(HNMO) - Một tòa án ở Bahrain hôm qua (4/10) đã kết án 26 người với mức án từ 5-15 năm tù giam về các tội liên quan đến cuộc bất ổn chính trị gần đây, phương tiện truyền thông nhà nước cho biết.
Tuần trước, một nhóm 20 bác sĩ bị giam giữ trong các cuộc biểu tình đã bị kết án về âm mưu lật đổ chính phủ và nhận án phạt tù từ 5-15 năm, một quyết định bị các nhóm nhân quyền và cộng đồng quốc tế lên án.
Chính phủ Bahrain đã ban hành một tuyên bố nói rằng, 26 bị cáo bị kết án hôm qua không bị xét xử về tội biểu tình, mà về tội cố gắng giết người và bắt cóc, bao gồm cả "những cuộc tấn công tàn bạo vào cảnh sát và người nước ngoài" trong suốt cuộc bạo loạn hồi tháng 3.
Trong một vụ, 9 nhà hoạt động bị bỏ tù 15 năm vì cáo buộc bắt cóc một viên cảnh sát, sử dụng vũ lực chống lại người này và đe dọa gây tổn hại vì các mục đích khủng bố, Thông tấn xã nhà nước Bahrain đưa tin, trong khi 3 người đã được trắng án.
Trong vụ thứ 3, 14 người khác bị kết án từ 5-10 năm vì bị cáo buộc thúc đẩy việc lật đổ chính phủ và thay đổi hệ thống chính trị bằng cách sử dụng vũ lực và "các phương tiện bất hợp pháp", trong đó có việc tổ chức các cuộc nổi loạn và biểu tình bất hợp pháp, kêu gọi đình công trong giờ làm việc và chống lại việc bắt giữ, hãng thông tấn cho biết.
Họ cũng bị cáo buộc chuyển "các hình ảnh và cảnh tự chế" cho các tổ chức truyền thông bên ngoài với mục đích làm tổn hại danh tiếng của Bahrain, hãng thông tấn cho biết. 9 bị cáo khác đã được tuyên vô tội.
Tuyên bố của chính phủ Bahrain cho biết, phiên toà an ninh quốc gia có sự tham dự của đại diện các tổ chức nhân quyền và các phương tiện truyền thông, cũng như gia đình của cả các nạn nhân và bị cáo.
Án có thể được kháng cáo tại tòa án dân sự, Tòa án giám đốc thẩm, tuyên bố thêm.
Lên án quyết định tuần trước về việc bỏ tù 20 bác sĩ, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ "vô cùng băn khoăn" về việc này và kêu gọi chính phủ Bahrain tiến hành các phiên xử công bằng, tiếp cận với các luật sư và sự minh bạch tư pháp.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Bahrain trong nhiều tháng bất chấp một cuộc đàn áp bởi chế độ quân chủ Sunni, được hỗ trợ bởi quân đội từ Ả rập Xê út và Các tiểu vương quốc Ả rập.
Hơn 30 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.
Các nhóm đối lập cho biết, hơn 1.000 người - chủ yếu là người Shiite - đã bị giam giữ và hơn 2.000 đã bị mất việc làm vì bị cáo buộc tham gia vào các cuộc biểu tình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.