Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Báo cáo một đằng, thực tế một nẻo

Hà Phong| 30/03/2014 06:00

LTS: Cả nước có trên 240.000 người đã được trợ giúp pháp lý trong hai năm trở lại đây. Con số này quá thấp so với nhu cầu thực tế...

LTS: Cả nước có trên 240.000 người đã được trợ giúp pháp lý (TGPL) trong hai năm trở lại đây. Con số này quá thấp so với nhu cầu thực tế. Một trong những nguyên nhân quan trọng là không ít cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) dù được coi là lực lượng chủ công trong tuyên truyền phổ biến pháp luật về TGPL chưa quan tâm hoặc tạo ra những rào cản không cần thiết. Báo Hànộimới có loạt bài phản ánh, phân tích những vấn đề đặt ra đối với công tác TGPL hiện nay.

Bài 1: Báo cáo một đằng, thực tế một nẻo

Đến nay, hầu hết cơ quan tố tụng đã công bố kết quả thực hiện Luật TGPL và Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 28-12-2007. Điểm chung là hoạt động tố tụng bước đầu đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là tại Hà Nội. Song thực tế không phải như vậy.

Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội trợ giúp pháp lý miễn phí cho công dân trên địa bàn thành phố.


Mới tập trung vào đối tượng chưa thành niên

TGPL bao gồm các hoạt động tư vấn pháp luật, hòa giải, đại diện, bào chữa, kiến nghị… miễn phí của Nhà nước và xã hội cho người nghèo, đối tượng chính sách theo quy định của pháp luật nhằm giải tỏa vướng mắc, nâng cao nhận thức để đối tượng này tự biết cách ứng xử phù hợp, thực hiện pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Thống kê những năm gần đây cho thấy, số lượng người được TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn Hà Nội ngày càng tăng: Năm 2012, có 335 vụ việc; năm 2013, con số này là 465 vụ việc.

TGPL trong hoạt động tố tụng đã đem lại những hiệu quả nhất định trong việc chứng minh sự vô tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; trẻ em bị xâm hại, ngược đãi, phụ nữ bị xâm hại tình dục... góp phần bảo đảm tính khách quan trong hoạt động điều tra, xét xử. Song bên cạnh những đơn vị nỗ lực dồn toàn tâm, toàn lực cho hoạt động này, vẫn còn một số CQTHTT chưa coi đây là trách nhiệm phải thực hiện. Qua kiểm tra ngẫu nhiên 39 CQTHTT của một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cho thấy, năm 2013, chỉ có 13 đơn vị tích cực phối hợp cùng các cơ quan liên quan trong việc chứng minh sự vô tội, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên; bảo vệ quyền lợi trẻ em bị xâm hại, ngược đãi. Đó là CA các quận, huyện: Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Trì; VKSND các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Đống Đa; TAND các quận, huyện: Từ Liêm, Đông Anh, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Tuy nhiên, các đối tượng được TGPL mới chủ yếu thuộc diện người chưa thành niên. Người nghèo, người có công với cách mạng, người già cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật… được TGPL rất ít. 11/39 đơn vị chưa quan tâm đến công tác TGPL hoặc phối hợp nhưng còn mang tính hình thức nên số đối tượng được TGPL rất thấp so với tổng số vụ việc đơn vị đã khởi tố, thụ lý và giải quyết. Đáng lưu ý, 15/39 đơn vị không có số liệu báo cáo thống kê về vụ việc và số người được TGPL là CA các huyện, thị xã: Ba Vì, Đông Anh, Sơn Tây; VKSND các quận, huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Đông Anh, Mỹ Đức, Ba Đình, Cầu Giấy, Từ Liêm; TAND các quận, huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì, Hoàn Kiếm, Ba Đình.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, công tác TGPL cũng còn những hạn chế. Hiện tỷ lệ người dân biết về quyền được TGPL trên địa bàn khoảng 65%. Rất nhiều hồ sơ, bản hỏi cung các vụ việc có luật sư cộng tác viên tham gia TGPL nhưng cũng chỉ có chữ ký luật sư chứng minh rằng có chứng kiến chứ không nêu lên bất kỳ câu hỏi hoặc dòng chữ nhận xét nào. Trong khi đó, đáng lẽ điều tra viên phải đồng ý để luật sư cộng tác viên tham gia cùng hỏi và ghi vào biên bản mới bảo đảm phần nào quyền bào chữa của bị can và việc tham gia của luật sư trong giai đoạn điều tra sẽ không mang tiếng chỉ là hình thức. Lại có những trường hợp, qua quá trình kiểm tra lý lịch bị cáo tại phiên tòa, hội đồng xét xử mới biết bị cáo thuộc trường hợp được TGPL nhưng lại không có luật sư bào chữa tại tòa. Đa số bị cáo lâm vào cảnh này ở các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi…

Cản trở từ chính cơ quan tiến hành tố tụng

Giải thích về tình trạng nhiều trường hợp thuộc diện được TGPL nhưng chưa có trường hợp nào được TGPL hoặc TGPL thiếu đồng bộ tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng cho rằng, đó là do nhận thức của chính cơ quan tiến hành tố tụng có "vấn đề". Nhiều trường hợp còn nhầm lẫn giữa quyền được TGPL với quyền được chỉ định luật sư bào chữa. Việc hướng dẫn, giải thích cho người bị tạm giam, tạm giữ, bị can, bị cáo và các đương sự khác biết về quyền được TGPL và hướng dẫn họ tiếp cận các thông tin về TGPL của các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán có thực hiện nhưng chưa thường xuyên, chưa đầy đủ và rõ ràng nên còn nhiều người chưa biết về quyền được TGPL, chưa được TGPL theo quy định của pháp luật. Dù vậy, nhiều nơi lại không ghi trong biên bản tố tụng vấn đề này để lưu tại hồ sơ vụ án nên rất khó quy trách nhiệm.

Song, về mặt khách quan cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, dù có nhiều cố gắng nhưng công tác truyền thông về TGPL chưa đạt hiệu quả cao, nhiều người dân chưa biết đến quyền được TGPL. Mặt khác, do hiểu biết pháp luật của người dân nhìn chung còn có nhiều hạn chế, tâm lý e dè, lo ngại trước CQTHTT khá phổ biến dẫn đến nhiều trường hợp từ chối quyền TGPL. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng đối tượng được TGPL còn rất ít, hiệu quả công tác TGPL trong hoạt động tố tụng còn chưa cao.

Với các bất cập tại TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh Hà Phước Tài nhận định, lý do không thể không nhắc đến là nhận thức về hoạt động TGPL trong hoạt động tố tụng của một số CQTHTT tuy được nâng lên nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp trong công tác TGPL trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không chỉ có vậy.

Viện trưởng Viện KSND huyện Đông Anh (Hà Nội) Đỗ Dương Toàn:

Vướng mắc hiện nay ở Đông Anh là người được giao nhiệm vụ tiến hành tố tụng chưa coi việc giải thích pháp luật cho các bị can, bị cáo, đương sự tham gia tố tụng hiểu và biết rõ họ có quyền được hưởng TGPL theo Luật TGPL và Thông tư số 10/2007/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC là trách nhiệm bắt buộc. Ngay cả thông tư nêu trên cũng thiếu quy định về công tác phối hợp. Đơn cử, việc cung cấp các quyết định tố tụng cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý khi tham gia tố tụng chưa rõ ràng, cụ thể. Vì vậy, trong thực hiện còn nhận thức khác nhau về nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp các quyết định cho luật sư.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Báo cáo một đằng, thực tế một nẻo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.