(HNM) - Căn nhà nơi Bác Hồ ở và làm việc trong những ngày đầu năm 1947 luôn được chính quyền và nhân dân xóm Lài Cài, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất) trông nom, lưu giữ cẩn thận và trở thành
Ngôi nhà nơi Bác Hồ đã ở và làm việc trong 19 ngày đầu năm 1947. |
Căn nhà đơn sơ
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại xóm Lài Cài đơn sơ, giản dị, nằm trên một ngọn đồi rợp bóng cổ thụ. Theo người dân trong xóm, năm 1947, nơi đây không có đường vào, rất yên tĩnh, bảo đảm tuyệt đối bí mật. Ở xóm Lài Cài, các quả đồi được nối thông bằng những con đường mòn nhỏ, hai bên rợp bóng cây xanh nên rất thuận lợi cho hoạt động cách mạng, vốn đòi hỏi bí mật. Khoảng 19h ngày 13-1-1947, giữa tiết trời mưa phùn, giá rét, Bác cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng bí mật di chuyển từ thôn Xuyên Dương, xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) đến xã Cần Kiệm và ở, làm việc tại nhà cụ Nguyễn Đình Khuê (dân làng thường gọi là cụ Quý) ở xóm Lài Cài, thôn Phú Đa trong 19 ngày (từ ngày 13-1 đến 2-2-1947, tức 22 tháng Chạp năm Bính Tuất đến 12 tháng Giêng năm Đinh Hợi). Khi đó, ngôi nhà của cụ Khuê làm bằng tre, lợp rạ, tường đất, sân đất, phía trước cửa che chắn bằng cánh dại thay cửa nhưng chưa hoàn thiện, chưa có người ở. Một cán bộ văn hóa xã Cần Kiệm cho biết, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đã cố gắng phục chế ngôi nhà theo nguyên bản khi Bác ở để làm Nhà lưu niệm Bác Hồ.
Trong thời gian ở nhà cụ Khuê, Bác đã cùng các đồng chí trong Trung ương Đảng, Chính phủ bàn luận và quyết định nhiều chủ trương lớn, liên quan đến vận mệnh của đất nước. Tại nơi đây, Bác đã sửa và viết lại một số bản thảo tài liệu như: Chiến thuật du kích; Người chính trị viên; Phép dùng binh của ông Tôn Tử; Thư gửi Tổng thống Pháp; Thư Bác gửi đồng chí Hoàng Hữu Nam về việc chuẩn bị họp Hội đồng Chính phủ ngày 26-1-1947... Ngoài ra, nhân dịp đón tết Nguyên đán Đinh Hợi, Bác Hồ đã tự tay viết thiệp chúc tết bằng tiếng Hán tặng gia đình cụ Nguyễn Đình Khuê với nội dung: "Cung Chúc Tân Xuân". Trong thời gian ở xóm Lài Cài, Bác liên tục di chuyển đến các địa điểm khác nhau trong khu vực để chỉ đạo cách mạng. Vào tối 30 Tết, Bác đi họp Hội đồng Chính phủ ở Quốc Oai và chúc mừng năm mới các thành viên trong Chính phủ. Ngay sau đó Bác rời Quốc Oai đến Chùa Trầm, xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) để chúc Tết đồng bào cả nước qua Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ chúc Tết Đinh Hợi được Bác chấp bút tại căn nhà đơn sơ của cụ Khuê, ngân vang trong đêm giao thừa năm đó: "Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió; Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông; Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến; Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng; Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào; Sức ta đã mạnh, người ta đã đông; Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập, nhất định thành công". Thơ chúc Tết như một hiệu lệnh khẳng định dù phải trường kỳ nhưng cuộc kháng chiến của cả dân tộc Việt Nam nhất định sẽ thắng lợi. Cũng tại căn nhà cụ Khuê, Bác đã viết Thư gửi các chiến sĩ Quyết tử quân Thủ đô với lời khen ngợi và căn dặn: "Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh".
Chị Nguyễn Thị Lũy (hậu duệ đời thứ 4 của cụ Nguyễn Đình Khuê) hiện đang trông nom Nhà lưu niệm, cho biết: "Tôi được ông bà, cha mẹ kể lại, trong những ngày Bác ở đây, ban ngày Bác làm vườn, ban đêm Bác ngồi viết bài, viết lại các cuốn sách để đọc cho dễ hiểu nên gia đình và người dân không hề biết đó chính là Bác Hồ vĩ đại". Một hình ảnh xúc động với khách tham quan khi đến thăm ngôi nhà lưu niệm ở xóm Lài Cài là dù thay đổi địa điểm nhưng thói quen làm việc đúng giờ của Bác vẫn không hề thay đổi. Ở đâu Bác cũng kê bàn làm việc sát giường và dùng gường làm ghế ngồi luôn.
Ghi nhớ ơn Người!
