Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam công bố, công ty này đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược từ Bộ Y tế, đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 54/2017/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 8-5-2017. Theo đó, AstraZeneca được phép thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu dược tại Việt Nam.
Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam cho biết: “Chúng tôi rất cảm kích sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam, Bộ Y tế và các đối tác tại Việt Nam để AstraZeneca tiếp tục thiết lập quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong ngành dược phẩm Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc quan trọng, giúp chúng tôi có thêm bước tiến lớn trong việc chuyển đổi mô hình vận hành để bệnh nhân được tiếp cận sớm hơn với các giải pháp điều trị tiên tiến trên thế giới, đồng thời đóng góp cho sự phát triển của ngành y tế và bảo vệ sức khỏe cho người Việt Nam”.
Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam cũng được Bộ Y tế cho phép thực hiện các hoạt động giám sát nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Công ty đặt mục tiêu tiến hành thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân và góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu trong nước. Với sự hỗ trợ từ văn phòng đại diện của công ty tại Việt Nam, bộ phận nghiên cứu và phát triển toàn cầu của AstraZeneca luôn dẫn đầu về thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam trong 5 năm qua với mạng lưới hơn 130 đơn vị nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng rộng khắp cả nước.
Tập đoàn AstraZeneca đặt mục tiêu đi đầu trong sứ mệnh làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm qua việc xây dựng một hệ sinh thái lấy bệnh nhân làm trọng tâm, từ đó mang lại những cải thiện tích cực trong suốt hành trình chăm sóc sức khỏe, từ nhận thức - phòng ngừa bệnh, đến chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh sau điều trị.
Vào giữa năm nay, AstraZeneca đã công bố khoản đầu tư 5 nghìn tỷ đồng (tương đương 220 triệu USD, giai đoạn 2020-2024) tại Việt Nam. Với khoản đầu tư này, AstraZeneca sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong nước, đồng thời hỗ trợ bệnh nhân tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe thông qua các chương trình hợp tác đào tạo và nâng cao năng lực của cán bộ y tế ở tuyến cơ sở, tăng cường khả năng chẩn đoán sớm và điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Điển hình là chương trình “Vì lá phổi khỏe” hợp tác với Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và 3 hội chuyên ngành tại Việt Nam nhằm nâng cao công tác quản lý bệnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hay chương trình “Sức khỏe thanh thiếu niên” giúp giới trẻ tạo lập lối sống lành mạnh để ngăn ngừa bệnh không lây nhiễm từ sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.