Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) hôm nay 3-10 vừa công bố top 5 thị phần môi giới hàng hóa và top 10 mặt hàng giao dịch nhiều nhất trong quý III-2024, trong đó, bạch kim là sản phẩm được giao dịch nhiều nhất.
Cụ thể, theo số liệu từ MXV, bảng xếp hạng thị phần quý III vẫn ghi nhận sự hiện diện của nhiều cái tên quen thuộc, tuy nhiên, thị phần của từng thành viên đã có sự biến động rõ rệt.
Theo đó, Công ty cổ phần Giao dịch Hàng hóa Gia Cát Lợi tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về thị phần môi giới giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.
Tiếp theo là Công ty CP Giao dịch Hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh (HCT), Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Hữu Nghị (Finvest), Công ty cổ phần Saigon Futures và Công ty cổ phần Giao dịch Hàng hóa VMEX.
Trong quý III, khối lượng giao dịch của các mặt hàng cũng có những thay đổi đầy bất ngờ. Sự dịch chuyển này phản ánh những biến động trong nhu cầu và chiến lược đầu tư của thị trường, khi nhiều mặt hàng vốn ổn định trước đây bất ngờ sụt giảm, nhường chỗ cho những mặt hàng khác.
Theo đó, thị trường chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của các mặt hàng kim loại. Đáng chú ý, mặt hàng bạch kim liên thông với Sở NYMEX đã có màn bứt tốc ngoạn mục khi trở thành sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 21,5% khối lượng giao dịch tại MXV.
Mặt hàng đồng Micro vươn lên vị trí số 3 trong bảng xếp hạng quý này với tỷ trọng 8,0%. Còn đồng và bạc Micro cũng lần lượt chiếm giữ vị trí số 7 và 9 với 5,7% và 5,2% khối lượng.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV cho biết, các mặt hàng kim loại ngày càng được ưa chuộng bởi các nhà đầu tư khi có đến 4 mặt hàng của nhóm nằm trong top 10. Thị trường kim loại quý được hưởng lợi trong giai đoạn theo dõi sát động thái hạ lãi suất quy mô lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
“Đà tăng này của kim loại quý có thể sẽ còn tiếp diễn sang quý IV khi những áp lực vĩ mô dần được xoa dịu và chu kỳ cắt giảm lãi suất mới sẽ có tác động nhất định lên thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu”, ông Quỳnh nêu.
Xếp sau bạch kim, mặt hàng đậu tương liên thông với Sở Chicago chiếm tỷ trọng 12,7% và đứng thứ hai trong các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trong quý III. Khô đậu tương, dầu đậu tương tiếp tục ở vị trí số 6 và số 8.
Các vị trí xếp sau là lúa mì và cà phê Robusta lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 với 7,1% và 6,8% tổng khối lượng giao dịch. Cà phê Arabica chốt lại bảng xếp hạng top 10 mặt hàng được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam quý III với tỷ trọng 5,1%.
Nhiều chuyên gia nhận định, quý IV-2024, giá cả hàng hóa sẽ biến động mạnh do căng thẳng địa chính trị gia tăng, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan…
Đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp, thời tiết sẽ là yếu tố chính tác động lên thị trường. Với cà phê, giá sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước do nguồn cung từ hai thị trường sản xuất cà phê lớn nhất là Brazil và Việt Nam dự kiến đều sụt giảm do thời tiết xấu.
Nhóm năng lượng tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi yếu tố vĩ mô và tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông. Trong khi đó, kim loại dự kiến sẽ giữ đà tăng nhờ những chính sách mới của các nước lớn nhằm thúc đẩy kinh tế tránh rơi vào suy thoái. Fed đã chính thức xoay trục sang nới lỏng chính sách tiền tệ và nhiều khả năng sẽ có thêm một đợt cắt giảm lãi suất nữa vào cuối năm nay. Điều này sẽ tạo sức ép lớn lên đồng USD, qua đó hỗ trợ giá kim loại tăng cao, đặc biệt là nhóm kim loại quý vốn nhạy cảm với các yếu tố vĩ mô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.