Theo dõi Báo Hànộimới trên

Asean - Một trọng tâm trong chiến lược của Mỹ

Đình Hiệp| 18/02/2014 06:21

(HNM) - Như một minh chứng nữa khẳng định cho chính sách ngoại giao hướng tới Châu Á của Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry vừa đến thăm Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và gặp Tổng Thư ký Lê Lương Minh.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh.



Ngoại trưởng J.Kerry chỉ là một trong số nhiều quan chức cấp cao của Mỹ có các chuyến thăm ngoại giao con thoi tới ASEAN thời gian qua. Trong cuộc gặp Tổng Thư ký Lê Lương Minh cách đây chưa đầy 10 ngày, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (US-ABC) Alexander Feldmen đã nhấn mạnh vai trò của ASEAN trên các thị trường toàn cầu. Bày tỏ quan điểm ủng hộ tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Chủ tịch Alexander Feldmen đã gợi mở một loạt chương trình hợp tác giữa hai bên, trong đó có Chương trình tăng cường năng lực các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở các nước thành viên ASEAN và kết nối các doanh nghiệp này với mạng lưới chuỗi cung cấp khu vực và toàn cầu. Trong chuyến thăm diễn ra gần như đồng thời với Chủ tịch Alexander Feldmen tại Ban Thư ký ASEAN, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương (US PACOM) cũng khẳng định cam kết của Mỹ cũng như US PACOM về tăng cường hợp tác với ASEAN trong các lĩnh vực cùng quan tâm. Trên tinh thần chung đó, Ngoại trưởng J.Kerry một lần nữa khẳng định cam kết của Mỹ hỗ trợ tiến trình hội nhập khu vực và xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015; đồng thời nhấn mạnh một loạt vấn đề hai bên cùng quan tâm nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Một loạt thỏa thuận hợp tác trên cho thấy, quan hệ ASEAN - Mỹ đã được mở rộng trên hầu khắp các lĩnh vực sau 36 năm thiết lập quan hệ đối tác. Để đưa quan hệ đi vào thực chất hơn, cuối năm ngoái, hai bên đã khởi động hai chương trình kéo dài 5 năm với tổng trị giá 300 triệu USD do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ. Chương trình thứ nhất mang tên "Kết nối ASEAN thông qua thương mại và đầu tư" nhằm hỗ trợ phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong các lĩnh vực hội nhập hải quan, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư… Chương trình thứ hai là "Quan hệ đối tác ASEAN - Mỹ để quản trị tốt, phát triển công bằng, bền vững và an ninh" nhằm hỗ trợ hợp tác nội khối ASEAN và hợp tác ASEAN - Mỹ trong các lĩnh vực quản trị tốt, đối thoại và hợp tác công - tư, thúc đẩy quyền con người…

Nếu trước đây Mỹ hướng ưu tiên vào khu vực Đông Bắc Á trong chiến lược ngoại giao thì giờ đây ASEAN đang trở thành lựa chọn quan trọng. Thiết lập quan hệ đối tác đối thoại vào năm 1977, đến nay thương mại ASEAN - Mỹ đã đóng góp 200 tỷ USD vào tổng kim ngạch thương mại 2.500 tỷ USD của ASEAN. Với dân số gần 600 triệu dân và tổng GDP khoảng 1,3 nghìn tỷ USD, ASEAN không chỉ là điểm đến của các nhà đầu tư mà còn đang mở ra "sân chơi" bình đẳng cho tất cả các cường quốc kinh tế đầy ảnh hưởng như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... Tuy nhiên, Mỹ hiện là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của ASEAN, và ASEAN cũng là thị trường lớn thứ tư của Mỹ. Đặc biệt, về các lợi ích an ninh và chiến lược, ASEAN có 2 trong số 5 đồng minh của Mỹ ở Châu Á, với Philippines và Thái Lan. Ba thành viên ASEAN gồm Singapore, Brunei và Việt Nam nằm trong số 8 quốc gia sáng lập viên của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); và các quốc gia ASEAN chiếm 1/3 số thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) mà Mỹ là thành viên quan trọng.

Đó là lý do vì sao khi nhiều chuyên gia phân tích cho rằng: Chiến lược toàn diện của Mỹ với Châu Á sẽ không đầy đủ nếu không có một chiến lược cốt lõi mạnh mẽ và rõ ràng với ASEAN. Dù sao đi nữa ASEAN vẫn là nơi các quốc gia quan trọng nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương gặp nhau và cạnh tranh - và Mỹ không thể đứng ngoài cuộc hoặc đánh giá quá thấp những lợi ích căn bản của chính nước Mỹ tại một khu vực đang ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Với mục đích thật rõ ràng, chuyến thăm Ban Thư ký ASEAN của Ngoại trưởng J.Kerry cũng như các quan chức cấp cao Mỹ thời gian qua một lần nữa khẳng định vị trí và vai trò của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình cũng như trong chính sách xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Asean - Một trọng tâm trong chiến lược của Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.