Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bác sĩ tại nhà: F0 phải làm gì khi bị ho, sốt?

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà| 02/01/2022 05:52

(HNMCT) - Hỏi: Thưa bác sĩ, gia đình tôi có người thân mới phát hiện dương tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện được điều trị, cách ly tại nhà. Vậy xin được hỏi người nhà phải làm gì khi họ bị ho, sốt, khó thở? - Đặng Thanh Lan

(Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội)

Đáp: Là F0, đối với người lớn, nếu sốt >38,5°C hoặc đau đầu, đau người nhiều, cần uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại sau mỗi 4 - 6 giờ, ngày không quá 4 viên; uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

Đối với trẻ em, nếu sốt >38,5°C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần mà không đỡ, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà để xử lý. Nếu F0 bị ho, có thể dùng thuốc giảm ho và dùng thêm vitamin theo đơn thuốc của bác sĩ.

Nếu người bệnh cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi >20 lần/phút hoặc đo SpO2 ≤ 96%) thì phải liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.

Với F0 đang điều trị tại nhà, nếu thấy một trong các dấu hiệu sau thì phải báo ngay cho nhân viên y tế:

- Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường, thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít.

- Nhịp thở tăng: Người lớn có nhịp thở ≥21 lần/phút; trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥40 lần/phút; trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥30 lần/phút.

- Các chỉ số sinh tồn khác bất thường như chỉ số bão hòa oxy máu giảm: SpO2 < 96%; Mạch nhanh >120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa <90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg.

- Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức, lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, ly bì khó đánh thức, co giật.

- Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn; trẻ có biểu hiện sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hà
(Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương,
Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bác sĩ tại nhà: F0 phải làm gì khi bị ho, sốt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.