(HNMO) - Từ đêm nay (22-9) đến ngày 24-9, thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cơ quan phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định sau được tăng cường yếu trở lại, kết hợp rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Trung Bộ có xu hướng nâng trục dần lên phía Bắc nên từ đêm nay đến ngày 24-9, thành phố Hà Nội có mưa rào và dông, có nơi mưa vừa, mưa to; tổng lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi lớn hơn. Trong mưa dông, người dân Thủ đô đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Các nơi còn lại thuộc khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi cao hơn 150mm. Đặc biệt, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi cao hơn 400mm. Đợt mưa này tại các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế và khu vực Đồng bằng Bắc Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 25-9.
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên không khí lạnh năm nay có thể hoạt động sớm và mạnh hơn bình thường. Thời điểm hiện tại, đợt không khí lạnh yếu ảnh hưởng đến nước ta kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới cùng hoạt động của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao có thể gây mưa to đến rất to và dông tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ như nêu trên. Các tỉnh, thành phố đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại vùng núi và ngập úng tại những khu vực trũng, thấp.
Để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, ngày 22-9, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Trị theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo, thông tin, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên tới các cấp chính quyền, nhân dân; đồng thời chỉ đạo cơ quan thông tin truyền thông tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố rà soát phương án ứng phó tình huống mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn để sẵn sàng triển khai khi xảy ra tình huống; lưu ý các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân ở các khu vực nguy cơ cao, ở hạ du hồ chứa, an toàn đê điều, hồ đập, giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.