Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song nhờ sự quan tâm của thành phố Hà Nội và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, huyện Ba Vì đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong năm 2024.
Bước sang năm 2025, Ba Vì đặt ra mục tiêu cao hơn, toàn diện hơn và quyết tâm thực hiện hiệu quả ngay từ những ngày đầu năm. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng xung quanh vấn đề này.
Lần đầu tiên thu ngân sách vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng
- Năm 2024 đã khép lại, huyện Ba Vì đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó lần đầu tiên huyện thu ngân sách vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn về kết quả này?
- Năm 2024 đánh dấu bước tiến lớn của huyện Ba Vì trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu: Vạn Thắng, Phong Vân, Sơn Đà và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Phú Đông, Minh Quang, Ba Trại, Cổ Đô.
Điểm nhấn đặc biệt là Minh Quang, xã miền núi đầu tiên của huyện Ba Vì và thành phố Hà Nội đã hoàn thành chuẩn nông thôn mới nâng cao. Huyện tiếp tục triển khai cuộc thi “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”. Phong trào này đã huy động được gần 39 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng cơ sở hạ tầng, trồng mới hơn 23.400 cây xanh và hoàn thành 265km tuyến đường “phụ nữ nở hoa”.
Ngoài ra, 34.750 hộ gia đình thực hiện phân loại rác hữu cơ tại nhà và có 380 hộ dân hiến hơn 5.200m² đất xây dựng công trình công cộng. Những kết quả này góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống và khẳng định sự đoàn kết trong cộng đồng.
Năm 2024 cũng là dấu mốc đáng nhớ, khi tổng thu ngân sách nhà nước của huyện lần đầu tiên vượt 1.000 tỷ đồng, đạt 1.112 tỷ đồng, bằng 108,8% dự toán thành phố giao, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thu ngân sách trừ tiền sử dụng đất đạt 550 tỷ đồng, bằng 177% dự toán. Kết quả này không chỉ phản ánh sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, mà còn cho thấy hiệu quả của công tác quản lý tài chính.
Trong năm qua, huyện đã hoàn thành 100% quy hoạch xây dựng cho 30/30 xã, thị trấn; đồng thời rà soát và tích hợp quy hoạch này với Quy hoạch Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Các dự án lớn, như: Khu công nghiệp Ba Vì (310ha), cụm công nghiệp tại Cam Thượng, Đồng Giai, Tản Lĩnh và 3 vùng du lịch trọng điểm (ven sông Đà, chân núi Ba Vì, liên hồ Suối Hai) được đẩy mạnh. Hệ thống giao thông khung tương lai với 9 trục chính và 2 vành đai sẽ kết nối thông suốt, tạo điều kiện để Ba Vì trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của Hà Nội.
- Ngoài những kết quả nêu trên, đồng chí có thể chia sẻ thêm về những thành tích nổi bật của Ba Vì?
- Năm 2024, huyện Ba Vì đã hoàn thành sáp nhập 3 xã Phú Phương, Châu Sơn và Tản Hồng thành xã Phú Hồng. Sự kiện này mở ra cơ hội phát triển bền vững, đồng bộ, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Về cải cách hành chính và chuyển đổi số, huyện triển khai hàng loạt mô hình sáng tạo, như thúc đẩy sử dụng chữ ký số và dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỷ lệ thủ tục hành chính cung cấp trực tuyến đạt hơn 90%, hồ sơ trực tuyến đạt 57%. Ba Vì còn tổ chức đào tạo kỹ năng kinh doanh trên mạng Internet cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Doanh thu thương mại điện tử của huyện đạt gần 11 tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình "chợ không dùng tiền mặt" và các chương trình chuyển đổi số đã tạo ra bước chuyển lớn trong quản lý hành chính và kinh tế địa phương.
