(HNM) - Chào mừng 60 năm Giải phóng Thủ đô (1954 - 2014), chúng tôi, những nhà khoa học rất vinh dự được biên soạn bộ sách như một công trình văn hóa phi vật thể để kỷ niệm ngày lễ trọng đại.
Công trình do TS Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm cố vấn. Ban chủ nhiệm Bách khoa thư là một tập thể gồm 7 thành viên do GS Lê Xuân Tùng làm Chủ nhiệm, Phó GS.TS Nguyễn Đức Khiển - Phó Chủ nhiệm, cùng các thành viên khác (*). Tham gia biên soạn còn có khoảng 100 nhà khoa học ở trung ương, Hà Nội và đặc biệt ở vùng Hà Nội mở rộng.
Năm 2010, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một tập thể các nhà khoa học đã đánh dấu ngày lễ trọng đại này bằng việc cho ra mắt bộ Bách khoa thư Hà Nội (theo địa giới hành chính cũ), gồm 18 tập, khoảng 8.000 trang in khổ A4. Sau khi xuất bản bộ sách trên, nỗi day dứt của các nhà lãnh đạo thành phố cũng như của các nhà khoa học chúng tôi là tại sao phần Hà Nội mở rộng của Thủ đô lại chưa có Bách khoa thư? Như vậy là về mặt văn hóa và khoa học thiếu vắng một vùng "địa linh nhân kiệt", còn về mặt chính trị xã hội mất đi sự cân bằng. Vì vậy tháng 6 năm 2011, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội ra quyết định biên soạn Bách khoa thư Hà Nội - phần Hà Nội mở rộng và quyết định thành lập Ban chỉ đạo.
Năm 2012, chúng tôi lựa chọn các tác giả và hình thành tổ chức các tiểu ban và bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Ban chủ nhiệm. Năm 2013, chính thức bắt tay biên soạn 14 tập Bách khoa thư. Theo đề cương đã trao đổi và thống nhất, 14 tập bao gồm: Địa lý, lịch sử - chính trị - pháp luật, kinh tế, khoa học và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục, văn học, nghệ thuật, du lịch, tín ngưỡng - tôn giáo, phong tục - lễ hội, di tích - bảo tàng, y tế, thể dục - thể thao. Nội dung các đề tài bao quát một thời gian khá dài, từ năm 1010 đến năm 2008 (năm hợp nhất với Thủ đô). Không gian khảo sát và trình bày là vùng Hà Nội mở rộng, trong đó trọng tâm là tỉnh Hà Tây.
Điều đáng nói về các tập sách ở chỗ, đây là lần đầu tiên trên vùng đất này có các tập sách chuyên đề trình bày tương đối có hệ thống, xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, nội dung phong phú, dựa trên các nguồn tài liệu được công bố chính thức và kiểm chứng.
Các tập sách không những tôn vinh vẻ đẹp kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này mà còn liệt kê các di tích văn hóa và cách mạng nổi tiếng cả nước. Các tập sách cũng làm sáng tỏ truyền thống tốt đẹp bao đời của nhân dân trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng kinh tế, sản xuất kinh doanh, xuất hiện các kinh nghiệm làm ăn tốt được đúc kết, các tay nghề thợ giỏi, sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Ở vùng đất này, anh hùng hào kiệt thời nào cũng có, làm rạng danh quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, các tập sách cũng chỉ ra những mặt chưa hoàn thiện, những cái còn lạc hậu phải xóa bỏ hoặc cải tiến để theo kịp thời đại.
Đây là những tập sách rất bổ ích cho những ai đọc nó, nhất là các trường học, viện nghiên cứu, người lao động, nhà lãnh đạo quản lý, các nhà nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Hà Nội học… Các tác giả mong các tập sách sẽ đến với mọi người, nhưng có mặt chưa chắc đã làm hài lòng độc giả vì mới biên soạn lần đầu, trình độ biên tập có hạn, thời gian biên soạn còn ngắn, hy vọng khi tái bản, những thiếu sót trên sẽ được bổ sung, sửa chữa.
Nhân kỷ niệm ngày lễ trọng đại này, chúng tôi sẽ cho ra mắt một số tập đầu tiên, các tập còn lại sẽ tiếp tục được xuất bản trong năm 2015. Người ta nói "Bách khoa toàn thư là vua của các công cụ (tra cứu, tìm kiếm), là trường học không có tường bao, là ngân hàng thông tin tại nhà đáng tin cậy…". Nhận xét đó mong một phần sẽ trở thành hiện thực khi các độc giả kính mến tiếp xúc với bộ sách này.
Tháng 10-2014
- - - - - - - -
(*) TS Đinh Hạnh, Phó GS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó GS.TS Nguyễn Chí Mỹ, TS.Lê Xuân Rao, nhà thơ Lại Hồng Khánh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.