Ngày 27-8, theo Reuters, Australia cho biết, nước này sẽ giới hạn số lượng tuyển sinh sinh viên quốc tế mới ở mức 270.000 cho năm 2025, trong bối cảnh Chính phủ đang tìm cách kiềm chế dòng người di cư kỷ lục góp phần làm tăng giá thuê nhà.
Quyết định này được đưa ra sau một loạt hành động kể từ năm 2023 nhằm chấm dứt các ưu đãi dành cho sinh viên và người lao động nước ngoài tại Australia trong đại dịch Covid-19.
"Hiện nay, có khoảng 10% sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học, nhiều hơn so với trước khi xảy ra dịch Covid-19 và khoảng 50% sinh viên quốc tế theo học tại các cơ sở đào tạo và dạy nghề tư nhân của chúng tôi", Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare phát biểu tại một cuộc họp báo.
Số lượng sinh viên quốc tế mới nhập học sẽ được giới hạn ở mức 145.000 (tương đương mức năm 2023) và 95.000 cho các khóa học thực hành và kỹ năng.
Theo Bộ trưởng Giáo dục Jason Clare, Chính phủ sẽ thông báo cho các trường đại học về giới hạn tuyển sinh cụ thể.
Đại học Melbourne cho biết, họ đã nhận được mức giới hạn chỉ định và đang đánh giá những tác động khác.
Phó Hiệu trưởng, Giáo sư Duncan Maskell cho biết: "Việc giới hạn số lượng sinh viên quốc tế sẽ gây hậu quả bất lợi cho trường Đại học của chúng tôi, cho ngành giáo dục đại học nói chung và cho cả quốc gia trong nhiều năm tới".
Đại học Sydney cũng cho biết đang nghiên cứu tác động có thể xảy ra của mức giới hạn này. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ và ngành để quản lý sự tăng trưởng của giáo dục đại học quốc tế, một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Australia", thông cáo nêu rõ.
Giáo dục quốc tế là "mặt hàng xuất khẩu" lớn thứ tư của Australia sau quặng sắt, khí đốt và than đá, mang lại 36,4 tỷ đô la Úc (24,7 tỷ USD) cho nền kinh tế trong năm tài chính 2022-2023.
Nhập cư ròng đạt mức cao kỷ lục trong năm 2023, tăng 60% lên mức kỷ lục 548.800 người, chủ yếu là sinh viên từ Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines. Trong nỗ lực hạn chế làn sóng di cư, tháng trước, Chính phủ đã tăng gấp đôi lệ phí thị thực cho sinh viên nước ngoài và cam kết lấp lỗ hổng trong các quy định cho phép họ liên tục gia hạn thời gian lưu trú.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.