Ngày 14-2, UBND huyện Ba Vì tổ chức Hội nghị sơ kết thí điểm các giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục năm học 2024-2025.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh đánh giá cao sự chủ động của UBND huyện và ngành Giáo dục trong việc triển khai thí điểm chuyển đổi số. Bí thư Huyện ủy Ba Vì nhấn mạnh, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ là xu thế tất yếu, mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp học sinh tiếp cận tri thức một cách hiện đại, hiệu quả hơn. Hội nghị lần này là dịp để đánh giá kết quả thực hiện, xác định những tồn tại, từ đó đề ra giải pháp tối ưu hơn.
Theo báo cáo của UBND huyện Ba Vì, trong thời gian thí điểm từ cuối năm 2024 đến đầu 2025, Công ty cổ phần Công nghệ giáo dục AES (Công ty AES) đã bổ sung kho học liệu từ 30.000 lên khoảng 37.000 học liệu (chủ yếu là bài giảng điện tử), đáp ứng 80% nội dung chương trình học tại Trường Tiểu học Thụy An, Trường THCS Vạn Thắng, Trường THCS Phú Cường. Còn tại Trường Mầm non Tản Viên, xã Tản Lĩnh học liệu điện tử mới chỉ đáp ứng các nội dung liên quan đến lớp 5-6 tuổi, phục vụ tiền tiểu học, chưa có nhiều nội dung về giáo dục kỹ năng. Tỉ lệ sử dụng học liệu điện tử tại các trường đạt khoảng 80% số bài giảng.
Ứng dụng học liệu điện tử giúp đa dạng hóa phương pháp giảng dạy với các hình thức, như video, bài giảng tương tác, trò chơi, thực hành ảo, tạo môi trường học tập sinh động, sáng tạo. Trong quá trình triển khai thí điểm, 104 lớp học trực tuyến đã được tạo lập. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì phối hợp với Công ty AES tạo lập và bàn giao 2.730 tài khoản cho giáo viên, học sinh của 4 trường, gồm 133 tài khoản giáo viên và 2.597 tài khoản học sinh...
Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì Phùng Ngọc Oanh, việc ứng dụng phần mềm quản lý giáo dục giúp tối ưu công tác thống kê, kiểm soát tài khoản giáo viên, học sinh, số lượng bài giảng, bài tập, kiểm tra, điểm số của học sinh. Hệ thống phần mềm điện tử giúp lưu trữ bài giảng cá nhân hóa, cho phép giáo viên tự thiết kế nội dung giảng dạy. Chuyển đổi số cũng đồng bộ hóa công tác kiểm tra, đánh giá, giúp giáo viên tạo và quản lý đề thi trên hệ thống, triển khai đồng bộ giữa các lớp, bảo đảm tính công bằng và chính xác. Kết quả bước đầu cho thấy, việc ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy tại Ba Vì đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo tiền đề để mở rộng triển khai trong thời gian tới.
Tại hội nghị, một số trường tham gia thí điểm đã chia sẻ về quá trình triển khai ứng dụng phần mềm của Công ty AES trong công tác dạy và học. Nhiều ý kiến cho rằng, việc áp dụng hệ thống quản lý học tập (LMS) đã giúp nhà trường quản lý bài giảng và điểm số hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho giáo viên và học sinh truy cập tài liệu học tập mọi lúc, mọi nơi, qua đó tăng tính linh hoạt trong giảng dạy.
Tuy nhiên, các đơn vị cũng chỉ ra một số khó khăn cần khắc phục, như việc hoàn thiện kho học liệu để bảo đảm nội dung đáp ứng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, cần tăng cường tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu, nhằm hỗ trợ giáo viên sử dụng phần mềm thành thạo hơn, nhất là trong thiết kế bài giảng điện tử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.