(HNM) - Trong thời gian vừa qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn Kiều Mộc (xã Cổ Đô, Ba Vì) đã thực hiện xong công tác dồn điền đổi thửa gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, kết quả mỗi hộ có bình quân từ 1,3 đến 1,5 thửa ruộng. Đạt được kết quả này có vai trò quan trọng của Trưởng thôn Kiều Mộc Lưu Thị Thắng.
Thôn Kiều Mộc có diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 51ha, có trên 200 hộ với khoảng 1.000 nhân khẩu. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kiều Mộc, gắn bó với đồng ruộng, bà Thắng hiểu rõ việc canh tác khó khăn tốn công sức như thế nào khi mỗi hộ có từ 10 đến 14 thửa ruộng. Ngoài ra việc đầu tư cho sản xuất cũng gặp hạn chế. Năm 2005, từ khi có chủ trương của xã Cổ Đô về việc vận động nhân dân tự dồn đổi ô thửa, bà Thắng đã tích cực vận động nhân dân làm tốt công tác này. Xác định đây là việc khó, bởi số thửa của mỗi hộ đều trên 10 thửa, ở nhiều xứ đồng khác nhau, đặc biệt nhận thức về công tác này trong nhân dân không đồng đều, nảy sinh so sánh giữa ruộng tốt và xấu… Bà Thắng đã bàn bạc với lãnh đạo thôn để tháo gỡ khó khăn, tổ chức họp dân cùng thống nhất chủ trương, đồng thời giải đáp những vướng mắc giúp mọi người thấy rõ lợi ích của dồn điền đổi thửa. Vì vậy, từ chỗ mỗi hộ trong thôn có từ hơn 10 thửa ruộng giảm xuống chỉ còn trung bình 3,5 thửa. Năm 2012, nhận chủ trương của huyện là tiếp tục dồn đổi ruộng, phấn đấu mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, xã Cổ Đô đã chọn thôn Kiều Mộc làm điểm để nhân rộng ra toàn xã. Với những kinh nghiệm trước đây, bà Thắng tiếp tục cùng lãnh đạo thôn bàn bạc và thành lập các tổ để triển khai nhiệm vụ. Bên cạnh đó, bà tiếp thu ý kiến của người dân, bảo đảm dân chủ, công bằng, gắn với quy hoạch giao thông nội đồng. Việc xây dựng phương án dồn ghép ruộng theo vùng được quy hoạch. Bà Thắng chọn ra 10 xã viên hiểu biết về đồng ruộng, có uy tín với nhân dân, có tinh thần trách nhiệm lo việc đo đạc ruộng đất; thống kê lại các diện tích năm 1993 của các hộ, việc chuyển nhượng, cho, tặng… để từ đó khớp sổ sách, lấy số liệu để giao ruộng… bảo đảm dân chủ, đúng người, đúng việc. Song song với đó là tổ chức rút phiếu để mỗi hộ nhận phiếu bảo đảm công bằng. Trong suốt quá trình này, bà Thắng đã tích cực tuyên truyền vận động, cùng tháo gỡ khó khăn với người dân, giải thích vướng mắc; đồng thời tham mưu với chi bộ phân công đảng viên phụ trách đến các hộ vận động triển khai thực hiện. Nhờ sự tích cực, tinh thần trách nhiệm của bà Trưởng thôn Lưu Thị Thắng, đến nay, thôn Kiều Mộc đã thành công trong công tác dồn điền đổi thửa, người dân phấn khởi, yên tâm phát triển sản xuất, tạo tiền đề cho việc xây dựng nông thôn mới ở Cổ Đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.