(HNMO)- Văn hóa đọc luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, mặc dù ngày nay công nghệ phát triển, ai cũng có máy tính, nhưng văn hóa đọc báo giấy hay đọc sách vẫn không hề mất đi mà nó có sức lôi cuốn.
(HNMO)- Văn hóa đọc luôn có sức hấp dẫn kỳ lạ, mặc dù ngày nay công nghệ phát triển, ai cũng có máy tính, nhưng văn hóa đọc báo giấy hay đọc sách vẫn không hề mất đi mà nó có sức lôi cuốn. Và ba cuốn sách đáng đọc nhất trong mùa hè này là ba cuốn về đề tài tình yêu và hôn nhân gồm: “Yêu nhầm chị hai…được nhầm em gái”; “Tình yêu đêm Hạ chí” và “Sống chung sau ly hôn”
‘Yêu nhầm chị hai…được nhầm em gái’
‘Yêu nhầm chị hai…được nhầm em gái’ – Quyển tiểu thuyết về tuổi học trò đang chinh phục hàng triệu độc giả trên cả nước. Tác phẩm có tên gốc “Kưa nhầm chị hai… được nhầm em gái”, sau được tác giả LeoAslan chuyển thành “Yêu nhầm chị hai… được nhầm em gái”. Trước khi được VanvietBooks (Công ty cổ phần sách Văn Việt) xuất bản, tập truyện này đã được các cư dân mạng chuyền nhau đọc trên các diễn đàn mạng của dân công nghệ, và chỉ vài tuần sau đó đã trở thành một hiện tượng văn học và tạo nên một làn sóng lan truyền trên khắp các cộng đồng mạng đang rất phổ biến tại Việt Nam.
Tiểu thuyết này được đánh giá là cuốn sách văn học mạng viết về tình yêu tuổi học trò trong sáng và có sức hấp dẫn nhất từ nhiều năm trở lại đây, và vô tình cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều văn sỹ trẻ chấp bút phổ thơ cho truyện. Với gần 2 triệu lượt xem online trước đó, 4 triệu đến nay và hơn 40.000 comment trong VozForum chỉ trong vòng 3 tháng, hơn 300 các forum cũng như website khác đăng tải lại, “Yêu nhầm chị hai… được nhầm em gái” với văn phong dí dỏm hài hước nhưng cũng không kém phần trong sáng và lãng mạn, đã thực sự trở thành một hiện tượng văn học mạng với sức thu hút khó cưỡng lại đối với mọi người.
Với lối viết văn dí dỏm, hài hước và cách miêu tả xuất thần, tác phẩm hoàn toàn truyền tải được một cách trọn vẹn nhất những cảm xúc của chính tác giả đến độc giả, “ làm người đọc thấy mình như đang là nhân vật chính của truyện “ là một nhận xét đơn cử từ phía độc giả dành cho tiểu thuyết đầu tay của LeoAslan.
“Yêu nhầm chị hai…được nhầm em gái”, một câu chuyện về tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng, nhưng cũng không thiếu những tình huống gay cấn, những pha hài hước khiến độc giả phải cười vỡ bụng, hay những khoảnh khắc vô cùng lãng mạn, sâu lắng của mối tình đầu”
Không phải là người khởi xướng dòng văn học mạng Việt Nam vốn đã đóng cọc, cũng không phải là tác phẩm văn học mạng đầu tiên được xuất bản thành sách hay có một lịch sử dày đặc những tác phẩm văn học được xuất bản, càng không phải là cây viết độc quyền trong thế giới Văn Học Mạng bao la, khổng lồ và vô tận, nhưngLeoAslan lại là tác giả đã thu hút nhiều bạn đọc nhất trong một thời gian ngắn ở thời điểm hiện nay vì độ trong sáng, hài hước của tác phẩm. Chỉ vẻn vẹn 2 tháng sau khi “Yêu nhầm chị hai… được nhầm em gái” viết được khoảng 130 chương, đã có hơn 170 vạn lượt xem và đến thời điểm này con số người xem đã tăng lên gấp đôi. Dù còn rất trẻ chưa có quá nhiều kinh nghiệm như các bậc đi trước trong lĩnh vực Văn học mạng, thậm chí là câu chuyện hiện vẫn đang được viết tiếp phần 2, phần 3, nhưng LeoAslan vẫn được cộng đồng mạng cả nước và được đông đảo độc giả đón nhận.
Tình yêu đêm Hạ chí
“Tình yêu đêm Hạ chí” của tác giả Tiểu Ni Tử tên thật là Hùng Tịnh. Được mệnh danh là “thiên hậu trường phái mới của các diễn đàn văn học thanh xuân” (Trung Quốc). Nữ nhà văn trẻ Tiểu Ni Tử chính là người mở đầu cho trào lưu văn học lãng mạn tuổi teen ở Trung Quốc với tác phẩm Nụ hôn của quỷ (năm 2004). “Tình yêu đêm Hạ chí” là một trong số rất nhiều sáng tác sau này giúp cô khẳng định vị trí “thiên hậu” của mình.
