Theo dõi Báo Hànộimới trên

ASEAN trong thế “chiến lược toàn cầu”

Vân Khanh| 20/11/2011 07:00

(HNM) - Hòn đảo Bali xinh đẹp được ví như thiên đường hạ giới của Indonesia từng là nạn nhân của chủ nghĩa khủng bố vừa chứng kiến một quyết tâm đoàn kết mới trong ASEAN cũng như các nỗ lực tăng cường vị thế của tổ chức khu vực này trên vũ đài chính trị thế giới.

Thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN 19 và các hội nghị liên quan vừa bế mạc ngày 19-11 không chỉ làm sâu sắc thêm chủ đề "Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu" mà còn khẳng định thêm niềm tin về một ASEAN hợp tác, kết nối, hội nhập sâu rộng và tham dự tích cực hơn vào các vấn đề toàn cầu.

Trong bối cảnh cục diện chính trị thế giới có nhiều biến chuyển và ở nhiều quốc gia sự chia rẽ và xung đột đã dẫn tới những bất ổn ghê gớm cho cả khu vực thì sự kiện các lãnh đạo ASEAN đạt được nhất trí về các bước đi cụ thể nhằm xây dựng Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ, thực sự vì người dân là một thông điệp rõ ràng về ý chí không đổi của một ASEAN gắn kết chặt chẽ; đồng thời là một khối chính trị thống nhất.

Mục tiêu này có ý nghĩa quyết định trong phối hợp hành động của ASEAN trên tất cả các lĩnh vực. Khi nền kinh tế vừa thoát khỏi bóng đen của khủng hoảng toàn cầu nhưng vẫn đứng trước mối đe dọa suy thoái trở lại bởi cơn bão nợ công thì bảo đảm đà hồi phục khả quan của kinh tế khu vực theo hướng bền vững đã trở thành mối quan tâm chung của 10 thành viên ASEAN. Cùng tìm ra các giải pháp củng cố khả năng ứng phó của ASEAN trước những biến động kinh tế - tài chính quốc tế, trở thành một bộ phận của các giải pháp xử lý khủng hoảng và đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng cân bằng của kinh tế thế giới là đích đến quan trọng trong thời đại của liên kết và phụ thuộc lẫn nhau như hiện nay. Những cơ hội trao đổi thương mại, đầu tư, giao lưu giữa các nước không chỉ bảo đảm mọi người dân trong khu vực được hưởng lợi từ sự hội nhập và tăng trưởng mà còn giúp giữ vững và thúc đẩy vai trò của ASEAN như một phần tích cực của nền kinh tế quốc tế.

Khẳng định sự thịnh vượng không thể tách rời duy trì an ninh và ổn định tại ASEAN, việc thông qua các sáng kiến, cơ chế xử lý xung đột nội khối và tạo môi trường thuận lợi cho đối thoại giữa các nước có tranh chấp trong cuộc tập hợp tại Bali một lần nữa cho thấy lập trường kiên quyết nhưng hòa bình của lãnh đạo ASEAN trước những vấn đề mới nảy sinh. Trên tinh thần đó, nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường bảo đảm triển khai hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) hướng tới hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) đã tạo nền tảng để tin tưởng rằng biển Đông sẽ trở thành vùng biển của hòa bình, ổn định và phát triển.

Xử lý hiệu quả thách thức trên tất cả các bình diện được nhìn nhận là nhân tố then chốt để tiến tới mục tiêu tăng cường vai trò quốc tế của ASEAN trong cấu trúc khu vực và thế giới. Điều đó khẳng định một thực tế rằng, ASEAN không chỉ là một hình mẫu thành công của hợp tác khu vực mà còn là một tiếng nói thống nhất ngày càng có giá trị trên bản đồ chính trị vùng Đông Á và thế giới.

Một trong những yếu tố thể hiện rõ ràng nhất sự lớn mạnh của ASEAN là thành công của cơ chế Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Bali. Sự kiện này được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong năm nay khi lần đầu tiên "ASEAN+6" trở thành "ASEAN+8" với sự có mặt của Mỹ và Nga là thành viên chính thức. Quy tụ cả ba cường quốc thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Nga, ASEAN+8 là cột mốc quan trọng cho thấy Đông Á ngày càng có vị trí quan trọng trong không chỉ về địa - chính trị mà còn cả về địa - chiến lược và kinh tế trên thế giới.

Những sáng kiến tích cực, xây dựng, chủ động và có trách nhiệm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 19 và EAS trên nhiều lĩnh vực tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam. Sau 16 năm tham gia ASEAN, sự hiện diện và những đóng góp của Việt Nam trong củng cố và phát triển Hiệp hội cũng như quan hệ hợp tác với các nước đối thoại của ASEAN được đánh giá đã trở thành một cấu thành quan trọng cho những thành công vượt bậc của ASEAN thời gian qua; đồng thời là một minh chứng sinh động cho đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trước lợi ích dân tộc của Việt Nam.

Sau 43 năm thành lập, từ một tổ chức nhóm quốc gia với sự chi phối của tư tưởng chính trị thiên về đối kháng, ASEAN đã vượt lên và chứng tỏ là một trong những tổ chức khu vực đoàn kết, năng động và có quan hệ với tất cả các nước và tổ chức khu vực lớn trên thế giới. Cuộc tập hợp Bali vừa khép lại đã không chỉ ghi nhận mà còn mở ra một giai đoạn phát triển mới của ASEAN. Người dân trong khu vực hoàn toàn có lý do để tin tưởng rằng sự thống nhất và vai trò quốc tế mới sẽ mang lại những thành tựu rực rỡ hơn nữa cho ASEAN trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
ASEAN trong thế “chiến lược toàn cầu”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.