Thể thao

Ba Vì xóa “mù” bơi cho trẻ em

Nguyễn Mai 10/07/2023 - 17:49

Dịp hè này, hơn 4.000 thiếu nhi huyện Ba Vì hoàn thành các khóa học bơi - đây là số trẻ được học bơi nhiều nhất trong những năm gần đây. Với nhiều cách làm sáng tạo cùng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, việc dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn huyện đạt hiệu quả rất lớn mà không dùng ngân sách Nhà nước.

ba-vi-3.jpeg
Trẻ em xã Vạn Thắng được học bơi từ bể bơi di động đặt tại sân trường do huyện Ba Vì đầu tư.

Trẻ em náo nức đi học bơi...

Một chiều đầu tháng 7, dù đang nghỉ hè, nhưng sân Trường Tiểu học Vạn Thắng (xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) náo nhiệt bởi sự có mặt của rất nhiều học sinh và phụ huynh đưa con tới học bơi. Buổi học đầu tiên, các em được giáo viên hướng dẫn khởi động cơ thể trước khi xuống nước, cách thở, thả nổi, lướt nước... Một số em còn sợ, nhưng không ít em hào hứng và thích thú, nắm bắt bài học rất nhanh…

Theo dõi con học bơi, chị Phùng Thị Thắm, phụ huynh em Nguyễn Quỳnh Trang (7 tuổi), cho biết: “Xã Vạn Thắng chưa có bể bơi tư nhân. Để biết bơi, một số gia đình có điều kiện đưa con đến bể bơi tư nhân ở xã Đồng Thái kế bên để học. Đường xa, phải bố trí người đưa đón, học phí lại cao nên không phải gia đình nào cũng có thể cho con theo học. Đây là lần đầu tiên bể bơi di động được đưa về xã. Chỉ 250.000 đồng cho 1 khóa học nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Thầy Phùng Bá Hải, giáo viên thể chất của Trường THPT Xuân Khanh (Sơn Tây), nhận dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn huyện Ba Vì từ đầu tháng 6, nói: “Nhóm có 3 giáo viên, mỗi ngày dạy 4 ca, chia làm 2 buổi sáng, chiều. Mỗi khóa học kéo dài trong 7 ngày liên tục, tỷ lệ các em biết bơi đạt 95%. Bể bơi di động nhưng khá lớn, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn cho dạy và học”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga, Hiệu phó Trường Tiểu học Vạn Thắng cho biết thêm, từ ngày 30-6, trường được huyện luân chuyển về 1 bể bơi di động để tổ chức dạy bơi cho học sinh. Khóa học đầu tiên đã hoàn thành với 135 học sinh, khóa thứ 2 tiếp tục với 175 học sinh. Hỗ trợ các lớp học bơi, nhà trường cử thêm giáo viên, nhân viên làm công tác vệ sinh môi trường và giám sát trẻ trong quá trình học.

Theo Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Nguyễn Sóng Hồng, năm 2023, huyện đã xã hội hóa 3 bể bơi di động để luân phiên  dạy bơi cho trẻ em các xã. Tính đến hết ngày 10-7, huyện Ba Vì đã mở được 30 lớp học bơi cho 1.214 trẻ từ 6 đến 16 tuổi. Trong đó, có 1.091 trẻ em biết bơi sau khóa học. Số trẻ chưa biết bơi chủ yếu do nhỏ tuổi hoặc nhát nước tiếp tục đăng ký học lại trong các khóa tiếp theo để bơi thành thạo. Dự kiến hết 3 tháng hè, toàn huyện sẽ có khoảng 4.000 trẻ được học và biết bơi từ 3 bể di động do huyện Ba Vì tổ chức…

ba-vi-6.jpg
Thầy giáo Phùng Bá Hải cho biết, bể bơi di động nhưng khá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cho dạy và học.

Ngoài ra, hưởng ứng phong trào dạy bơi và học bơi do huyện Ba Vì phát động, nhiều xã trên địa bàn huyện còn chủ động vào cuộc với những cách làm hay. Tại xã Cẩm Lĩnh, chính quyền địa phương phối hợp với các nhà trường thuê lại bể bơi của một khu nghỉ dưỡng trên địa bàn. Xã vận động giáo viên thể dục của các nhà trường trên địa bàn hướng dẫn các em nhỏ kỹ năng bơi.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh Giang Thị Thu Trang, bể bơi của khu nghỉ dưỡng khá đẹp, nhưng với tinh thần xã hội hóa, đơn vị cho thuê chỉ với 1 triệu đồng/ngày. Nhờ cách làm hay, mỗi em nhỏ tham gia khóa học bơi ở Cẩm Lĩnh chỉ phải đóng 150.000 đồng cho 10 buổi học. Cũng nhờ đó, trong tháng 6-2023, trên địa bàn xã đã có 360 em được học và biết bơi. Đến nay, tỷ lệ biết bơi đối với học sinh khối THCS trên địa bàn xã đạt 100%; đối với khối tiểu học đã đạt 86%…

ba-vi-4.jpeg
Xã Cẩm Lĩnh vận động doanh nghiệp hỗ trợ bể bơi để dạy bơi cho trẻ em trên địa bàn.