Hạ Chí là ngày có ban ngày dài nhất trong năm. Nghe nói là đêm Hạ Chí rất tuyệt vời! bởi vì vào đêm này, có rất nhiều thiên thần nhỏ xuất hiện. Mà tôi còn nghe nói những thiên thần nhỏ còn rỏ vào mí mắt của bạn một thứ thuốc thần, khiến bạn yêu người đầu tiên nhìn thấy khi tỉnh giấc...
Câu chuyện kể về những kỉ niệm học trò trong sáng của hai nhân vật chính: Hạ Chí và Đằng Nguyên Dạ, cùng những bạn đồng lớp khác. Hồn nhiên và ngây thơ với những xúc cảm chân thật của lứa tuổi mới lớn không khoa trương, không các tình tiết “người lớn” mà chỉ đơn giản là những tình tiết hết sức đời thường của thời học trò với những mối quan hệ bạn bè, gia đình, thầy cô và xã hội. “Mô típ” nam chính đẹp trai hoàn hảo, nữ chính hậu đậu, đáng yêu được khai thác một cách tối đa qua nhiều lăng kính, dưới ngòi bút của Tiểu Ni Tử, tuổi học trò của chúng ta hiện lên một cách chân thực, như đang trở về thời cắp sách đến trường, hồn nhiên vô tư không toan tính mà vẫn trở nên cuốn hút lạ thường.
Bao nhiêu hiểm nhầm đáng tiếc, bao nhiêu những tình huống hài hước nực cười nhưng vẫn được miêu tả chân thực khiến người đọc nhớ đến thời học trò hồn nhiên ngây thơ của mình, và đặc biệt từng câu chữ trong từng chương truyện luôn truyền tải được một cách trọn vẹn nhất những cảm xúc của chính tác giả, đưa người đọc vào trạng thái như chính mình là nhân vật trong truyện. Từng chút, từng khắc... “lời nguyền” đó đã bị tình yêu chân thành, dũng cảm hóa giải hay không? Những tháng ngày tiếp theo của Hạ Chí và Đằng Nguyên Dạ sẽ như nào… Câu trả lời sẽ được giải đáp trong cuốn sách này.
“Sống chung sau ly hôn”
“Sống chung sau ly hôn” của tác giả Hồ Tiểu Mị nói về chủ đề tình yêu và hôn nhân. Nhân vật Tô Dao là một bà mẹ đơn thân có con nhỏ, do nhiều nguyên nhân nên vẫn sống chung dưới một mái nhà với người chồng cũ của mình: Cố Nguyên. Tô Dao vì muốn sớm có thể ra ngoài sống tự lập nên đã đổi sang công việc mới, nào ngờ cấp trên của cô lại chính là người yêu cũ Hứa Đông Dương.
Hứa Đông Dương muốn giành lại cô về bên mình, vô tình phát hiện ra rằng đứa con của Tô Dao và Cố Nguyên lại chính là cốt nhục của mình. Cố Nguyên cũng muốn giữ Tô Dao ở lại bên mình mặc dù hai người đã li hôn.
Kết hôn và trang điểm ở một góc độ nào đó cũng có những nét giống nhau, Khi trang điểm thì dù cho là một vết sẹo bé nhỏ cũng cố giấu đi bằng được. Kết hôn cũng vậy. Hai người đã bước vào cuộc sống chung rồi thì những thói xấu mới dần lộ ra. Trước khi kết hôn, nếu không hợp thì còn chia tay được, nhưng kết hôn rồi mới thấy, cố gắng học cách chịu đựng là một việc khó khăn đến nhường nào.
Hôn nhân có nhiều trách nhiệm hơn tình yêu, thứ mà hôn nhân đại diện không còn chỉ là hai người mà là gia đình hai bên kết hợp lại với nhau nữa.
Vậy nên mới thấy, hôn nhân không phải là cả hai cùng tiến lên phía trước. Hôn nhân là một ước hẹn mà cả hai người không được vi phạm suốt cả cuộc đời. Hạnh phúc trong cảnh “sống chung sau ly hôn” là có thực hay chỉ là một thứ ảo vọng mà con người mãi tìm kiếm?
Tình yêu và hôn nhân là những việc vô cùng phức tạp, không thể nói hết qua những câu chuyện cụ thể của Tô Dao - Cố Nguyên - Hứa Đông Dương, Tiểu Đông - Giang Lăng trong câu chuyện này, hơn nữa, đó lại là con đường chông gai không của riêng ai, mỗi người đều có thể bước đi tự dò dẫm bước đi, nhưng trên con đường chung sống với hôn nhân, mỗi người đều phải có “kế sách” để tự cân bằng cuộc sống đó của mình.
Và không ngạc nhiên khi thấy chính tác giả cũng phải thú nhận rằng: “Khi viết Sống chung sau ly hôn, trong nhà trùng khớp cũng xảy ra nhiều việc, tới tận lúc đó, tôi mới thực sự hiểu rõ hôn nhân và gia đình có ý nghĩa như nào đối với một người phụ nữ.
Sống chung sau ly hôn là tác phẩm viết về hôn nhân và tình yêu thời hiện đại. Đọc những câu chuyện khác nhau ấy của Hồ Tiểu Mị, có thể đâu đó bạn sẽ tìm thấy tiếng nói chung với lòng mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.