(HNM) - Sau hơn 2 tháng bùng phát, trước những ảnh hưởng chưa từng có của đại dịch toàn cầu Covid-19, cộng đồng các quốc gia ASEAN đang chung tay ứng phó với cuộc chiến chống dịch bệnh, được các chuyên gia y tế dự báo có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng tới.
Hiện đã có 8/10 quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Covid-19, trong đó Singapore và Malaysia đã xác nhận hơn 100 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Bên cạnh các biện pháp nghiêm ngặt được chính phủ các nước trong khu vực ban hành nhằm ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng, ASEAN với vai trò là "mái nhà chung" cũng cam kết tiếp tục tăng cường các cơ chế hợp tác để chống lại mối đe dọa này.
Ngay từ giữa tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về Ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát của dịch bệnh, dành ưu tiên cao của hiệp hội trong việc ứng phó và kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng quốc tế. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự đoàn kết và tinh thần "Gắn kết và Chủ động thích ứng" của Cộng đồng, khẳng định cam kết mạnh mẽ kiểm soát và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân.
Thực tế, kể từ khi các quan chức y tế Trung Quốc chia sẻ những thông tin đầu tiên về dịch bệnh, mạng lưới các trung tâm điều hành khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ASEAN (Mạng lưới ASEAN EOC) đã liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh mỗi ngày. Ngoài ra, các cơ quan đã cung cấp thông tin phòng, chống, phát hiện và ứng phó đến Hội nghị Các quan chức cao cấp về phát triển y tế ASEAN (SOMHD) để có biện pháp phù hợp.
Trước các tác động bất lợi đối với nền kinh tế, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) hẹp lần thứ 26 họp tại Đà Nẵng vào tuần qua đã ra Tuyên bố về tăng cường khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN để đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, các bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các nỗ lực phối hợp để tránh tác động bất lợi do sự bùng phát của dịch bệnh, cam kết tiếp tục duy trì mở cửa thương mại và đầu tư trong ASEAN; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị doanh nghiệp, hiệp hội để củng cố hình ảnh Đông Nam Á là trung tâm thương mại, đầu tư và du lịch của khu vực; kiềm chế các hành động tạo áp lực lạm phát hay ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực, bảo đảm nguồn cung hàng hóa và nhu yếu phẩm…
Nỗ lực giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến sức khỏe người dân, sự phát triển kinh tế cũng như an ninh và ổn định của khu vực cũng đã được ghi nhận trong Tuyên bố chung của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN 2020 diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 2 vừa qua. Sự thống nhất cao giữa các bộ trưởng quốc phòng trong việc tăng cường hợp tác thực tế nội khối trên cơ sở sáng kiến và cơ chế của ASEAN, như Trung tâm Quân y ASEAN, hội nghị các chuyên gia sinh học - hóa học - phóng xạ… được Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá cao, đáp ứng kỳ vọng, mong đợi của nhân dân các nước đang muốn nhanh chóng dập tắt dịch Covid-19. Các biện pháp triển khai Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung của ASEAN đối với dịch Covid-19 cũng đã được thảo luận tại Hội nghị đặc biệt Hội đồng Điều phối ASEAN diễn ra tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) cuối tháng 2.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh rằng, với việc lựa chọn chủ đề cho Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định đối với sự vững bền của ASEAN. Sự gắn kết và chủ động thích ứng trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 là minh chứng rõ nét cho thấy một Cộng đồng hơn 600 triệu dân đang huy động sức mạnh tổng thể để không ngừng vận động vươn lên, đón nhận cơ hội và cả thách thức mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.