Trong những ngày này, tại vùng giáp ranh giữa xã Bành Trạch, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) và xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), nạn khai thác vàng trái phép lại bùng phát với số lượng người và phương tiện máy móc công khai.
Cả một đoạn sông dài hơn 1km, thuộc địa phận thôn Tồm Làm, xã Bành Trạch, hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, nhưng lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thì vắng bóng.
Hàng chục máy xúc, máy ngoạm, máy bơm, sàn tuyển vàng hoạt động ngày đêm cày nát cả đoạn sông này. Mỗi sàn tuyển có từ 3 đến 5 thanh niên vác máy bơm xả thẳng vào các máng chứa vàng sa khoáng và hàng nghìn m3 đất thải đổ thẳng ra sông, lấp dòng chảy, nước đục ngầu gây ô nhiễm môi trường.
Anh Đặng Tiêm Chòi, người dân địa phương cho biết thôn Tồm Làm có gần 40 hộ, 100% là dân tộc Dao, đất canh tác chủ yếu là soi bãi ven sông và đất nương rẫy. Tuy nhiên, vì cái lợi trước mắt nhiều hộ đã bán đất nông nghiệp cho các bưởng vàng. Theo anh Chòi thì cứ 1.000m3 đất soi bãi ven sông có thể bán được từ 40-70 triệu đồng tùy từng thời điểm, đến nay có khoảng gần chục hộ đã bán hết đất soi bãi cho các bưởng làm vàng.
Chính vì thế, thời điểm này thay vì tập trung làm đất để trồng cây vụ xuân thì nhiều hộ dân ở khu vực này vác máng gỗ xuống ngay chính những soi bãi đã bán cho các bưởng vàng để “mót vàng,” hy vọng một ngày kiếm được vài li vàng về mua gạo, mua rau.
Tại đỉnh đèo Lò So, điểm có đường mòn dẫn xuống khu vực làm vàng lúc nào cũng có khoảng vài chục chiếc xe máy dựng tại đây. Trong số họ có những người tham gia vào đội quân khai thác, có người tham gia vận chuyển thực phẩm, dầu máy. Qua quan sát các biển số xe thấy rằng đa phần là người địa phương.
Một thanh niên người địa phương cho biết bình quân mỗi ngày chở dầu máy cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng, đường vận chuyển vất vả và nguy hiểm nhưng cũng còn hơn làm ruộng, làm ngô.
Anh Đặng Văn Chắn, người dân xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết hoạt động khai thác vàng trái phép ở vùng này diễn ra hơn 3 tháng nay, dịp trước trong và sau Tết có nhiều máy xúc vào đây làm vàng, đông người vào làm vàng nên đất soi bãi cũng được giá.
Ông Nguyễn Văn Ba - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Bể cho biết từ tháng 11/2010 đến nay huyện Ba Bể đã thành lập tổ công tác liên ngành và đã có 7 lần tổ chức truy quét vàng tặc.
Đợt truy quét gần đây nhất là vào 11/2. Lực lượng liên ngành của huyện đã mang cả bình ôxy, máy hàn vào cắt tại chỗ các sàn tuyển vàng. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng rút, vàng tặc quay lại ngay./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.