Chính trị

Bác ơi! Tết đến! Giao thừa đó!

KIỀU NHẬT MINH 09/02/2024 23:00

Tết đến, xuân về, dù gia cảnh sang-hèn, nhà nhà đều có đào sắc đỏ, mai vàng, chậu hoa cảnh, cây quất thế, trên ban thờ gia tiên ngát khói hương là mâm ngũ quả, bánh chưng xanh. Một lễ nghi truyền thống của lớp lớp cháu con tri ân công đức các bậc thánh nhân, tiên tổ đã có công dựng nước, giữ nước và dưỡng dục các thế hệ hậu sinh.

Đêm Giao thừa, thời khắc giao hòa trời đất giữa năm cũ và năm mới, các công dân đất Việt thời đại Hồ Chí Minh còn mãi một kỷ niệm đẹp, một khát vọng, ai nấy mở to radio đón đợi giọng đọc Thơ chúc Tết của Bác Hồ - một tập quán đạo đức, linh thiêng ngày đầu năm mới.

hanoi.jpg
Pano, áp phích chào đón năm mới trước trụ sở UBND thành phố Hà Nội. Ảnh: Chinhphu.vn

1. Tết này - Xuân Giáp Thìn năm 2024 cũng vừa tròn 55 mùa xuân Bác Hồ về với các bậc tiên tổ (1969-2024). Bác đi xa, không chỉ mang theo vĩnh viễn một bộ óc vĩ nhân, một trái tim lớn cùng chung nhịp đập với nhân loại và dân tộc, mà chúng ta phải gánh chịu nỗi đau, mất đi một nhà thơ cách mạng lỗi lạc - Hồ Chí Minh.

Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước sau ba chục năm bôn ba khắp mấy châu lục, Người đi tìm đường cứu nước. Tết đó, Bác có Thơ chúc Tết đầu tiên, Xuân Nhâm Ngọ 1942 và những năm sau, Bác có nhiều bài thơ chúc Tết. Trước lúc đi xa, Bác có Thơ chúc Tết Xuân Kỷ Dậu 1969, lời thơ như lời hịch non sông, động viên quân, dân: “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.

Vâng! Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Bác, quân và dân ta triệu người như một, đồng lòng, nhất tề xốc tới, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu non sông về một mối. Cả nước lại chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc “xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

55 năm đã qua, Tết vẫn đến, xuân vẫn về, Giao thừa vẫn diễn ra nhưng dải đất hình chữ S đã mãi mãi vắng đi lời thơ, giọng đọc ấm áp của Bác Hồ. Mỗi chúng ta luôn nhớ đến Bác và làm theo lời Bác dạy. Nhà thơ Tố Hữu đã nói hộ triệu con tim người Việt: “Bác ơi! Tết đến. Giao thừa đó/ Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần/ Ríu rít đàn em vui pháo nổ/ Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân”.

2. Tháng đầu năm mới 2024, Quốc hội khóa XV họp phiên bất thường lần thứ năm, tập trung vào việc sửa đổi luật, ban hành nghị quyết điều chỉnh chính sách vĩ mô, phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ngay từ tháng đầu, quý đầu năm. Đây là sự phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa Quốc hội và Chính phủ nhằm thực hiện cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ngày đầu năm, tại Hội trường Diên Hồng, các đại biểu nhân dân và cử tri cả nước ghi nhận Báo cáo của Chính phủ về những thành tựu nổi bật trong năm 2023. Kinh tế tăng trưởng (GDP) 5,05%, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD (tăng 160 USD so với năm 2022). Hàng nông sản Việt Nam đã có trên "bàn ăn" thế giới với các loại rau, củ, quả, thủy sản, hải sản, cà phê, hạt tiêu. Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục 8 triệu tấn, trị giá 4,5 tỷ USD; thương hiệu “gạo Việt” chiếm lĩnh thị trường toàn cầu cả về sản lượng, chất lượng và giá trị. Việt Nam là điểm sáng kinh tế khu vực.

Những năm 1975-1980, chúng ta vô cùng vất vả cũng không đạt mục tiêu Đại hội IV của Đảng đặt ra là 23 triệu tấn lương thực/năm thì nay, sản lượng 43 triệu tấn gạo/năm đã thành hiện thực. Ngoài bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, gạo Việt đã vượt biên giới, xuất khẩu 10-14 triệu tấn/năm. Đây là thế mạnh trong chương trình 1 triệu héc-ta lúa Việt Nam chất lượng cao, đồng thời giữ vững các thị trường truyền thống của hạt gạo Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, châu Phi, Mỹ Latinh.

