(HNM) - Vượt qua nửa vòng trái đất, năm 2008 Giáo sư, bác sĩ Payam Nahid, Trưởng phòng Khám hô hấp và hen, Khoa Phổi và chăm sóc tích cực - Bệnh viện Đa khoa San Francisco, Trường Đại học California, Sanfrancisco (Mỹ) đã đến Việt Nam để tham gia vào cuộc chiến chống lao.
Là chuyên gia đầu ngành về bệnh phổi trên thế giới, những năm qua bác sĩ Payam Nahid đã dành nhiều thời gian và tâm huyết để xây dựng mạng lưới nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho Bệnh viện Phổi Hà Nội và các tổ chống lao của 7 trung tâm y tế, cùng với mạng lưới chống lao các phường, xã của Việt Nam. Bác sĩ Payam Nahid là người đã góp phần không nhỏ trong việc đưa điểm nghiên cứu lâm sàng của Hà Nội đứng thứ hai trong số 20 điểm nghiên cứu lâm sàng của Liên minh Thử nghiệm lâm sàng lao quốc tế. Thế nhưng, câu chuyện thực tế ở Việt Nam mà bác sĩ Payam Nahid chia sẻ trong buổi lễ đón nhận danh hiệu cao quý tại Hà Nội mới đây khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ về căn bệnh truyền nhiễm này.
Bác sĩ Payam Nahid vừa được trao tặng danh hiệu "Công dân danh dự Thủ đô" năm 2014. |
Bác sĩ Payam Nahid nói: "Hãy tưởng tượng nếu hôm nay chúng ta ngồi đây để nói về một vụ tai nạn máy bay ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của toàn bộ những người vô tội có mặt trên chuyến bay. Chúng ta đều sẽ rất đau buồn và sốc vì đây là thảm họa không thể chấp nhận được. Thế nhưng có một điều không phải ai cũng biết, theo thống kê của Chương trình chống lao quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có gần 20.000 người chết vì bệnh lao. Con số này tương đương với một chiếc máy bay chở đầy hành khách bị tai nạn mỗi tuần! Như vậy, một năm Việt Nam có tới 52 chiếc máy bay bị tai nạn, vì mỗi tháng có khoảng 1.600 người chết vì bệnh lao. Giống như những hành khách trên máy bay bị tai nạn, những người bị mắc và chết vì lao là những người vô tội. Họ không hề vi phạm pháp luật. Đây là điều thật sự đau buồn". Bác sĩ Payam Nahid nhấn mạnh, lao là một bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn và cũng hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Để một Việt Nam không có bệnh lao và không có người chết vì bệnh lao đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả mọi người.
Bác sĩ Payam Nahid băn khoăn: "Từ khi tôi bắt đầu chương trình chống lại bệnh lao ở Việt Nam, đến nay đã có nhiều điều thay đổi nhưng vẫn còn nhiều điều không thay đổi. Thay đổi đầu tiên là khả năng thực hiện các nghiên cứu bệnh lao của Việt Nam với chất lượng cao hơn so với thời điểm khi tôi mới đến. Tuy nhiên vẫn còn những điều chưa thể thay đổi được. Đó là bệnh lao vẫn tiếp tục hoành hành và gây ra nhiều cái chết thương tâm, với số lượng không giảm so với khi tôi mới đến Việt Nam". Vì thế, một trong những công việc sắp tới của bác sĩ Payam Nahid cùng các cộng sự của mình là tiếp tục nâng cao năng lực cho các cán bộ, y, bác sĩ tham gia chương trình chống lao. Ông cũng hy vọng trong tương lai không xa sẽ nghiên cứu và đưa ra những phương pháp chẩn đoán, phác đồ điều trị mới nhằm phòng chống căn bệnh chết người này. Một trong những công việc trước mắt của ông là sẽ thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 lớn nhất từ trước tới nay về tác dụng của thuốc chống lao cho bệnh nhân lao nhạy với thuốc, để đánh giá hai phác đồ điều trị nhằm rút ngắn thời gian điều trị bệnh. Cũng trong năm nay, ông cũng sẽ phối hợp với Trường Đại học Stanford (Mỹ) và Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đánh giá phương pháp xét nghiệm sinh học phân tử mới để phát hiện trực khuẩn lao trong mẫu đờm bệnh nhân, chuyển hướng theo dõi kết quả điều trị bệnh nhân sang phương pháp mới thay vì phương pháp nuôi cấy truyền thống.
Năm 2015 là năm Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Là một người Mỹ làm việc tại Việt Nam, bác sĩ Payam Nahid cảm thấy vui mừng vì điều đó. Ông cho biết: "Chúng ta đang sống trên một hành tinh, cùng đương đầu với nhiều vấn đề chung và tôi vui mừng khi hai nước thường xuyên trao đổi hợp tác để phát triển hơn nữa. Với danh hiệu cao quý vừa được TP Hà Nội trao tặng, tôi sẽ tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của tình hữu nghị Việt Nam - Mỹ, đặc biệt trong cuộc chiến chống lại bệnh lao của Việt Nam".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.