, còn lại xã viên vẫn tự lo, vì thế tiếng nói của HTX trong việc chỉ đạo sản xuất với nông dân chưa lớn.
Thiếu năng lực cạnh tranh
Ông Đỗ Quốc Bảo, Liên minh HTX Hà Nội nhận định: Nhận thức về vai trò của HTX nông nghiệp của các cấp, các ngành và chính người nông dân chưa đúng với bản chất của HTX theo luật năm 2012. Các quy định về tổ chức hoạt động, tài sản và sở hữu đối với tài sản của HTX và của từng thành viên cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, đặc biệt là trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành đối với HTX nông nghiệp còn chung chung gây tâm lý e ngại cho người dân khi tham gia HTX. Thực trạng nguồn vốn, quỹ của các HTX nông nghiệp cũng là một vấn đề. Mức vốn bình quân của các HTX nông nghiệp thấp và chủ yếu là tài sản cố định đã sử dụng lâu năm, nhà xưởng và thiết bị xuống cấp, lạc hậu. Việc huy động vốn từ thành viên cũng gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của HTX.
Theo Bộ NN&PTNT, tiến độ đăng ký lại hoạt động HTX rất chậm, hiện mới đạt 18,9%. Như vậy chắc chắn đến ngày 1-7-2016 không thể hoàn thành việc đăng ký lại HTX theo yêu cầu của luật. Việc củng cố, phát triển hoặc giải thể các HTX hoạt động yếu kém cũng chưa được thực hiện triệt để và hiệu quả. Một số địa phương đã thực hiện chuyển đổi và đăng ký lại hoạt động của các HTX nhưng kết quả không được như mong muốn. Ngoài tiến độ chậm vẫn còn tình trạng thực hiện đăng ký lại hoạt động của các HTX một cách hình thức nên tình trạng "bình mới, rượu cũ" vẫn tiếp tục diễn ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.