Trước Lăng Bác, hằng ngày, có hàng chục đơn vị, tổ chức, đoàn thể làm lễ báo công với Bác về thành tích lao động, học tập và sẵn sàng chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Năm nay, chúng ta long trọng kỷ niệm 55 năm công bố Di chúc của Người (1969-2024), mỗi cán bộ, đảng viên, công dân có quyền tự hào, đã và đang sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ: “Còn non, còn nước, còn người/ Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

3. Những tuần đầu, tháng đầu năm mới 2024, trên các con đường, phố phường ngoại thành, nội thành Hà Nội đã lung linh các sắc màu hoa lá, rực rỡ cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu: Mừng Xuân mới, mừng Đảng quang vinh. Hà Nội luôn là điểm đến của các loài hoa đẹp, bắt mắt, hấp dẫn của đất nước và xứ bạn. Không biết, có phải đất trời, cây cỏ cũng sớm hòa nhập với niềm vui của con người mà các đường phố nội thành, ngoại thành ngập tràn sắc hoa ban đỏ, ban trắng - loài hoa đặc trưng của quê hương Tây Bắc hùng anh. Mang dáng vẻ người con gái Thái, Tày, Nùng; cây ban bung hoa, đọ dáng, khoe sắc mỗi khi Tết đến, xuân về.

Năm nay, quân và dân ta long trọng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc một thế kỷ thực dân Pháp cai trị xứ Đông Dương; kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024). Bảy thập niên qua, tinh thần và khí thế Điện Biên Phủ, truyền thống và sức mạnh Chiến sĩ Điện Biên luôn được thắp sáng, phát huy. Quân và dân ta đã mang hào khí Điện Biên vào trận chiến trên bầu trời Hà Nội năm 1972, lập nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”; tiếp đến là cuộc Tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975 “một ngày bằng hai mươi năm”, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tinh thần và truyền thống Điện Biên Phủ vẫn luôn tỏa sáng trong đối sách “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đường lối “ngoại giao cây tre Việt Nam”. Việt Nam là điểm đến của bạn bè quốc tế. Chúng ta mở cửa, bắt tay với các đối tác cường quốc thế giới: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU). Thật vui, tuần cuối năm 2023, sân bay Điện Biên được nâng cấp đưa vào sử dụng, đón các loại máy bay hiện đại A320/A321, công suất nửa triệu hành khách mỗi năm, nối liền Điện Biên-Hà Nội, Điện Biên-Thành phố Hồ Chí Minh với cả nước và thế giới.

4. Năm 2024, cùng với cả nước, dân và quân Hà Nội có nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Hà Nội tự hào, năm 2023, GRDP tăng 6,27%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2.943 triệu USD; quy mô kinh tế đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Hà Nội điều chỉnh Quy hoạch chung đến năm 2045, tầm nhìn năm 2065 là thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hà Nội hội nhập quốc tế, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới; quy hoạch mô hình thành phố trong Thủ đô, xây dựng sân bay quốc tế thứ hai ở phía Nam, phát triển đô thị vệ tinh, hành lang xanh...

Đến năm 2030 và 2050, Hà Nội có 18 cây cầu qua sông Hồng. Ngoài 9 cây cầu đang vận hành, sẽ thêm 9 cây cầu gồm Vân Phúc, Hồng Hà, Thượng Cát, Thăng Long 2, Tứ Liên, Mễ Sở, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Phú Xuyên. Người ta không khỏi ngạc nhiên trước thế rồng bay của gần hai chục cây cầu - hai chục con rồng vàng vươn mình ra phía Đông, bay ra biển lớn.

Hà Nội không chỉ là thành phố, kinh đô cổ kính, trung tâm chính trị-văn hóa, con người hào hoa, mà còn là trung tâm kinh tế, hội tụ và hiện đại. Lúc đó, hẳn “Hà Nội không vội không xong” sẽ thay thế cho câu thành ngữ “Hà Nội không vội được đâu”.

Năm Giáp Thìn 2024 - năm rồng vàng, rồng bay lên từ đất Thăng Long. Thủ đô Hà Nội tiếp tục cất cánh theo hướng rồng bay.

Hà Nội vào xuân - Thủ đô, đất kinh kỳ ngập tràn sắc xuân, mãi mãi mùa xuân!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bác ơi! Tết đến! Giao thừa đó!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.