Sáng tạo trong cách làm

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Lê Hào Quang cho biết, những năm trước, số lượng các em nhỏ được học bơi chưa nhiều. Nguyên nhân do huyện Ba Vì thiếu cả cơ sở vật chất và kinh phí để dạy bơi. Huyện chưa có bể bơi đầu tư bằng nguồn vốn nhân sách nhà nước. Chỉ có một bể bơi lắp ghép tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, đầu tư từ sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên trung tâm và bể bơi trong các khu du lịch do tư nhân đầu tư. Ngoài ra, do huyện còn khó khăn nên việc bố trí ngân sách cho hoạt động dạy bơi chưa thực hiện được… Thống kê năm 2022, huyện Ba Vì có 73% học sinh tiểu học và 63% học sinh THCS chưa biết bơi.

Khắc phục những hạn chế trên, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh, năm 2023, huyện đã thành lập Ban tổ chức chương trình dạy bơi và phát động phong trào dạy và học bơi trên địa bàn. Bên cạnh phát huy tối đa cơ sở vật chất là các bể bơi tư nhân, huyện vận động xã hội hóa mua 3 bể bơi di động, luân phiên chuyển tới các xã để dạy bơi cho trẻ em.

Để vận hành được các bể bơi di động, huyện Ba Vì đã nỗ lực huy động xã hội hóa, khắc phục khó khăn về kinh phí. Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Lê Hào Quang cho biết, mỗi bể di động có diện tích từ 150-200m2, cần hàng trăm khối nước sạch. Để có nước vào bể, huyện đã vận động Liên danh Công ty cổ phần Ao Vua và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì hỗ trợ.

Tuy vậy, khi bơm nước vào lại có phát sinh: Nếu chỉ dùng vòi nước sinh hoạt để dẫn nước vào thì phải mất 7 ngày mới đầy được các bể. Do đó, huyện Ba Vì tiếp tục huy động Công ty vệ sinh môi trường dùng xe téc lớn chở nước đổ vào. Đối với giáo viên dạy bơi, ngoài giáo viên của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao, huyện mời thêm giáo viên có chuyên môn dạy bơi tại các trường THPT của thị xã Sơn Tây tới hỗ trợ.

"Hiện, mỗi học viên đăng ký học bơi chỉ phải đóng 250.000 đồng. Số tiền này dùng để thau rửa, vệ sinh bể, thuê lắp đặt bể mỗi khi đến vị trí mới... Chúng tôi giao cho các nhà trường và hội cha mẹ học sinh thu - chi đủ để mọi trẻ em đều có điều kiện tham gia học bơi”, ông Lê Hào Quang cho biết.

ba-vi-5.jpeg
Nhờ cách làm hay, mỗi em nhỏ tham gia khóa học bơi ở Cẩm Lĩnh chỉ phải đóng 150.000 đồng cho 10 buổi học.

Ngoài 3 bể bơi di động do huyện đầu tư, Ba Vì cũng huy động các bể bơi tư nhân tham gia với nhiều hình thức đầu tư cùng sự vào cuộc của chính quyền các xã - khá tích cực như Thuần Mỹ, Cẩm Lĩnh...

Có thể thấy, toàn bộ chi phí học bơi và dạy bơi cho hàng nghìn học sinh trên địa bàn huyện Ba Vì đều từ nguồn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Chi phí cho học bơi không quá cao nhưng hiệu quả thu được rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh thông tin thêm: “Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Ba Vì dự tính hè năm sau sẽ mua thêm bể bơi, tiếp tục khắc phục hạn chế, giao các xã “lo” nước sạch đưa vào bể bơi để giảm “gánh nặng” cho cấp huyện. Ba Vì sẽ chọn giáo viên thể dục từ các nhà trường để đào tạo nghiệp vụ, trở thành giáo viên “cơ hữu” sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ dạy bơi khi cần. Huyện Ba Vì kỳ vọng phổ cập bơi cho học sinh với chi phí thấp nhất có thể”.

Đến nay, tổng số trẻ em trên địa bàn huyện Ba Vì được trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước là 1.925 em. Huyện cũng đã rà soát 188 điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích đối với trẻ em; đã lắp đặt 363 biển cảnh báo, biển cấm…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì xóa “mù” bơi cho trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.