Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba Vì vùng “đất thiêng”

Nguyễn Mai| 21/02/2010 06:36

(HNM) - Sóng gợn sông Đà con cá nhảy/Mây trùm non Tản cái diều bay. Theo con đường cua

Một vùng địa linh, nhân kiệt

Ngược dòng thời gian, trong tâm thức của mỗi người dân vùng non Tản, Sơn Tinh vốn người hiền lành, hiếu thảo, được bà Ma Thị (bà chúa Mường) nhận làm con nuôi, được Thái Bạch Kim Tinh tặng cây gậy thần đầu sinh đầu tử, được Long vương tặng sách Ước để cứu muôn loài. Tương truyền để trị thủy, ngài cùng dân làng gánh đá, chuyển đất, đan phên làm lưới… cản đường Thủy Tinh. Sau này, ngài còn giúp nước trừ giặc ngoại xâm, dạy dân cách trồng lúa, chăn nuôi, chống hạn, ca hát… Công đức vô hạn, khi về trời ngài được suy tôn là Đức Thánh Tản. Nhà nghiên cứu về văn hóa giân gian Đoàn Công Hoạt cho rằng: Riêng vùng núi Tản có tới trên 30 truyền thuyết, huyền thoại về Đức Thánh Tản được lưu hành trong dân gian. Trong đó, đặc sắc nhất là truyền thuyết về Sơn Tinh và Thủy Tinh. Theo sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi, Ba Vì là ngọn núi thiêng "Núi tổ của nước ta", nơi ngự trị của Thánh Tản Viên (Sơn Tinh) - vị thần tối linh trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng dân gian người Việt. Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên (còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn hoặc Phượng Hoàng Sơn). Núi này cao 1.281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô. Chân núi có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng với kiến trúc độc đáo, đặc sắc chốn non ngàn là nơi thời Đức Thánh Tản.

Không chỉ là nơi cư ngụ của Tản Viên Sơn Thánh, nơi đây còn là vùng "địa linh nhân kiệt" sinh thành ra nhiều danh nhân. Nơi đây chính là quê hương Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống lại sự thống trị của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602-905). Nơi đây cũng là quê hương của Ngô Quyền dũng tướng tài danh từng cầm quân đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng năm 938, đặt dấu ấn kết thúc 1.000 năm Bắc thuộc. Vùng núi Tản còn là nơi sinh ra Đệ nhị giáp tiến sỹ, Hàn lâm viện trưởng, Đông các đại học sỹ, Lưỡng quốc thượng thư Nguyễn Sư Mạnh đời Lê...

Đặc sắc di tích

Sức sống ngàn năm của vùng non Tản còn thể hiện ở sự quy tụ của một vùng non xanh nước biếc với số lượng di tích lịch sử dày đặc. Quanh núi Ba Vì, nhiều tên đất, tên làng, tên vạt đồi, dòng sông, khe suối, đình, đền, miếu mạo… vừa gắn liền với tên tuổi thần Đức Thánh Tản cũng vừa là những dấu tích kết nối truyền thống xưa và sự phát triển hôm nay. Theo ông Nguyễn Đức Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Vì: Khu vực núi Ba Vì hiện có gần 100 ngôi đình, đền thờ Tản Viên Sơn Thánh như cụm di tích đền Hạ, đền Trung, đền Thượng trên núi Ba Vì; các đền Đá Đen, Vật Lại, Măng Sơn, Khánh Xuân, các đình Yên Nội, Tây Đằng, Đông Viên, Quan Húc, Phú Thứ, Thanh Hùng, Thụy Phiêu… Trong đó, đáng chú ý nhất là đình Thụy Phiêu, một trong những ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ XVI. Đình được xây theo hình chữ "Nhất", hướng Đông bắc, tựa lưng vào núi Ba Vì.

Ngoài kho tàng văn hóa vật thể đó, Ba Vì còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với hàng chục khu du lịch nổi tiếng như Ao Vua, Thác Đa, Khoang Xanh - Suối Tiên, Hồ Tiên Sa…

Phát huy tiềm năng mới

Không chỉ ghi dấu lịch sử với những huyền thoại, di tích mà vùng đất thiêng này còn được biết đến bởi những sản vật có sự hòa quyện gắn kết của thiên nhiên và nỗ lực con người. Ngày nay, nhắc đến vùng đất Ba Vì nhiều người liên tưởng ngay đến những đồi chè trải rộng và nguồn sữa tươi mát lành...

Hiện Ba Vì có số lượng bò sữa nhiều nhất Hà Nội với trên 2.600 con, đạt sản lượng sữa 6.000 tấn/năm. Nghề nuôi bò sữa đang giúp cho nhiều hộ dân ở Ba Vì thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Ngoài sữa, Ba Vì còn có vùng chè với diện tích 1.650ha trải rộng một màu xanh. Chè Ba Vì có hai loại, loại trung du lá nhỏ với diện tích hơn 900ha, chè PH1 gần 450ha, ngoài ra còn một số giống khác như Ô Long, LĐP1, Kim Tuyên trồng tập trung ở một số xã khu vực Ba Trại và nông trường Việt Mông.
Theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân, sữa, chè đang là những sản phẩm mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của huyện. Hiện Ba Vì đã quy hoạch phát triển đến năm 2010 trồng 2.000ha chè, đồng thời đã cùng tổ chức JICA (Nhật Bản) triển khai dự án phát triển đàn bò sữa và mở rộng ngành sản xuất sữa trên địa bàn. Ba Vì đã và đang triển khai mô hình Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp cùng xây dựng, phát triển thương hiệu sữa và chè Ba Vì. Mô hình này bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ góp phần thúc đẩy nông nghiệp địa phương mà qua đó còn góp phần quảng bá hình ảnh miền đất, con người, văn hóa cùng sông Đà, núi Tản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì vùng “đất thiêng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.