Hơn 68 năm đã trôi qua, căn nhà đơn sơ xưa kia nay đã trở thành Nhà lưu niệm, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ noi theo tấm gương Bác Hồ kính yêu. Ngôi nhà đã được phục chế, bảo quản nguyên trạng, gian giữa là nơi đặt tượng Bác, đỉnh trầm, bát hương để người dân trong vùng và khách tham quan dâng hương tưởng niệm Người. Gian bên trái ngôi nhà là nơi Bác nghỉ ngơi và làm việc vẫn lưu giữ một chiếc giường, bộ bàn ghế và chiếc đèn măng xông. Các gian còn lại được dùng để trưng bày các tài liệu do Bác soạn thảo, sửa chữa chính tại đây hay những kỷ vật giản dị, đơn sơ Bác đã sử dụnng như chiếc chậu thau, vại đựng nước...
Thời gian trôi qua thật nhanh nhưng các thế hệ người dân xã Cần Kiệm đã luôn làm tốt việc lưu giữ, bảo tồn, bảo quản khu di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ để phục vụ nhân dân đến viếng thăm mỗi khi lễ tết hoặc kỷ niệm Ngày sinh nhật của Bác. Em Nguyễn Thị Bích Hằng, học sinh lớp 9A, là Liên đội trưởng, một học sinh xuất sắc của Trường THCS Cần Kiệm, chia sẻ: "Hằng tuần, học sinh trong trường đều được phân công đến Nhà lưu niệm Bác Hồ để thắp hương, chăm sóc cây, làm vệ sinh khuôn viên. Được tham gia các hoạt động như thế chúng em thấy rất tự hào. Đây cũng là động lực để thi đua học tập thật tốt để trở thành con ngoan trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ". Năm học vừa qua, Hằng đã đạt giải nhì môn địa lý cấp thành phố; là học sinh giỏi các môn toán, lịch sử, địa lý cấp huyện... Vinh dự hơn là trong những ngày cả nước đang thi đua lập thành tích chào mừng Ngày sinh nhật Bác, Bích Hằng được chọn là đại biểu đi dự Đại hội "Cháu ngoan Bác Hồ - Chủ nhân Thăng Long" của huyện Thạch Thất. Hằng tâm sự: "Những ngày này chúng em đang tập trung ôn luyện để thi vào cấp THPT. Ghi nhớ 5 điều Bác Hồ dạy, chúng em phải cố gắng học tập để trở thành những người tốt, có ích cho xã hội".
Phó Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Kiều Văn Tưởng cho biết, những năm qua, nền giáo dục của xã từng bước được nâng cao. Trường tiểu học, THCS của xã đều đã đạt chuẩn quốc gia. 5 năm qua, hệ thống giáo dục của đia phương được đầu tư 54 bộ máy vi tính, 9 bộ máy chiếu; xây dựng mới khu trung tâm trường mầm non, khu vệ sinh trường tiểu học, phòng truyền thống trường THCS... với kinh phí gần 14 tỷ đồng. Đáng kể là phong trào khuyến học, khuyến tài được nhân dân chú trọng. Tại thôn Phú Lễ có 5/9 dòng họ có quỹ khuyến học từ 9 đến 40 triệu đồng/quỹ; trong 5 năm qua có 347 học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp...
Bên cạnh chú trọng giáo dục, Cần Kiệm còn đạt nhiều thành tích đáng tự hào về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Cựu chiến binh Kiều Văn Đáng năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn say mê với ruộng đồng. Ông Đáng đã tự tìm tòi, học hỏi bạn bè đưa về xã Cần Kiệm nghề trồng hoa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hôm chúng tôi ghé thăm mô hình của ông, dù trời nắng chang chang nhưng người cựu chiến binh già vẫn cần mẫn nhẹ nhàng cắt tỉa từng cành hoa loa kèn để kịp giao cho khách. Ông Đáng cho biết: "Trồng loại hoa này khó hơn trồng lúa nhưng giá trị thu về thì gấp nhiều lần. Một cành 3 bông đổ buôn cũng được 6.000 đến 7.000 đồng. Thời gian đi công việc thì thôi, chứ về đến nhà là tôi lại có mặt ngay ở vườn hoa". Dù là địa hình bán sơn địa, nhưng đến nay Cần Kiệm đã dồn điền đổi thửa được 165ha, là tiền đề để mở rộng các vùng chuyên canh cây trồng hiệu quả như mô hình sản xuất của ông Đáng. Hiện tại, xã đã chuyển đổi được vùng cây ăn quả 25ha như bưởi, nhãn, vải...; nuôi trồng thủy sản hơn 5ha... Niềm phấn khởi nữa với người dân Cần Kiệm là xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2014; thu nhập bình quân đầu người đã nâng lên đáng kể, đạt 26,3 triệu đồng; số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 63 hộ, chiếm 2,78% tổng số hộ... Ông Kiều Văn Tưởng chia sẻ: "Niềm vinh dự và tự hào là vùng quê được Bác Hồ về ở và làm việc trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến sẽ là động lực lớn lao cho Đảng bộ và nhân dân xã Cần Kiệm tiếp tục phát huy thế mạnh, truyền thống cách mạng để xây dựng nông thôn ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.