Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba Vì bứt phá để về đích nông thôn mới

Nguyễn Mai| 18/02/2022 07:23

(HNM) - Là huyện ở xa trung tâm thành phố, có 7/30 xã miền núi là nơi có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, huyện Ba Vì đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2021, huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp xã. Trong năm 2022, Ba Vì đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới với những kế hoạch, giải pháp cụ thể, bứt phá để về đích.

 Một góc nông thôn mới xã Yên Bài (huyện Ba Vì). Ảnh: Minh Phú

30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống của người dân thôn Đông Kỳ, xã Thụy An ngày càng được nâng cao.

Ông Hà Huy Thuyết, Bí thư Chi bộ thôn Đông Kỳ cho biết: “Thôn có gần 100 hộ nuôi gà, lợn quy mô lớn; 20 hộ có máy xúc, ủi làm dịch vụ xây dựng, san lấp mặt bằng; 4 xưởng may gia công với gần 50 lao động… Chung sức xây dựng nông thôn mới, thôn Đông Kỳ đã huy động được hàng trăm triệu đồng làm đường vào đình, tu sửa khuôn viên chùa, xây dựng tường bao, đường bê tông khu vực nghĩa trang nhân dân... Đáng chú ý, có 11 hộ trong thôn đã hiến hơn 50m2 đất thổ cư để mở rộng đường giao thông. Những nguồn lực xã hội hóa quan trọng này đã góp phần quan trọng giúp xã Thụy An duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được từ năm 2016.

Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, 7 xã khu vực miền núi của huyện Ba Vì: Yên Bài, Vân Hòa, Khánh Thượng, Minh Quang, Ba Vì, Tản Lĩnh, Ba Trại đều được đầu tư hệ thống hạ tầng, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,17%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,98%; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 91%; 30/30 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân địa phương.

Trong số 5 chỉ tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, chỉ tiêu quan trọng nhất là có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới thì năm 2021, Ba Vì đã hoàn thành; đồng thời có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Phú Phương. Kết quả rà soát, đánh giá các tiêu chí huyện nông thôn mới, Ba Vì tự đánh giá còn 4 tiêu chí cơ bản đạt là: Giao thông, thủy lợi, kinh tế, chất lượng sống và 1 tiêu chí chưa đạt là môi trường.

Ưu tiên nguồn lực, hoàn thành các tiêu chí

Mặc dù, Ba Vì đã đạt được kết quả bước đầu trong xây dựng nông thôn mới nhưng với đặc thù của huyện miền núi, kinh tế - xã hội vẫn còn rất nhiều khó khăn, nên thách thức vẫn ở phía trước.

Bí thư Đảng ủy xã Yên Bài Nguyễn Việt Giao cho biết: “Yên Bài đang tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nguồn vốn thực hiện vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và hiện tại hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học… cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp...”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, năm 2022, Ba Vì sẽ tập trung hoàn thành các tiêu chí còn lại của huyện nông thôn mới và có thêm 2-3 xã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Huyện đề xuất thành phố ưu tiên hỗ trợ kinh phí thực hiện các tiêu chí huyện nông thôn mới và 3 xã nông thôn mới nâng cao với kinh phí còn thiếu là hơn 836 tỷ đồng; hỗ trợ hoàn thiện các tiêu chí về trường học, cơ sở vật chất văn hóa, đặc biệt là các trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn; sớm ban hành hướng dẫn chi tiết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và kiến nghị thành phố có chính sách mời gọi doanh nghiệp tham gia hỗ trợ và liên kết với Ba Vì từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực.

Tại cuộc làm việc của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” với huyện Ba Vì mới đây, các cơ quan chức năng của thành phố đã gợi mở nhiều vấn đề và cho rằng Ba Vì cần tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, đồng bộ; hình thành các cụm công nghiệp mới; nâng cấp các chợ dân sinh; đồng thời tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất theo nhu cầu thị trường, qua đó mở rộng vùng sản xuất hàng hóa theo hướng an toàn, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Ba Vì cần đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi, phát huy thế mạnh về nguồn nước sạch, không khí sạch, đất sạch hình thành những vùng sản xuất chuyên canh giá trị cao.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu huyện Ba Vì cần đầu tư chỉnh trang đô thị, chú trọng phát triển du lịch xanh, nông nghiệp công nghệ cao…; đồng thời cho biết thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ một số huyện, trong đó có Ba Vì, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì bứt phá để về đích nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.