Năm 2024 cũng đánh dấu bước ngoặt trong công tác giảm nghèo khi huyện Ba Vì không còn hộ nghèo. Để đạt được kết quả này, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như hỗ trợ bảo hiểm y tế, xây dựng nhà ở và đào tạo nghề. Hơn 9.000 thẻ bảo hiểm y tế được cấp miễn phí, 222 căn nhà được xây dựng hoặc sửa chữa và gần 800 lao động được giới thiệu việc làm, thông qua các phiên giao dịch lưu động.
Đáng chú ý, ngành Giáo dục và Đào tạo Ba Vì tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật. Huyện xếp hạng 15/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội về chất lượng giáo dục, tăng một bậc so với năm trước và có thêm 12 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường chuẩn lên 81,81%.
Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng
- Năm 2025, huyện Ba Vì có những định hướng và giải pháp gì để phát triển kinh tế, bảo đảm tăng trưởng bền vững?
- Trong năm 2025, huyện Ba Vì đặt mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, công nghiệp và xây dựng. Về nông nghiệp, huyện tập trung phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, xây dựng các vùng và tiểu vùng chuyên canh tập trung. Các hoạt động này được gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Huyện đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Để đạt mục tiêu này, cơ giới hóa và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sẽ được đẩy mạnh. Các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt được ưu tiên đầu tư, nhất là phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm có thế mạnh.
Đối với công nghiệp và xây dựng, Ba Vì khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các cụm công nghiệp theo hướng sạch và thân thiện với môi trường. Các ngành nghề thế mạnh, như sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản và sản xuất chè, sữa, tinh bột sắn sẽ được phát triển mạnh mẽ. Các dự án trọng điểm như cải tạo và mở rộng quốc lộ 32, nâng cấp các tuyến đường từ tỉnh lộ 414 đến Vườn Quốc gia Ba Vì cũng sẽ được thực hiện...
- Du lịch, dịch vụ là lợi thế, tiềm năng lớn của huyện Ba Vì. Vậy, huyện Ba Vì có giải pháp gì để phát triển lĩnh vực này cũng như nâng cao đời sống văn hóa, giáo dục, y tế cho người dân trong năm 2025?
- Huyện sẽ đẩy mạnh quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Các loại hình du lịch truyền thống, văn hóa tâm linh và du lịch làng nghề sẽ được phát triển mạnh mẽ. Trong năm 2025, huyện phấn đấu đón 4 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 480-500 tỷ đồng. Cùng với đó, các sản phẩm du lịch mới sẽ được xây dựng, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch và hàng ngàn lao động địa phương. Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh tại các chợ, siêu thị được tăng cường, nhằm bảo đảm văn minh thương mại và vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Huyện cũng tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Phong trào thể dục, thể thao được đẩy mạnh. Mục tiêu là tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 91% trở lên. Trong lĩnh vực giáo dục, Ba Vì đặt mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học. Huyện Ba Vì cũng đặt mục tiêu nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tăng số bác sĩ trên mỗi vạn dân và chủ động phòng, chống dịch bệnh.
- Để hoàn thành nhiệm vụ đề ra, huyện Ba Vì kiến nghị gì với thành phố, thưa đồng chí?
- Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, huyện Ba Vì mong muốn thành phố quan tâm, hỗ trợ triển khai lập và thực hiện các quy hoạch cũng như đầu tư các dự án hạ tầng khung theo quy hoạch. Đây là yếu tố nền tảng, nhằm kêu gọi các dự án đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, tạo động lực phát triển bền vững. Huyện đề xuất thành phố sớm bàn giao đất của các nông, lâm trường, trạm, trại trên địa bàn về huyện quản lý. Việc này sẽ giúp bảo đảm không phát sinh vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng đất hiệu quả hơn. Đặc biệt, thành phố cần có quy định cụ thể đối với xã Minh Châu, vừa bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, vừa hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại tập trung, tháo gỡ các vướng mắc kéo dài nhiều năm qua.
Huyện cũng mong thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội sớm hoàn thành đo đạc, nghiệm thu bản đồ đo đạc phục vụ quản lý đất đai. Trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các cấp chức năng cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phát triển khu vực Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia và triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Ba Vì…
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.