Vị trí trung tâm chính trị quốc gia vẫn được xác định tại quận Ba Đình. Chính phủ cũng đã dành một khu đất dự trữ tại Ba Vì, để sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ.
Các đại biểu Quốc hội tham quan sa đồ về quy hoạch Thủ đô Hà Nội bên hành lang Quốc hội ngày 2/6/2010. |
Tại phiên họp ở Hội trường ngày 2/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo của Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, có 10 chiến lược để thực hiện tầm nhìn xây dựng Thủ đô Hà Nội là thành phố Xanh-Văn hiến-Văn minh-Hiện đại. Cụ thể, đó là tăng cường bản sắc, hình ảnh riêng về Thủ đô bằng cách thiết lập các trục không gian “mặt nước”, “cây xanh” và “văn hóa”, phấn đấu tối thiểu 70% diện tích mở rộng của thành phố dành cho không gian mở.
Phát triển hệ thống đô thị vệ tinh và đô thị sinh thái có giới hạn rõ ràng nhằm đáp ứng sự tăng trưởng dân số và việc làm trong thời gian tới. Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó sử dụng giao thông công cộng là phương tiện chủ yếu để kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh.
Phát triển hệ thống các trung tâm xây dựng đô thị hiện đại, có tính cạnh tranh. Chiến lược cũng hướng tới giữ gìn, bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, bảo vệ vững chắc Thủ đô, phát triển đô thị gắn với an ninh quốc phòng trong tình hình mới.
Các chiến lược này sẽ được cụ thể hóa bằng giải pháp để thể hiện trong các nội dung cụ thể của Quy hoạch chung về phân bố không gian đô thị, nông thôn, về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, bảo tồn di tích, kiểm soát môi trường...
Thực hiện quy hoạch không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân
Báo cáo của Chính phủ khẳng định rõ, vị trí trung tâm chính trị quốc gia vẫn được xác định tại quận Ba Đình. Trụ sở các Bộ, ngành tập trung tại 4 quận nội thành Hà Nội cũ hiện không đáp ứng được nhu cầu nên một số Bộ, ngành đã và đang xây dựng trụ sở tại Mễ Trì - Mỹ Đình, Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục quy hoạch chọn địa điểm để đưa trụ sở một số Bộ, ngành nữa ra ngoài khu vực nội đô.
Trung tâm hành chính của TP. Hà Nội vẫn giữ nguyên như vị trí hiện tại khu vực quanh Hồ Gươm, các cơ quan công sở của thành phố sẽ được hợp khối chức năng và xác định cụ thể ở giai đoạn sau.
Trong khi đó, Chính phủ cũng đã dành một khu đất dự trữ tại Ba Vì, để sau năm 2050 xây dựng các cơ quan Chính phủ. Các quy hoạch chi tiết triển khai sau này cũng đều có đất dự trữ tại các quận, huyện cho phát triển các công trình công cộng, y tế, giáo dục, thương mại...
Báo cáo ý kiến của Ủy ban Kinh tế về Đồ án quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Hà Văn Hiền cho rằng, đây là văn bản trình Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ sẽ căn cứ vào ý kiến của các đại biểu Quốc hội chỉ đạo hoàn chỉnh để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bản Đồ án theo quy định của Luật quy hoạch đô thị.
Các ý kiến thuộc Ủy ban Kinh tế đều đánh giá cao nội dung của Đồ án với ý tưởng, định hướng chiến lược khá rõ ràng. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến xác đáng trong quá trình hoàn thiện Đồ án.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Đồ án cần thể hiện mối quan hệ hợp lý giữa quy hoạch này với Quy hoạch vùng Thủ đô và các quy hoạch đang có hiệu lực thi hành theo hướng kế thừa và phát triển, giảm thiểu xung đột và phủ định các quy hoạch đang được thực hiện.
Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng theo quy hoạch cần được tính toán kỹ hơn nữa trong Đồ án; bên cạnh đó cần bảo đảm đúng quy định của Luật Quy hoạch đô thị về việc công bố lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện Đồ án...
“Để bảo đảm Đồ án quy hoạch này được thực hiện nghiêm và không ảnh hưởng đến đời sống, đến đầu tư phát triển sản xuất trong quá trình thực hiện quy hoạch, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có văn bản riêng quy định về việc quản lý thực hiện Đồ án. Bên cạnh đó, chú ý đến vấn đề quản lý sau khi quy hoạch được duyệt, khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Theo chương trình, chiều nay (3/6), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về Đồ án quy hoạch này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.