Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba Vì chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Kim Nhuệ| 17/05/2020 07:35

(HNM) - Ba Vì là một trong những huyện trọng điểm ảnh hưởng bởi thiên tai của thành phố Hà Nội. Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Ba Vì đã và đang triển khai những giải pháp nào? Giải đáp nội dung trên, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng.

Huyện Ba Vì đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chống sạt lở bờ sông Hồng, đoạn xã Minh Châu.

- Ông đánh giá như thế nào về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện trong những năm vừa qua?

- Nhiều năm nay, huyện Ba Vì thường xuyên xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng và đã huy động cả hệ thống chính trị, người dân tham gia. Hằng năm, huyện Ba Vì chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc phương châm “3 sẵn sàng”, “4 tại chỗ”, “5 không” trong phòng, chống thiên tai; trong đó, chú trọng công tác bảo vệ vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu, bảo đảm an toàn các hồ chứa, di dân và ổn định đời sống của người dân khi xảy ra các sự cố, thiên tai... Nhờ vậy, huyện Ba Vì đã giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong những năm vừa qua... Tuy nhiên, đánh giá nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn, huyện Ba Vì nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục ngay trong thời gian tới...

- Ông có thể nói rõ hơn những tồn tại, hạn chế đó là gì?

- Qua công tác kiểm tra, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã phát hiện một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn còn sơ sài, hình thức, chưa thể hiện đầy đủ phương châm “4 tại chỗ”. Một số người dân còn thiếu ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ công trình phòng, chống lũ lụt, úng ngập. Trong khi đó, một số địa phương, cơ quan chuyên trách lại thiếu trách nhiệm xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai... Đặc biệt, do biến đổi dòng chảy các sông: Hồng, Đà, Lô nên hiện nay trên địa bàn huyện xuất hiện và tồn tại nhiều vị trí sạt lở bờ, bãi sông, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, gây bất lợi cho công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai...

Cụ thể, trên tuyến sông Hồng, đoạn xã Chu Minh, xuất hiện hai vị trí sạt lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của 10 hộ dân, tạo nguy cơ mất an toàn cho tuyến đê hữu Hồng. Trên tuyến sông Đà, đoạn xã Sơn Đà, xuất hiện hiện tượng xói, xô sạt, sụt lún, cuốn trôi chân kè Khê Thượng, đe dọa trực tiếp an toàn tuyến đê hữu Đà...

- Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão năm 2020, huyện Ba Vì đã triển khai những giải pháp nào, thưa ông?

- UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế nêu trên; trong đó tập trung xây dựng kế hoạch phòng tránh lũ quét, sạt lở đất, úng ngập... đến từng thôn, xã theo phương châm “3 sẵn sàng”, “4 tại chỗ” và “5 không” để cán bộ, nhân dân có ý thức chủ động phòng tránh. Trong kế hoạch, các cơ quan, đơn vị phải phân loại và thống kê cụ thể số hộ, số khẩu sinh sống tại các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, úng ngập... để kịp thời di dời khi xảy ra các tình huống khẩn cấp. Các cơ quan, đơn vị kiểm tra, rà soát tất cả công trình, nhà cửa, kho tàng, công trình công cộng để kịp thời sửa chữa, khắc phục những hư hỏng... Đối với các công trình đang bị hư hỏng chưa có kinh phí sửa chữa, các tổ chức, cá nhân phải huy động nguồn lực tại chỗ để xử lý, khắc phục, bảo đảm an toàn và vận hành khi xảy ra mưa, lũ, lụt... Các cơ quan, đơn vị phải tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện sửa chữa hư hỏng, sự cố đê điều, thủy lợi và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bảo vệ an toàn các công trình phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.

Bên cạnh đó, UBND huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị đặc biệt chú trọng công tác xây dựng phương án sơ tán nhân dân, phương án bảo đảm thông tin, liên lạc, hệ thống đường dây điện, bảo đảm an ninh, trật tự, giao thông khi xảy ra bão mạnh, siêu bão đổ bộ trên địa bàn huyện; tổ chức huy động, sử dụng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị ứng cứu khi xảy ra sự cố, thiên tai...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và từng bước xây dựng thôn, xã an toàn trước thiên tai theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, huyện Ba Vì cũng đã đề nghị các sở, ngành liên quan kiểm tra, báo cáo đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí kiên cố hóa một số vị trí đê điều, hiện đại hóa hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn... Trước mắt, huyện Ba Vì đề nghị các sở, ngành báo cáo đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí xử lý cấp bách các vị trí đê, kè bị sạt lở, sụt lún và xây dựng công trình chống sạt lở bờ, bãi sông đoạn qua các xã: Sơn Đà, Minh Quang, Chu Minh...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì chủ động phòng ngừa, ứng phó thiên tai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.