Tọa đàm Auschwitz & Holocaust: Tang thương đến cả hoa kia cỏ này, đã điểm lại một số tác phẩm văn chương viết về “Auschwitz và Holocaust”, hai trại tập trung, nơi diễn ra nạn diệt chủng kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
Nhà phê bình Mai Anh Tuấn, T.S Trần Ngọc Hiếu và Nhà văn Uông Triều (từ trái qua phải) trong buổi tọa đàm. |
Chiến tranh – Thảm họa của nhân loại
Trong Thế chiến thứ II, Auschwitz và Holocaust là hai trại tập trung chứng thực tội ác ghê rợn của phát xít Đức. Chúng dồn người Do thái vào trại tập trung, biến họ trở thành nô lệ, lao động khổ sai, thí nghiệm y khoa, thậm chí đưa vào lò hơi có khí ngạt cho đến chết.
Auschwitz và Holocaust là hai trại tập trung khét tiếng nhất do Đức Quốc xã lập ra, nơi diễn ra những vụ tra tấn và hành quyết con người tàn bạo nhất. Chính vì vậy, cho đến ngày nay, dù chiến tranh đã qua đi, Auschwitz và Holocaust đã trở thành danh từ ám chỉ tội ác đạt tới đỉnh cao.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu cho rằng: “Chính con người đã ra tay sát hại đồng loại của mình, gây ra những bất công. Thậm chí những ai đứng bên cạnh, chờ đợi kẻ ra tay tước đi sinh mệnh còn sống, cũng trở thành kẻ sát nhân rồi.”
Nạn nhân bị đưa vào trại tập trung, cả người già, người tàn tật, người đồng tính, nhưng đối tượng chính là trẻ em. Trẻ em bị đưa vào Holocaust khá nhiều. Phát xít Đức cho rằng, tiêu diệt trẻ em phải được ưu tiền hàng đầu, để ngăn ngừa sự sinh sôi và kế thừa của người Do Thái.
Khi Hồng Quân Liên Xô tiến vào giải phóng, họ tìm thấy hơn trăm ngàn giày dép còn sót lại. Đó là một thảm họa không ai có thể quên. Nhà văn Uông Triều cho rằng: “Tại sao lại viết về Auschwitz & Holocaust? Đó chẳng phải là những tội ác đến tận cùng sao? Viết không phải là tôn vinh nó, mà là để khắc ghi những nạn nhân xấu số của nạn diệt chủng tàn bạo nhất nhân loại.”
Phát xít Đức không phân biệt ai là người bị giết. Trong một tác phẩm văn học, một bác sĩ đã tiến hành kiểm tra tù nhân để lọc ra ai đủ sức khỏe cống hiến và lao động cho trại. Các cô phải phải lấy kim trích tay lấy máu, bôi lên mặt mình sao cho trông hồng hào hơn. Có như vậy, mới vượt qua được vòng kiểm tra của bác sĩ. Dù là một chi tiết nhỏ thôi, nhưng ta có thể thấy rằng nạn diệt chủng ấy khắc nghiệt đến mức nào. Thế nhưng, nếu vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt đó, con người sẽ trở nên kiên cường thực sự.
Sức sống của con người
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu bày tỏ, văn học đã khai thác rất nhiều về Auschwitz và Holocaust, tiêu biểu là “Không số phận” đoạt giải Nobel. Tác phẩm cho ta thấy khoảng thời gian sống trong trại tập trung là một chuỗi ngày thê thảm. Cái hay của “Không số phận” nằm ở chỗ, đặt ra một câu hỏi, bạo lực bắt đầu từ đâu? Phải chăng từ sự nhẫn nhục, chưa ý thức được cần phải đứng lên phản kháng?
Khi “tôi” - nhân vật chính - bỏ học trở về nhà, cậu và cha liền bị đưa đến trại tập trung. Người bác đã nói với cậu rằng, định mệnh của người Do Thái đã được xếp đặt sẵn. Giống nòi này đã bị xua đuổi kéo dài hàng ngàn năm, nhưng họ vẫn phải chịu đựng bằng sự an nhiên của mình. Bởi đó là sự đòn trừng phạt của Chúa Trời cho tội ác mà tổ tiên họ đã gây nên. Chính vì vậy, họ chỉ có thể chờ đợi sự ân xá của Người, trong tâm thế của một tội đồ.
Ở tác phẩm, ta có thể thấy nạn phân biệt chủng tộc được đẩy đến đỉnh cao. Những nhân vật trải qua Auschwitz và Holocaust, đã phải sống trong những tháng ngày đau khổ cùng cực. Nhưng họ vẫn chấp nhận toàn bộ đòn trừng phạt của phát xít Đức như một lẽ đương nhiên. Họ cho rằng, đó là trách nhiệm của người Do Thái. Và cuối cùng phải trả một cái giá quá đắt, chính là lãng quên đi ý nghĩa thực sự của việc làm người. Dù thân xác còn thở, nhưng lòng đã chết.
Viết về Auschwitz và Holocaust, không phải ta tôn vinh cái ác mà để truyền lại cho hậu thế một cái nhìn chân thực về một sự thật kinh hoàng của lịch sử.
Hàng triệu người đã chết, trong đó có những trí thức, bác sĩ, kỹ sư, thậm chí là cả một chủng tộc. Nhà văn Uông Triều bày tỏ: “Với tư cách người đọc, hưởng một cuộc sống thái bình, ta chỉ gặp chút khó khăn đã vội chùn bước, không dám đi tiếp và sẽ ngoặt sang một con đường khác. Sống sót qua Auschwitz và Holocaust là những người kiên cường nhất, họ đã dùng mọi trí khôn, sự kiên cường của mình để sinh tồn.”
Khi bước vào trại tập trung, con người như bị bệnh ung thư. Càng đau khổ, cái chết đến càng sớm. Ngoài sức lực, còn phải dùng cái đầu để sinh tồn. Trong “Không số phận”, một cậu bé đã nói, trước khi vào trại tập trung, cậu có một cuốn sách viết về những người tù khổ sai nhưng lại không đọc nó. Lúc bước chân vào đây, cậu đã hối hận. Giá như cậu đọc cuốn sách ấy, cơ hội sống sót, khả năng thích nghi sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, vấn đề không phải cậu có đọc hay không, mà nằm ở vốn sống, trí tuệ và khao khát tự do của cậu. Những nhân chứng còn sống là những con người vĩ đại, họ là minh chứng cho sức sống bất diệt của con người, đồng thời cũng là nhân chứng của tội ác man rợ nhất trong lịch sử nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.