(HNM) - Áp lực gia tăng lạm phát và lãi suất ngân hàng ở mức cao tiếp tục là những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải đối mặt trong thời gian tới. Chính phủ cùng các bộ, ngành đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Tiếp cận vốn vẫn là một trong những vấn đề "nóng" đối với DN, nhất là DN nhỏ và vừa (DNNVV). Thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, chỉ 1/3 số DNNVV trên cả nước tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Ngay cả khi có chính sách ưu đãi của Chính phủ, cũng chỉ có 5% đến 10% số DN được vay, do lãi suất vượt quá khả năng của DN. Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã có cơ chế tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển SXKD, xuất khẩu đối với DNNVV, song quá trình xét duyệt cho vay còn chậm, thủ tục phức tạp, DN khó tiếp cận.
Các cấp, ngành chức năng cần có những biện pháp tích cực trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất kinh doanh. Ảnh: Huy Hùng
Đại diện Công ty TNHH Tràng An (KCN Quang Minh, Hà Nội) chuyên sản xuất thép cho biết, lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại lên hơn 20%, khiến chi phí sản xuất thép bị "đội" giá. Nếu không muốn bị lỗ, DN buộc phải tăng giá, nhưng những tháng vừa qua, tình hình tiêu thụ thép không thuận lợi, nhu cầu sụt giảm khiến sản xuất bị đình trệ. DN phải sản xuất cầm chừng và cho thuê một phần nhà xưởng để trả chi phí thuê đất, lương công nhân...
Để khắc phục phần nào khó khăn cho DNNVV, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 03/2011/QĐ-TTg về Quy chế Bảo lãnh cho DNNVV vay vốn, giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam hỗ trợ bảo lãnh DNNVV vay vốn ở các ngân hàng thương mại. DN sẽ được hỗ trợ cả về giải pháp lẫn kinh phí thực hiện dự án. Tuy nhiên, kết quả một cuộc khảo sát trên 2.000 DN, do Hiệp hội Các nhà quản trị Việt Nam thực hiện mới đây cho thấy, có đến gần 80% DN không nắm được chính sách và chương trình hỗ trợ của Chính phủ. DN không biết hỏi cơ quan nào, trong khi ngành chức năng cũng lúng túng khi xây dựng văn bản hướng dẫn. Với chính sách hỗ trợ vốn cho DNNVV thông qua việc thành lập quỹ tín dụng, đến nay 63 tỉnh, thành phố mới có 13 quỹ được thành lập nhưng chỉ có một số quỹ thực sự hoạt động và hiệu quả chưa cao vì nhiều lý do, như ngân sách địa phương hạn hẹp, không huy động được vốn... Ngoài ra, khi triển khai, hầu hết DN đều không đáp ứng đủ điều kiện, nhất là thiếu dự án khả thi.
Theo TS Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DNNVV Việt Nam, với số lượng DNNVV nhiều như hiện nay, chính sách không thể "chảy" đến mọi DN, nhưng trước tiên Chính phủ cùng các bộ, ngành cần hỗ trợ DN sản xuất, trong đó khẩn trương tập trung vào 3 giải pháp cơ bản gồm: giãn, giảm thuế nhanh và kịp thời: giảm lãi suất và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN duy trì và phát triển SXKD. Nếu không thể hỗ trợ lãi suất ưu đãi, có thể hỗ trợ để DN tiếp cận vốn nhanh hơn và lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay phi sản xuất, không nên cào bằng. Tuy nhiên, trước khi các chính sách đến được với DN, DNNVV cần tự cân đối nguồn vốn, lao động, thị trường, công nghệ; đẩy mạnh liên doanh, liên kết, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau, thực hiện cạnh tranh lành mạnh, chủ động hoạch định chiến lược phát triển phù hợp với lộ trình của đơn vị để cùng vượt khó. Hơn thế, ở bất cứ hoàn cảnh nào, DN cũng không được lơ là chất lượng sản phẩm.
Quốc hội vừa thông qua nghị quyết về việc bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Theo đó, từ ngày 1-8 đến 31-12-2011, người nộp thuế có thu nhập dưới 9 triệu đồng/tháng từ tiền công, tiền lương và kinh doanh sẽ miễn thuế thu nhập cá nhân. Quốc hội quyết định giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, số thuế thu nhập từ hoạt động kinh doanh xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt… không được miễn thuế. Nghị quyết của Quốc hội cũng quy định, giảm 50% mức thuế khoán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp từ quý III-2011 đến hết năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, sinh viên, học sinh thuê; hộ, cá nhân chăm sóc trông giữ trẻ; hộ, cá nhân, tổ chức cung ứng suất ăn ca cho công nhân, với điều kiện những tổ chức này giữ ổn định mức giá cho thuê, giá trông giữ trẻ và giá cung ứng suất ăn ca như thời điểm cuối năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.