Từ ngày 1-8, Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023 chính thức có hiệu lực.
Nhiều chuyên gia kinh tế cùng kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực của thị trường bất động sản khi có sự “tiếp sức” của ba luật mới này.
Tháo gỡ “rào cản” kìm hãm sự phát triển
Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hoàng Hải nhận định, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có nhiều nội dung đổi mới quan trọng trong quản lý, lành mạnh hóa thị trường, phát triển các phân khúc nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường bất động sản.
Thêm vào đó, nhiều chính sách trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có thể thực hiện được ngay mà không cần đợi văn bản hướng dẫn chi tiết, như chính sách miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư…
“Thị trường hiện rơi vào thực trạng cung không đủ cầu. Các dự án chậm được phê duyệt, trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn. Hệ quả làm cho giá nhà tăng cao, nhà giá rẻ khan hiếm, người có thu nhập thấp ngày càng khó chạm tới giấc mơ an cư. Ngoài ra, để làm một dự án bất động sản, các thủ tục chuẩn bị có thể kéo dài 3-5 năm, thậm chí có những dự án tới 15 năm. Ách tắc pháp lý là rào cản lớn kìm hãm đà tăng của thị trường bất động sản”, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nêu.
Từ thực trạng đó, theo chuyên gia này, khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sẽ giúp tháo gỡ nhiều nút thắt, giúp thị trường trở lại giai đoạn phát triển, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề. Quan trọng hơn, bất động sản phát triển mới thu hút được các nguồn lực lớn, đặc biệt là ngoại lực.
Coi việc các luật có liên quan đến thị trường bất động sản là một trong các yếu tố “đảo chiều” thị trường, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn Nguyễn Quốc Anh nêu, thời điểm này sẽ rơi vào giữa năm 2024.
“Thị trường sẽ lần lượt đi qua các giai đoạn thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định. Trong đó, từ nay đến hết năm 2024, hàng tồn kho giảm, thanh khoản tích cực hơn. Đây là giai đoạn người mua ưu tiên cho nhu cầu ở thực, pháp lý rõ ràng, có chính sách hỗ trợ tài chính tốt”, ông Nguyễn Quốc Anh phân tích.
Thị trường “đảo chiều”, thay đổi tốt
Đầu năm 2024, PGS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã đưa ra dự báo về 3 kịch bản cho thị trường trong năm. Và một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định là hành lang pháp lý. Sau 6 tháng đầu năm, chuyên gia này nhận định, thị trường bất động sản dự kiến thay đổi từ tốt đến rất tốt.
Theo ông Trần Kim Chung, việc ba luật liên quan đến thị trường bất động sản sớm có hiệu lực giúp nhiều doanh nghiệp sớm định hướng vận hành năm 2024.
Kỳ vọng ở “lực đẩy” của bộ ba luật sửa đổi sau thời điểm có hiệu lực, tuy nhiên, các chuyên gia đều nhấn mạnh, để bảo đảm hiệu quả trong quá trình thực thi, cần đẩy nhanh việc hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện trên cơ sở bảo đảm nội dung chất lượng, bám sát thị trường.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Hoàng Hải, để tránh khoảng trống về mặt pháp lý, đáp ứng các điều kiện khi triển khai thi hành luật, văn bản dưới luật cũng phải hoàn tất cùng thời điểm.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã tham gia, tập trung xây dựng 5 nghị định, 2 thông tư và 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa và hướng dẫn thi hành các luật trên. Các dự thảo văn bản nay cơ bản đã hoàn thiện, trình Chính phủ và hoàn tất trong tháng 7 này.
Đối với các địa phương, ngoài các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Các địa phương được yêu cầu làm song song để kịp ban hành khi các Luật có hiệu lực, đồng thời phối hợp với Bộ phổ biến các quy định mới của ba luật để các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn cùng triển khai, thực hiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.